Đại diện thương mại Mỹ mang chính sách "Nước Mỹ trước tiên" đến Hà Nội
Trong hai ngày cuối tuần 20 và 21/5, đang diễn ra cuộc họp của các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.
- 19-05-2017APEC 2017: Cơ hội để Đà Nẵng quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư
- 17-05-2017Mỹ, Trung Quốc, châu Á và tương lai khó đoán của bức tranh thương mại toàn cầu
- 10-04-201716 nước bị Tổng thống Trump điều tra về thâm hụt thương mại, châu Á chiếm hơn nửa
Đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với một vài đối tác quan trọng vào ngày 20/5, phác họa rõ nét chính sách “America First” (tạm dịch: Nước Mỹ trước tiên) – điều mà trong thời gian qua đã làm dấy lên nỗi lo về chủ nghĩa bảo hộ và đe dọa xáo trộn trật tự toàn cầu vốn đã được duy trì suốt mấy chục năm qua.
Theo Reuters, ông Robert Lighthizer đã gặp gỡ các Bộ trưởng từ Canada và Nhật Bản bên lề cuộc họp của các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC (MRT) diễn ra sáng nay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Đây là cuộc họp về thương mại lớn nhất kể từ khi ông Trump nhậm chức, với các thành viên tham dự đóng góp hơn 40% thương mại toàn cầu.
Lighthizer cùng với Bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko đã đồng ý sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và xóa bỏ các rào cản, thông báo từ đại diện thương mại Mỹ cho hay.
“Cụ thể cả hai bên đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác để giải quyết những vấn đề chung, đối phó với những thủ thuật, hoạt động thương mại không công bằng của các bên thứ ba”, thông báo có đoạn.
Trong quá khứ, ông Lighthizer từng chỉ trích Trung Quốc về thứ mà ông gọi là gian lận thương mại, trong khi mới đây Tổng thống Trump dường như đã từ bỏ giọng điệu phê phán Trung Quốc mà ông thể hiện trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Với những lời tuyên bố về việc rút khỏi hay đàm phán lại các hiệp định thương mại để bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ (đặc biệt là trong ngành sản xuất), giờ đây cụm từ “công bằng” ngày càng xuất hiện phổ biến trong các tuyên bố về thương mại của Mỹ, thay vì chỉ có từ “tự do” như trước.
Trung Quốc thúc đẩy 1 thỏa thuận châu Á
Theo phóng viên Reuters, ngày mai hội nghị sẽ phát đi một bản tuyên bố nhấn mạnh vai trò của tự do thương mại và cảnh báo những mối đe dọa từ chủ nghĩa bảo hộ.
Tuy nhiên, những cách tiếp cận khác nhau, thậm chí đối lập nhau, hiển hiện rất rõ ràng ở Hà Nội.
Theo kế hoạch, ông Lighthizer gặp rất nhiều đối tác tại hội nghị, trong đó có đại diện thương mại của Trung Quốc. Từng là luật sư và là người phụ trách các vấn đề thương mại dưới thời Reagan, ông Lighthizer mới chỉ nhậm chức hồi đầu tháng 5.
Tự nhận mình là nước đi đầu cổ vũ tự do thương mại trong bối cảnh Mỹ thay đổi thái độ, Trung Quốc đang thúc đẩy một thỏa thuận tự do thương mại sẽ bao phủ hầu khắp các nền kinh tế châu Á. Đó là RCEP.
Trong khi đó, Nhật Bản lại đang dẫn đầu nhóm các nước muốn tiếp tục với Hiệp định thương mại châu Á Thái Bình Dương TPP – thứ mà ông Trump đã bác bỏ ngay trong ngày đầu nhậm chức. Trung Quốc không tham gia TPP và hiệp định này có phạm vi rộng hơn RCEP.
Các nhà đàm phán của nhóm TPP không có Mỹ (TPP-11) đã thảo luận về tương lai của TPP. Các Bộ trưởng sẽ đưa ra quyết định trong ngày mai.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết ông không hi vọng các nước sẽ đạt được 1 thỏa thuận đột phá, nhưng vẫn kỳ vọng về 1 cam kết để tiến trình có thể tiếp tục. “Sẽ mất một chút thời gian, có thể là cả năm 2017. Chúng tôi nghĩ rằng thỏa thuận phải cân bằng và sẵn sàng đối thoại để hiểu rõ hơn về vị thế của Malaysia, Việt Nam cũng như các nước khác”.
Nhật Bản hy vọng một ngày nào đó Mỹ sẽ gia nhập lại. Tuy nhiên, việc đàm phán lại hiệp định NAFTA hiện là vấn đề được Washington ưu tiên hơn.
Bộ trưởng thương mại Canada cho biết cuộc gặp giữa ông và Lighthizer đã diễn ra tốt đẹp, hai bên cũng đã thảo luận “một số vấn đề đa phương”. Ngoài ra ông Lighthizer còn có cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mexico.