Đại diện Tổng cục Thuế: "Người công tâm sẽ thấy đánh thuế tài sản là hợp lý!"
Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, là đơn vị xây dựng và trình dự thảo Luật Thuế tài sản nên ông thấy đề xuất này là hợp lý...
- 19-04-2018Sao nỡ đánh thuế tài sản người nghèo, đang thiếu nợ?
- 18-04-2018Ông Nguyễn Đức Kiên:‘Đánh thuế tài sản cũng bình thường thôi’
- 18-04-2018Nếu đánh thuế tài sản, Việt Nam sẽ khó có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?
Dưới góc độ cá nhân, đại diện Tổng cục Thuế nhận định, ôtô có giá trị cao thì cần phải đánh thuế. Bởi nhờ ơn xã hội nên nhiều người mới có may mắn về kinh doanh, mới có cơ hội có tài sản cao, cho nên hãy vui vẻ đóng "mấy đồng thuế".
Chia sẻ bên lề một hội thảo về sửa đổi các Luật thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho biết, đối với dự thảo Luật Thuế tài sản, hiện nay Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục thu thập ý kiến của các tập thể, cá nhân.
Hiện nay cũng có nhiều quan điểm khác nhau về dự thảo này nên để trả lời dự thảo này có bất hợp lý hay không là điều rất khó.
"Với người này thì hợp lý nhưng với người kia thì bất hợp lý. Người công tâm thì thấy hợp lý, còn người không khách quan thì thấy không hợp lý. Còn chúng tôi trình lên là chúng tôi thấy hợp lý rồi. Nếu các bạn thấy không hợp lý thì các bạn phải chỉ ra cho chúng tôi", ông Phụng nói.
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, đối với những người kinh doanh bất động sản thì sẽ không muốn đánh thuế nhà ở, đất đai vì giá cả sẽ chững lại. Nhưng với người dân không có đất, không có nhà, không có gì cả thì cơ quan thuế đề xuất đánh thuế.
Ông Nguyễn Văn Phụng cũng chia sẻ một trong những khó khăn lớn trong lần sửa đổi này là Bộ Tài chính phải chịu sức ép rất lớn từ công luận, vì vừa phải đảm bảo mức độ thực hiện, lại phải đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định và phát triển, nên đây là bài toán khó.
"Dự thảo Luật Thuế tài sản được nhóm nghiên cứu mạnh dạn đưa ra sớm, tuy nhiên vừa qua công tác truyền thông của các cơ quan báo chí không được khách quan cho lắm, cho nên cần phải có những ý kiến trung lập. Quan điểm cá nhân tôi, nếu đánh thuế tài sản phải phân định rõ tài sản cá nhân và tài sản của doanh nghiệp. Tài sản người tiêu dùng và tài sản sản xuất kinh doanh", ông Phụng nêu quan điểm.
Cụ thể hơn đối với đề xuất đánh thuế ôtô, ông Phụng cho rằng ôtô mà có giá trị cao, đẹp thì cần phải đánh thuế.
"Bởi anh sống trong xã hội này, anh được nhờ ơn xã hội này nên anh có những may mắn về kinh doanh, mới có cơ hội có tài sản cao, nên anh vui vẻ đóng mấy đồng thuế thì có sao đâu?
Nhưng tôi nghĩ đánh thuế ôtô thì phải đánh thuế cả tàu thuyền, đánh thuế cả những tài sản có giá trị cao nữa. Tôi nghĩ đây cũng là một ý kiến mà chúng ta cần phải nghiên cứu", ông Phụng nêu quan điểm.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, đối với ôtô, tàu thuyền, hiện có nước đánh thuế, có nước không, tuy nhiên ở các nước khác họ dùng nhiều loại thuế để điều tiết.
Khi mua sắm, họ dùng thuế tiêu thụ đặc biệt, khi đăng ký thì họ dùng thuế đăng ký và khi sử dụng, nắm giữ thì họ đánh thuế tài sản.
Ông Phụng cho rằng, một đất nước văn minh thì sử dụng nhiều loại thuế để bổ trợ cho nhau. "Tôi nghĩ trong tương lai, những điều gì tốt thì chúng ta học tập, cái gì chưa phù hợp thì chúng ta chưa học tập"…
Trả lời câu hỏi, mức đánh thuế nhà ở từ 700 triệu đồng trở lên đang hướng đến đối tượng là những người có thu nhập trung bình, thấp trong xã hội liệu có công bằng?
Ông Phụng phân tích, mức 700 triệu chỉ là mức khởi điểm để tính. Theo đó, với nhà 100 m2, suất đầu tư là 7,3 triệu thì bình quân là 730 triệu, cho nên 700 triệu chỉ là mức đưa ra để xem xét thôi chứ chưa quyết định ngay.
"Nhà khác với ôtô là nhà xác định ở lâu dài, nhưng ôtô hao mòn nhanh. Nếu tính công bằng thì phải dựa trên nhiều khía cạnh, trong đó có cả yếu tố sử dụng, còn chỉ tính theo một tiêu chí giá trị thôi thì lệch rồi.
Nhà có thể không tạo ra giá trị nhưng xe thì có thể tạo ra giá trị khác, vì thế không thể cào bằng cùng một tài sản được, áp dụng cùng một mức được. Tất nhiên là 700 triệu đồng cũng là mức chúng ta phải xem xét", ông Nguyễn Văn Phụng nhận định.
Vneconomy