Đại diện VCSC: Kỳ vọng hàng trăm triệu USD từ Thái Lan đổ vào chứng khoán Việt Nam trong năm 2022
Các nhà quản lý quỹ tại Vietnam Access Days (VAD) đã đưa ra quan điểm dòng vốn ngoại sẽ sớm trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ những ưu thế về vĩ mô cũng như định giá hấp dẫn.
Vietnam Access Days (VAD) được biết đến là hội thảo đầu tư thường niên của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và là một trong những sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư trong ngành nổi bật nhất ở Việt Nam.
Năm 2022 là lần thứ 9 VAD được tổ chức, thu hút 460 nhà đầu tư đại diện tham dự từ các quỹ đầu tư, 38 doanh nghiệp cùng 17 chuyên gia/diễn giả tham gia trao đổi kiến thức, thông tin. Đây cũng là lần đầu tiên trong VAD có phiên thảo luận bao gồm các nhà quản lý quỹ, đại diện cho Dragon Captial, VinaCapital, Pyn Elite Fund. Buổi trao đổi đã diễn ra cởi mở và các nhà quản lý đã chia sẻ nhiều quan điểm của họ về thị trường.
Tại buổi hội thảo, ông Ismael Pili - Giám đốc phân tích VinaCapital cho rằng khu vực ĐNA tốt nhất trong khu vực Châu Á, dẫn đầu là Singapore, Indonesia, Malaysia, và Việt Nam, trong khi định giá lại hấp dẫn hơn. Nền tảng vĩ mô Việt Nam vững vàng, ổn định không chỉ giúp Việt Nam đứng vững trước những khủng hoảng bên ngoài như xung đột Nga – Ukraine mà còn giúp tăng định giá với nhiều ngành, như trường hợp ngân hàng. Với nền kinh tế tăng trưởng mạnh, các ngân hàng được kỳ vọng sẽ ghi nhận lợi nhuận tốt hơn, trong khi dự phòng cũng thấp hơn.
Ông Ismael Pili cho biết trong năm 2021, nhà đầu tư trên thế giới có xu hướng đổ mạnh vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại xu hướng này đang dịch chuyển dần ra khỏi MỸ và đến các thị trường EU, Châu Á với định giá hấp dẫn hơn. Tại khu vực Châu Á, đặc biệt Đông Nam Á là khu vực tăng trưởng tốt và ít chịu ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine. Trong đó, Việt Nam Nam là trường hợp nổi bật trong khu vực và sẽ sớm thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại trong thời gian tới.
Đại diện VinaCapital cho rằng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) sẽ diễn ra mạnh mẽ. Mới đây, VinaCapital đã tư vấn cho Jih Sun Vietnam Opportunity Fund đầu tư vào Việt Nam với quy mô khoảng 200 triệu USD và sắp tới có thể tăng thêm 150 triệu USD nữa.
Về xu hướng dòng vốn ngoại, ông Tuấn Nhan – Trưởng khối môi giới và giao dịch chứng khoán khách hàng tổ chức VCSC cho rằng dòng vốn từ Thái Lan sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Thị trường Chứng khoán Việt Nam vì họ mới có sản phẩm mới là Chứng chỉ lưu ký (DR – Deposit Receipt) để đầu tư trực tiếp vào Diamond ETF ở Việt Nam.
Ông Tuấn Nhan kỳ vọng đến cuối năm 2022, tổng tài sản của sản phẩm DR này sẽ có thể đạt 200 - 300 triệu USD, góp phần hỗ trợ xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022.
Trong khi đó, ông Petri Deryng – Nhà sáng lập kiêm quản lý Pyn Elite Fund cho biết quỹ hiện không quá chủ động thu hút thêm vốn từ thị trường EU. Tuy vậy, với những quan sát từ Thái Lan, có thể thấy nhà đầu tư Thái Lan đang rất quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam bởi nhiều doanh nghiệp Thái cũng đang đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, một số nhà đầu tư Thái Lan đã tìm đến các cổ phiếu công nghệ Mỹ nhưng cũng gặp không ít khó khăn trước những biến động dữ dội của thị trường. Do đó, nhà đầu tư Thái Lan đang có xu hướng đầu tư vào thị trường Việt Nam với kỳ vọng an toàn, ổn định hơn.
Đánh giá về việc khối ngoại liên tiếp bán ròng thời gian qua, ông Lê Anh Tuấn – Phó TGĐ Dragon Capital dự báo áp lực rút vốn đang ở cuối chu kỳ. Trước đó, dòng vốn ngoại đã đổ mạnh vào Việt Nam từ năm 2015 đến 2018, từ năm 2019 thì giảm dần. Thông thường, khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài sẽ kéo dài từ 3 – 5 năm, do đó năm 2022 có thể sẽ kết thúc chu kỳ rút vốn này.
Về vĩ mô, ông Lê Anh Tuấn dự báo chính sách tiền tệ Việt Nam năm 2022 sẽ không theo định hướng thắt chặt và cũng không nới lỏng, nên điều này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán. Đại diện Dragon Capital dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2022 ở mức 22%, điều này sẽ dẫn dắt sự tăng trưởng của thị trường.
Trước câu hỏi về sự ảnh hưởng của nhà đầu tư "F0" tới hoạt động các quỹ, ông Lê Anh Tuấn cho biết Dragon Capital hiện đang quản lý tổng tài sản với giá trị là 6,5 tỷ USD cùng 14 quỹ độc lập, được quản lý bởi các nhà quản lý quỹ khác nhau. Mỗi nhà quản lý quỹ đều có quan điểm nhận định thị trường riêng nên gần như hoạt động của các nhà đầu tư "F0" cũng không ảnh hưởng tới chiến lược đầu tư của Dragon Capital.
Chung quan điểm, ông Petri Deryng cho rằng các nhà đầu tư "F0" sẽ không làm ảnh hưởng đến chiến lược hay quyết định cho các khoản đầu tư của các quỹ. Lấy ví dụ về cổ phiếu CEO, đại diện Pyn Elite Fund cho biết quỹ đã nắm giữ trong nhiều năm và gần đây đã mang lại khoản lợi nhuận ấn tượng mà không chịu ảnh hưởng từ các nhà đầu tư cá nhân.
"Tôi tin rằng mỗi người đều có những lĩnh vực để phát triển và thành công vào chính con đường họ lựa chọn. Nếu chỉ chờ đợi để đoán xem các nhà đầu tư này đang làm gì và hành động theo thì đó không phải là chiến thuật của chúng tôi", ông Petri Deryng nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại diện VinaCapital, ông Ismael Pili cho biết quỹ tập trung vào những yếu tố cốt lõi trong chiến lược đầu tư của mình từ phân tích mô hình kinh doanh, yếu tố cơ bản của Doanh nghiệp và tiềm năng tăng trưởng, điều này quan trọng hơn là chú ý nhiều đến dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ vào các cổ phiếu nào.