MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia Alibaba chỉ ra điểm yếu của doanh nhân Việt Nam

Có những công ty Việt Nam lớn nhưng hình ảnh, thiết kế trưng bày sản phẩm trên website không chuyên nghiệp, không để lại ấn tượng tốt cho khách hàng từ cái nhìn đầu tiên.

Ngày 22-5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo "Thương mại điện tử và Cơ hội xuất khẩu toàn cầu thông qua kênh Alibaba.com".

Ông Phan Quang Nhựt, đại diện Nhà cổ Ba Đức cho biết, hiện tại đã bán sản phẩm bánh phồng tôm Nhà Cổ ở Lazada, Shoppee, vove…doanh thu rất tốt. Nhận thấy thương mại điện tử (TMĐT) nó đang phát triển mạnh, nếu sản phẩm của mình được bán trên alibaba thì sẽ bán được trên toàn thế giới nên tham gia hội thảo này.

Ông Joey Zhu, Giám đốc Alibaba.com tại Việt Nam, cho biết trước đây Alibaba tập trung vào thị trường Trung Quốc nhưng bây giờ mở rộng đầu tư phát triển ra toàn thế giới. Alibaba nhận thấy Việt Nam là thị trường lớn, là quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh, có chính sách hỗ trợ để tăng trưởng xuất khẩu, có chi phí nhân công giá rẻ. Về tổng quan, cơ hội cho DN Việt phát triển kinh doanh xuất khẩu không biên giới rất lớn.

Đại diện Alibaba cho biết, Việt Nam hiện là thị trường mục tiêu của Alibaba. com nên đặt ra mục tiêu cuối năm nay xây dựng các cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho người bán thực hiện dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, DN không nên ngồi đợi đến khi nền tảng đã xây dựng hoàn thiện, có tất các công cụ thanh toán rồi mới tham gia. Vì những DN tham gia trước có hồ sơ công ty tốt hơn DN tham gia sau. Họ có lượng truy cập tốt hơn, có dữ liệu về hành vi người dùng tốt hơn. Khi khách hàng tìm kiếm sẽ cho thứ tự kết quả tìm kiếm những công ty đó cao hơn và dựa vào đó họ mới bán hàng được.

Liên quan đến tranh chấp khi xảy ra rủi ro, phía Alibaba cho biết, vì mỗi ngành hàng, ở mỗi quốc gia có quy định khác nhau nên không thể chia sẻ chi tiết. Nhưng lời khuyên là DN phải xác định khách hàng mục tiêu này họ ở vùng, quốc gia nào để định vị được khung pháp luật ở đó.

Thứ hai là có thể làm việc với công ty kiểm định độc lập thứ ba để được tư vấn cung cấp thông tin chính xác. Thứ ba đối với DN lần đầu tiên xuất khẩu chưa có nhiều kinh nghiệm thì liên hệ với Alibaba cùng nhau đọc qua hợp đồng, phân tích có những rủi ro nào, cần chuẩn bị gì để bảo vệ DN trước.

Bà Zoe Zuo, Giám đốc điều hành công ty Innovative Hub đối tác chính thức của Alibaba tại Việt Nam cho biết, Việt Nam cũng tương tự như Trung Quốc, Singapore có nhiều công ty vừa và nhỏ. Đặc biệt khi so sánh với thị trường Singapore đây là quốc gia nhỏ, tất cả chi phí đắt đỏ.

Khi sản xuất ra sản phẩm thì chi phí cao hơn Việt Nam, nên Việt Nam có lợi thế về chi phí sản xuất. Với sự hỗ trợ của Innovative Hub thì các DN vừa và nhỏ Việt Nam có cơ hội bán hàng ra toàn cầu.

Đại gia Alibaba chỉ ra điểm yếu của doanh nhân Việt Nam - Ảnh 1.

Bánh phồng tôm Nhà Cổ muốn được bán trên alibaba

Cũng theo bà Zoe Zuo, điểm yếu quan trọng nhất mà DN Việt cần cải thiện để xuất khẩu qua Alibaba là xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh công ty, hình ảnh sản phẩm. Ví dụ có những công ty Việt Nam lớn nhưng hình ảnh, thiết kế trưng bày sản phẩm trên website không chuyên nghiệp, không để lại ấn tượng tốt cho khách hàng từ cái nhìn đầu tiên.

Hiện tại thị trường Việt Nam có hơn 1.000 người bán khác nhau tham gia trên Alibaba.com với các ngành sản xuất thực phẩm; gỗ. Trong năm nay Innovative Hub tập trung hỗ trợ cho DN kể cả mảng thực phẩm, nông sản, may mặc và nội thất.

Theo bà Selina, Quản lý Alibaba.com thị trường Việt Nam 10 ngành hàng xuất khẩu hàng đầu hiện nay gồm thực phẩm, may mặc, da giày…đây là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Hiện tại các supplier Việt Nam đang xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông.

“Những sản phẩm như máy móc, may mặc, nội thất, da giày của Việt Nam là những sản phẩm phổ biến trên Alibaba.com. Sau khi phân tích dữ liệu từ thị trường Việt Nam cũng như thế giới, chúng tôi sẽ hỗ trợ DN vừa và nhỏ xuất khẩu ra sản phẩm trên toàn thế giới. Mục tiêu chúng tôi giúp người mua toàn cầu tìm được người bán toàn cầu” Bà Selina nói.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017, Việt Nam đứng top ba thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sau Thái Lan và Malaysia. Dự báo doanh thu TMĐT vào năm 2020 sẽ đạt đến 15 tỉ USD. Qua đó, có thể thấy phát triển TMĐT là tất yếu trong bối cảnh thời đại 4.0 hiện nay.


Theo Tú Uyên

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên