MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia cho vay ngang hàng Trung Quốc đóng 60 chi nhánh, sa thải 2.000 nhân viên

04-03-2019 - 16:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Động thái này diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực cho vay ngang hàng của Trung Quốc lâm vào khủng hoảng trước những biện pháp siết chặt quản lý của chính phủ nước này...

Dianrong, một trong những công ty cho vay ngang hàng (P2P) lớn nhất Trung Quốc, chuẩn bị đóng cửa 60 trên tổng số 90 chi nhánh và sa thải khoảng 2.000 nhân viên, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Động thái của Dianrong, có trụ sở tại Thượng Hải, diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý đối với các hoạt động rủi ro và đòn bẩy quá mức trong hệ thống tài chính nước này khi hàng loạt công ty cho vay ngang hàng sụp đổ khiến nhiều nhà đầu tư mất sạch tiền.

Dianrong được đồng sáng lập bởi Soul Htite, người cũng đứng sau công ty cho vay trực tuyến Mỹ LendingClub Corp. Công ty này nhận được đầu tư của quỹ đầu tư Singapore GIC Pte Ltd và Standard Chartered Private Equity. Các nhà đầu tư khác của công ty này gồm CMIG Leasing - thuộc tập đoàn đầu tư tư nhân lớn nhất của Trung Quốc China Minsheng Investment Group (CMIG), Tiger Global Management, Orix Corp của Nhật và CLSA - thuộc công ty chứng khoán Trung Quốc CITIC Securities.

Các nền tảng P2P huy động vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ với cam kết lợi nhuận cao, rồi cho các công ty nhỏ và cá nhân vay lại. Vào giai đoạn cao điểm năm 2015, tại Trung Quốc có khoảng 3.500 công ty cho vay ngang hàng. Năm ngoái, lĩnh vực cho vay ngang hàng của Trung Quốc có tổng dư nợ 1,49 nghìn Nhân dân tệ (217,96 tỷ USD), lớn hơn nhiều so với ngành này của các nước khác cộng lại.

Vài năm trước, cơ chế giám sát còn lỏng lẻo đã khiến hoạt động cho vay ngang hàng phát triển bùng nổ tại Trung Quốc. Hiện nay, lĩnh vực này được đưa vào diện giám sát đặc biệt của chính phủ Trung Quốc nhằm siết chặt kiểm soát với các rủi ro tài chính.

Mới đây, Bloomberg dẫn một tuyên bố của Bộ công an Trung Quốc về chiến dịch có tên "Săn cáo" trải rộng 16 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Thái Lan và Campuchia. Từ tháng 6 đến nay, chiến dịch này đã bắt giữ 62 nghi phạm liên quan đến các vụ gian lận trong hoạt động cho vay ngang hàng.

Cảnh sát nước này cho biết vào thời kỳ phát triển mạnh, nhiều công ty cho vay ngang hàng ở Trung Quốc thu hút nhà đầu tư bằng cách hứa hẹn lãi suất cao dưới vỏ bọc "sáng kiến tài chính", trong khi một số khác bịa ra các dự án đầu tư và chiếm dụng tiền của nhà đầu tư.

Theo ước tính của công ty Yingcan Group, số lượng công ty cho vay ngang hàng ở Trung Quốc đã giảm khoảng 70% trong năm nay, còn khoảng 300 công ty và dự báo sẽ chỉ còn 50 công ty có thể tiếp tục tồn tại.

Theo Minh Nhật

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên