"Đại gia" Mỹ muốn tăng tốc đưa Việt Nam trở thành mắt xích mới nổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trao đổi với truyền thông, ông Eric Broussard, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, Khối Đối tác bán hàng quốc tế nhấn mạnh, Việt Nam đang dần khẳng định là trung tâm sản xuất mới nổi tại châu Á và trên toàn cầu. Với tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng, và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, Việt Nam đang cho thấy rất nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu TMĐT B2C.
Xu hướng bán hàng xuyên biên giới đang phát triển ra sao và tác động như thế nào đến các quốc gia tham gia chuỗi bán hàng xuyên biên giới?
Có hai xu hướng chính.
Thứ nhất là sự chuyển dịch không ngừng từ offline sang online. Xu hướng này không mới, nhưng đang ngày càng tăng tốc. Sự tiện lợi, đa dạng chọn lựa và giá cả hợp lý là những ưu thế của mua hàng online - trên Amazon, bạn có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm không hiện diện tại các cửa hàng trực tiếp.
Sự chuyển dịch còn phụ thuộc vào mỗi quốc gia và cơ sở hạ tầng tại quốc gia đó. Chúng tôi đã dành rất nhiều năm để xây dựng cơ sở hạ tầng mà người bán hàng toàn cầu, bao gồm Việt Nam, có thể tiếp cận và sử dụng. Điều này góp phần đẩy nhanh sự phát triển của bán hàng toàn cầu, thậm chí còn nhanh hơn sự chuyển dịch từ offline sang online.
Mặt khác, tỷ trọng TMĐT bán lẻ so với tổng dung lượng bán lẻ toàn cầu còn khá bé, cho thấy còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp khai thác, mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận nguồn khách hàng mới trên toàn cầu.
Thứ hai là sự toàn cầu hóa của doanh nghiệp. Internet và công nghệ cho phép các doanh nhân, chủ sở hữu thương hiệu ở mọi quy mô có thể tiếp cận trực tiếp khách hàng. Theo cách truyền thống, nếu bạn có ý tưởng hay sản phẩm tốt ở Việt Nam và muốn xuất đi thế giới, bạn phải trao quyền kiểm soát sản phẩm, giá cả và chiến lược sản phẩm cho bên trung gian. Giờ đây, một doanh nghiệp dù quy mô lớn, vừa, nhỏ hay siêu nhỏ, đều có thể xây dựng thương hiệu toàn cầu, đó là sự chuyển đổi.
Lần đầu tiên, doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam với một sản phẩm, ý tưởng tuyệt vời có thể xuất khẩu sản phẩm và thương hiệu ra quốc tế dựa trên nguồn lực cơ sở hạ tầng mà chúng tôi đã xây dựng trên toàn cầu, mà không cần thông qua bên thứ ba. Do đó, tác động mà bán hàng xuyên biên giới đang tạo ra ở đây là thực sự tạo điều kiện và thúc đẩy xuất khẩu.
Ông đánh giá thế nào về TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam? Lợi thế của các nhà bán hàng Việt Nam là gì?
Xuất khẩu hàng hóa dịch vụ chiếm hơn 90% GDP Việt Nam trong năm 2022. Đây là một điều đáng kinh ngạc. Trên bình diện quốc tế, cơ hội là vô cùng lớn trước sự chuyển dịch từ xuất khẩu B2B sang B2C, các chủ thương hiệu có thể kiểm soát toàn bộ về chiến lược lựa chọn danh mục sản phẩm, chiến lược giá...
Tôi đánh giá cao thế mạnh của Việt Nam với bề dày nhiều năm kinh nghiệm trong việc xuất khẩu toàn cầu, và cung cấp sản phẩm. Một điểm nữa là chúng ta có lợi thế về tinh thần khởi nghiệp. Các bạn trẻ khởi nghiệp rất hào hứng để nhập cuộc sân chơi mới.
Mặt khác, Việt Nam đang dần khẳng định là trung tâm sản xuất mới nổi tại châu Á và trên toàn cầu. Với tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng, và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, Việt Nam đang cho thấy rất nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu TMĐT B2C.
Tôi đã có dịp đến thăm nhà máy của SUNHOUSE, nhà sản xuất đã làm rất tốt việc xây dựng thương hiệu trong nước với đa dạng chuỗi sản phẩm, và tận dụng thế mạnh này để chuyển mình ra quốc tế, phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu, phục vụ khách mua toàn cầu.
Chúng tôi cũng ghi nhận rất nhiều nhà bán hàng đã thực sự dám đổi mới, xây dựng sản phẩm mới và nắm bắt cơ hội xuất khẩu. SUNHOUSE hay các nhà bán hàng này là những ví dụ cho thấy sự phát triển, phong trào xuất khẩu online tại Việt Nam và thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam nhìn từ câu chuyện sản xuất - xuất khẩu.
Vì sao Amazon muốn tăng tốc đưa Việt Nam trở thành mắt xích mới nổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Thứ nhất, chúng luôn tập trung vào khách hàng, mang đến nhiều lựa chọn sản phẩm cho khách hàng. Việc tăng cường sự hiện diện của các sản phẩm, thương hiệu Việt cũng góp phần mang đến sự lựa chọn đa dạng hơn cho hàng trăm triệu khách hàng của Amazon trên toàn cầu.
Thứ hai là năng lượng của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, và tôi vô cùng ấn tượng trước sự hào hứng và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng cho thấy sự sẵn sàng, tinh thần hào hứng nhập cuộc vào cuộc chơi mới, cuộc chơi lớn hội nhập vào kinh tế toàn cầu.
Đây là thời cơ tốt cho Việt Nam, và cho cả Amazon. Amazon đã có sẵn cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới, và cũng có sẵn hàng trăm triệu khách hàng. Ngược lại, Việt Nam có năng lực sản xuất, sáng tạo sản phẩm tuyệt vời đáp ứng nhu cầu của những thị trường phát triển, từ đó có thể mở rộng danh mục lựa chọn cho các khách hàng của Amazon. Các sản phẩm như ống hút thân thiện môi trường, túi nhựa tái chế đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và trên toàn cầu.
Đó là lý do chúng tôi có mặt Việt Nam, xây dựng đội ngũ nhân sự tại đây để tạo ra sự hợp tác win-win, cùng đồng hành, đào tạo các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, các chuỗi thương hiệu. Chúng tôi cũng liên tục giới thiệu những chương trình mới, công cụ mới để trang bị, làm mạnh mẽ hơn năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây, cùng với những nguồn lực khác, chắc chắn sẽ là bệ phóng cho doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia sân chơi này.
Lời khuyên của ông cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại là gì?
Lời khuyên của Amazon cho các doanh nghiệp hiện nay là phải đa dạng hóa, không chỉ sản phẩm mà còn là thị trường. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, chúng ta cần sự đa dạng, linh hoạt, uyển chuyển hơn trong việc chọn lựa thị trường và sản phẩm để vượt qua thách thức. Khi thị trường này chưa hiệu quả thì có thể linh động sang thị trường khác.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất chú trọng và ưu tiên cho thị trường tại Hoa Kỳ, tuy nhiên, họ cũng cần nên mở rộng sang EU, Nhật Bản, và nhiều thị trường khác, dù quy mô tiêu thụ có thể thấp hơn.
Chúng tôi làm việc và cung cấp các nguồn lực tại các thị trường khác nhau để giúp các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa. Chúng tôi xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia để giúp các nhà bán hàng dù ở đâu, kinh doanh trong lĩnh vực nào, cũng có thể tiếp cận, không gặp các rào cản và có một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bền vững trước thách thức.
Nhịp sống thị trường