MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia Thái đầu tư tỉ đô vào Việt Nam: Người tiêu dùng lợi nhất, tại sao phải tẩy chay?

Dù có gây ra những khó khăn nhất định, nhưng nếu nhìn rộng hơn, sự góp mặt của hàng Thái về lâu về dài, không chỉ có lợi cho người tiêu dùng Việt, mà bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tốt lên.

655 triệu euro cho một phi vụ mua bán sáp nhập là con số lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, và nó cho thấy tham vọng của người Thái với thị trường 90 triệu dân trên mảnh đất hình chữ S lớn đến nhường nào.

Được đà tiến lên, thị trường bán lẻ về sau liên tiếp chứng kiến thêm nhiều thương vụ doanh nghiệp Thái Lan mua cổ phần doanh nghiệp Việt, mà điển hình trong đó là Central Group đầu tư và Nguyễn Kim và mới đây nhất, là thâu tóm lại Big C Việt Nam.

Một lần nữa, người Thái lại phá kỷ lục về giá trị một thương vụ M&A trên đất Việt: 1 tỉ USD để mua lại Big C Việt Nam.

Đáng chú ý, những thương vụ của người Thái tập trung khá nhiều trong ngành bán lẻ với B’mart, Metro Cash&Carry, Nguyễn Kim hay Big C Việt Nam. Kể từ đó, thị trường Việt Nam bắt đầu nhận định nguy cơ người Thái chiếm lấy mảng kinh doanh bán lẻ.

Thật ra thì không cần phải chờ đến khi tỉ phú Thái đầu tư cả tỉ đô la vào Việt Nam, hàng Thái mới là mối lo ngại với các doanh nghiệp Việt. Nếu hàng Trung Quốc, hàng Nhật Bản từ lâu đã định vị những miếng bánh tại thị trường Việt Nam với hai phân khúc giá rẻ và cao cấp, thì hàng Thái cũng được biết tới với tiêu chuẩn giá tầm trung, không cao nhưng có chất lượng bền, mẫu mã đẹp hơn so với hàng Trung Quốc.

‘Đau đầu’ ở chỗ, phân khúc mà hàng Thái định hình trong lòng người tiêu dùng Việt, cũng chính là phân khúc mà các DN Việt Nam hướng tới: phân khúc tầm trung - bền hơn Trung Quốc, rẻ hơn hàng Nhật.

Các sản phẩm từ Thái Lan luôn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng

Ấy vậy nên các DN trong nước mới lo lắng nhiều. Hàng loạt các hiệp hội, tổ chức ngành nghề lên tiếng ái ngại cho tương lai của hàng Việt. Với danh tiếng sẵn có cộng với việc thâu tóm được những kênh phân phối – bán lẻ hiện đại mạnh nhất, viễn cảnh hàng Thái đánh gục hàng Việt ngay trên sân nhà là có cơ sở.

Tuy nhiên, dù có gây ra những khó khăn nhất định, nhưng nếu nhìn rộng hơn, sự góp mặt của hàng Thái về lâu về dài, không chỉ có lợi cho người tiêu dùng Việt, mà bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tốt lên.

Hãy bắt đầu từ góc độ người tiêu dùng. Chúng ta là những người “hưởng lợi” dễ thấy nhất trước cơn bão hàng Thái. Từ chiếc bàn chải răng, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình tới các vật dụng trang trí, từ hàng thực phẩm khô tới đồ tươi sống,… hàng Thái luôn có chất lượng tốt.

Giá hàng hóa Thái trung bình chỉ nhỉnh hơn hàng Việt từ 5-10%, trong khi thấp hơn 20-40% so với hàng của Nhật. Với một chiến lược chiếm thị phần bài bản. Giờ đây, dù đi đến đâu, người tiêu dùng vẫn dễ dàng mua được sản phẩm từ Thái Lan, mà không cần qua những cửa hàng tiện ích nhỏ hay kênh phân phối xách tay thiếu an toàn.

Trong mắt một người tiêu dùng bình thường, hàng Thái đáp ứng đủ 3 tiêu chí: giá tốt, chất lượng đảm bảo và dễ tìm mua. Không có lý do gì để chúng ta nói không với hàng Thái.

Tuy nhiên đó không phải là cái đích cuối cùng. Một cái lợi khác mà người tiêu dùng Việt sẽ nhận được, chắc chắn sẽ khiến cho bất kỳ người Việt yêu nước nào cũng hài lòng. Đó là chúng ta sẽ sớm được dùng hàng Việt ngày một tốt hơn.

Vì sao lại như vậy? Đó đơn giản là sự tuân theo quy luật cạnh tranh thị trường. Những DN Việt, trước sức ép của hàng Thái, chỉ có một con đường lựa chọn duy nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất để giảm giá thành.

Trong một nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang bước tới, đó là những quy luật cơ bản mà bất kỳ người chơi nào cũng phải tuân theo. Và tất nhiên, trong câu chuyện đổi mới đó, quá trình thanh lọc và đào thải cũng là yếu tố bắt buộci

Thế nhưng, liệu DN Việt Nam có “chết hết” trước khi đủ lực cạnh tranh nổi với hàng Thái? Có lẽ chúng ta đã quá bi quan trước khả năng của DN Việt. Từ lâu, chúng ta vẫn có những thương hiệu mạnh đủ sức cạnh tranh với thương hiệu ngoại.

Chia sẻ với tờ Doanh nhân Sài Gòn, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, một doanh nghiệp ở ngành thực phẩm đông lạnh, từng chia sẻ, Sài Gòn Food có một sản phẩm chủ lực đã cạnh tranh ngang ngửa với hàng nhập khẩu Thái Lan cùng chủng loại, đó là lẩu Thái, gồm cả nước dùng lẫn các loại thực phẩm. Đây là thành quả của một quá trình từ khâu nghiên cứu, sản xuất đến tiếp thị, quảng bá.

Nói như vậy để thấy rằng, doanh nghiệp Việt chịu đầu tư đổi mới, chịu thay đổi cách làm vẫn sẽ đủ sức để cạnh tranh với hàng Thái.

Một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại việc các DN Thái thống trị các kênh phân phối – bán lẻ hiện đại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu ra của DN sản xuất Việt. Đây cũng có thể là lo lắng hơi … thừa, bởi người Thái, với nền kinh tế lớn gấp đôi Việt Nam, cũng hiểu rõ luật chơi hơn.

Không chỉ riêng Thái, những người chơi khác cũng đều hiểu rõ điều này. Nếu để ý, ta sẽ thấy các sản phẩm của Thái Lan không chỉ được bán trong siêu thị mà người Thái làm chủ. Trên kệ hàng của Big C (khi vẫn còn nằm trong tay người Pháp), hay Aeon (ông lớn người Nhật), hay Lotte Mart (của người Hàn Quốc), hàng Thái Lan đều có mặt.

Kể cả cựu tổng giám đốc của Marximark Nguyễn Thị Ánh Hồng cũng từng thừa nhận, doanh nghiệp của bà sẵn sàng chấp nhận tất cả các sản phẩm vào bày bán miễn là đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, không phân biệt quy mô.

Các doanh nghiệp kinh doanh đều vì lợi nhuận, do đó hàng hóa nào mang lại lợi nhuận tối đa cho các ông chủ đó sẽ xuất hiện dày hơn trên các kệ siêu thị, mà không cần phân biệt nguồn gốc. Đó là điều đã xuất hiện trước khi những tỷ phú người Thái thôn tính cả chuỗi siêu thị bán buôn, lẫn bán lẻ.

Trái lại, những thương vụ thâu tóm tỉ đô của ông chủ người Thái, đáng nhẽ ra nên được người tiêu dùng Việt chào đón một cách tích cực hơn.

Nó vừa có lợi ngay lập tức và lâu dài cho chúng ta, vừa gióng lên 1 tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ doanh nghiệp Việt trong cuộc chơi mang tên: Đổi mới hay là chết.

Theo Hạ Minh

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên