Đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã” nhận 18 năm tù
Đại gia thủy sản Tòng Thiên Mã bị tòa tuyên phạt 18 năm tù vì đã lừa đảo chiếm đoạt 147 tỉ đồng của ngân hàng.
Sau nhiều ngày xét xử, ngày 18-9, TAND TP Cần Thơ đã tuyên án vụ đại gia Phan Bá Tòng ( Tòng Thiên mã , nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã) lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 120 tỉ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Cần Thơ.
Bị truy tố cùng tội danh này còn có Trần Thị Diễm (48 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty Thiên Mã). Bị cáo Nguyễn Thị Mai (61 tuổi nguyên trưởng phòng tín dụng xuất khẩu - Ngân hàng VDB Cần Thơ) và Lâm Chí Công (42 tuổi, nguyên phó phòng tín dụng xuất khẩu - VDB Cần Thơ) và Huỳnh Thanh Trúc (38 tuổi, nguyên cán bộ tín dụng - VDB Cần Thơ) bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Tòng trước giờ tuyên án
Qua xem xét hồ sơ, lời khai của các bị cáo, người liên quan, HĐXX nhận định, trong quá trình vay vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB Cần Thơ, Tòng đã sử dụng tiền vay tại 13 khế ước nhận nợ của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức số 02-2009 để trả cho các khoản nợ tại các ngân hàng khác, sử dụng tiền vào mục đích cá nhân.
Sau đó, Tòng chỉ đạo kế toán trưởng là Diễm cùng một số nhân viên của Thiên Mã dùng các thủ đoạn gian dối như lập giả báo cáo kết quả kinh doanh năm 2009, 2010 từ lỗ trên thực tế thành có lãi.
Ngoài ra, còn lập khống các hợp đồng, chứng từ mua bán các nguyên liệu khống để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, tạo ra tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay để lập hồ sơ đề nghị vay vốn và đề nghị giải ngân tại VDB Cần Thơ…Qua đó, Tòng đã chiếm đoạt của của VDB cần Thơ hơn 147 tỉ đồng đến nay không thanh toán.
Tòa tuyên án
Trong vụ án này, Tòng là người khởi xướng chủ mưu, phạm tội nhiều lần, trực tiếp hưởng lợi chiếm đoạt số tiền 147 tỉ đồng, nên phải chịu trách nhiệm chính. Tại tòa bị cáo vẫn chưa nhận thức được hành vi sai trái của mình, khắc phục hậu quả chỉ ở mức nhỏ nên cần có mức án nghiêm khắc.
Diễm với vai trò là kế toán công ty, có đầy đủ nhận thức hành vi nghiệp vụ, biết rõ Tòng sai phạm những vẫn giúp giúp sức Tòng. Diễm đã ký các báo cáo kinh doanh khống để hoàn tất hồ sơ vay vốn, biết rõ Tòng sử dụng vốn say mục đích những vẫn giúp sức.
Vì thế việc truy tố bị cáo tội lừa đảo với vai trò giúp sức là không oan. Tuy nhiên cần xem xét bị cáo giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo vì xét bị cáo là người làm công ăn lương, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, không có hưởng lợi.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án
Đối với các bị cáo Mai, Công, Trúc là những người có nhiệm vụ quyền hạn trong việc thẩm định, xét duyệt, đề xuất cho công ty Thiên Mã vay. Tuy nhiên các bị cáo đã không kiểm tra các điều kiện tín dụng được phê duyệt, không kiểm soát nguồn tiền về của khách hàng….
Khi phát hiện Thiên Mã sử dụng vốn sai mục đích ở một số khoản vay nhưng các bị cáo vẫn tiếp tục ký tờ trình đề nghị giám đốc duyệt giải ngân dẫn đến để Tòng và Diễm chiếm đoạt trên 147 tỉ đồng. Hành vi của các bị cáo đã phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng xét các bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội (riêng bị cáo Công chưa nhận thức được sai phạm), làm theo chỉ đạo của giám đốc chi nhánh Lương Quang Minh nên cũng xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo ở phần này.
Từ những phân tích trên HĐXX đã quyết định tuyên phạt Phan Bá Tòng 18 năm tù; Trần Thị Diễm 7 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuyên phạt Nguyễn Thị Mai 8 năm tù, Lâm Chí Công 10 năm tù và Huỳnh Thanh Trúc 6 năm tù cùng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Về trách nhiệm dân sự, do có đồng phạm trong vụ án nên tòa buộc Tòng, Diễm và Công ty Thiên Mã có trách nhiệm liên đới trả cho VDB Cần Thơ số tiền mà Tòng đã chiếm đoạt.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh