MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại hội cổ đông Nhựa An Phát: Cổ phiếu AAA giảm mạnh do yếu tố tâm lý

18-02-2017 - 09:59 AM | Doanh nghiệp

Năm 2016, An Phát đã dự kiến bán 25% cổ phần cho một công ty Thái Lan nhưng 2 bên đã không thống nhất được một số điều khoản

Sáng 18/2/2017 đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2017 của CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát- An Phát Plastic (AAA).

Tại đại hội, ông Phạm Ánh Dương, chủ tịch HĐQT An Phát đã trình bày kết quả hoạt động kinh doanh đạt được trong năm 2016. Theo ông Dương, năm 2016 là năm đánh dấu những cột mốc quan trọng của An Phát khi xây dựng nhà máy số 6, số 7 và đẩy mạnh phát triển thị trường Nhật, Mỹ, Úc.

Trong tháng 1/2017, giai đoạn 1 của nhà máy số 6 chuyên xuất khẩu hàng sang Nhật Bản đã chính thức đi vào hoạt động, góp phần tăng thêm khoảng 600 – 700 tỷ đồng/năm doanh thu cho công ty. Giai đoạn 2 của nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 1/2017.

Sau khi đi vào hoạt động toàn nhà máy 6 sẽ góp phần đưa sản lượng của An Phát tăng gấp đôi hiện tại với sản lượng trung bình ước đạt 8.000 tấn sản phẩm/tháng vào năm 2019.

Bên cạnh đó, nhà máy số 7 chuyên sản xuất các sản phẩm đi Mỹ với công suất thiết kế 10.000 tấn/năm hiện đang chạy thử nghiệm và sẽ sớm đi vào vận hành vào đầu năm nay.

Cũng trong năm 2016, An Phát ghi nhận doanh thu 2.145 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 143 tỷ đồng. Con số lãi ròng 143 tỷ này gấp 3,6 lần so với thực hiện năm 2015, đồng thời vượt kế hoạch lên đến 43%.

Năm vừa qua, An Phát đã hoàn tất việc chuyển sàn niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HoSE và công ty cũng phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu thực hiện chứng quyền đợt 1 cho các nhà đầu tư.

Trong tháng 4 tới đây, An Phát dự kiến chi trả cổ tức đợt 2 năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.

Năm 2017 đặt kế hoạch tăng trưởng 40%, chuẩn bị cho việc nới room 100%

Năm 2017, An Phát sẽ chính thức đưa vào vận hành 2 dự án quan trọng là nhà máy số 6 và nhà máy số 7. Dựa trên kế hoạch và năng lực sản xuất, An Phát đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với các chỉ tiêu sản lượng hợp nhất 86.000 tấn; tổng doanh thu hợp nhất 2.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 20- 30% bằng tiền mặt. So với kết quả thực hiện trong năm trước thì kế hoạch lợi nhuận năm 2017 có sự tăng trưởng 40%.

Trong năm 2017, An Phát sẽ thực hiện xây dựng nhà máy số 8 chuyên sản phẩm bao bì màng phức và tự huỷ phục vụ thị trường trong nước.

Ngoài ra, để thuận lợi cho kế hoạch nới room khối ngoại lên 100%, An Phát cũng thông qua việc hủy bỏ đăng ký kinh doanh những ngành nghề có giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài như bất động sản, vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng ô tô và các hoạt động phụ trợ vận tải.

Cũng tại đại hội, An Phát đã thông qua phương án phát hành 1,7 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên (ESOP) với mức giá 10.000 đồng/cp và thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2017. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm.

Cổ phiếu AAA giảm mạnh do yếu tố tâm lý

Trong giai đoạn cuối năm 2016, đầu năm 2017, cổ phiếu AAA đã có đợt điều chỉnh khá mạnh, từ vùng trên 30.000 đồng rơi xuống khoảng 23.000 đồng. Theo ông Dương, việc cổ phiếu AAA giảm chủ yếu đến từ vấn đề tâm lý do nhà đầu tư lo ngại lượng cổ phiếu phát hành chuyển đổi sẽ bị chốt lời và hoàn toàn không liên quan gì tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Dương nhấn mạnh “Tôi tin rằng nếu quý cổ đông hiểu rõ tình hình AAA sẽ không bán cổ phiếu”.


Biến động cổ phiếu AAA trong 1 năm qua

Biến động cổ phiếu AAA trong 1 năm qua

Liên quan đến kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược, chủ tịch An Phát cho biết trong năm 2016, công ty TPBI (Thái Lan)– đối thủ lớn nhất của An Phát trong lĩnh vực bao bì đã có kế hoạch mua 25% cổ phần công ty với mức giá khá hấp dẫn. Tuy nhiên, do 2 bên không thể thống nhất được một số điều khoản và ban lãnh đạo công ty nhận thấy việc ký kết đối tác chiến lược với TPBI có thể ảnh hưởng tới cổ đông hiện hữu nên đã tạm hủy bỏ kế hoạch.

Giá dầu tăng và vay nợ bằng USD không ảnh hưởng tới An Phát

Trước lo ngại của cổ đông về việc giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới giá nguyên liệu đầu vào, lãnh đạo An Phát cho biết công ty hiện không mua bán hạt nhựa theo hợp đồng dài hạn mà chỉ mua đến đâu bán đến đấy. Do đó, nếu có điều chỉnh giá nguyên liệu, công ty cũng điều chỉnh giá bán theo nên sẽ không lo ngại về vấn đề giá dầu.

Ông Dương cho biết phương pháp này có nhược điểm khiến công ty không không tận dụng được cơ hội khi giá nhựa tăng nhưng sẽ không bị rủi ro khi giá nhựa giảm.

Giải thích về vấn đề công ty vay nợ bằng đồng USD khá nhiều (khoảng 31 triệu USD), ông Dương cho rằng do công ty đang được vay ưu đãi bằng đồng USD với lãi suất rất thấp, chỉ khoảng 1,5% nên đã tận dụng vay nợ bằng ngoại tệ này. Nếu trong trường hợp không vay được bằng USD nữa thì công ty sẽ vay VNĐ cũng với lãi ưu đãi.

Cũng theo ông Dương, việc vay nợ giá rẻ bằng ngoại tệ cũng là yếu tố quan trọng giúp công ty có thể chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ cao trong khi đang cần tiền để mở rộng nhà máy.

Sẽ chuyển sang Châu Âu nếu thị trường Mỹ bị ảnh hưởng bởi chính sách Trump

Trả lời câu hỏi về việc An Phát có lo ngại về hàng rào thuế quan vào thị trường Mỹ hay không khi ông D.Trump lên làm tổng thống? Chủ tịch An Phát cho rằng việc ông Trump làm tổng thống là điều ít người có thể ngờ tới và cũng không phải tin hay với An Phát. Tuy nhiên, nếu giả định An Phát bị áp thuế vào Mỹ thì điều nảy cũng không ảnh hưởng nhiều bởi sản phẩm của công ty sẽ chuyển hướng sang thị trường Châu Âu.

Về vấn đề dự thảo thuế môi trường đánh vào sản phẩm túi nilon trong nước, ông Dương cho rằng điều này có thể mở ra cơ hội với công ty bởi khi áp thuế, các sản phẩm nilon thông thường còn có mức giá cao hơn túi tự hủy. Do đó, các chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam có thể là thị trường mới cho công ty.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên