Đại sứ Phạm Quang Vinh: Hành động "anh hùng" sau vụ ám sát hụt phản ánh khí chất của ông Trump nhưng không phải tấm "vé ưu tiên" để trở lại Nhà Trắng
Vài chục giây ngắn ngủi đã cho người dân Mỹ nói riêng, người dân trên toàn thế giới nói chung một cái nhìn độc đáo về "bản lĩnh Donald Trump" - cựu tổng thống Mỹ đồng thời là đương kim ứng viên đảng Cộng hòa, một tỷ phú và một nhân vật truyền cảm hứng. Tuy nhiên, để có thể trở lại Nhà Trắng, ông Trump và đảng Cộng hòa còn rất nhiều thách thức cần vượt qua.
- 16-07-2024Ông Trump bất ngờ có thêm 1 tỷ USD sau vụ bị ám sát hụt
- 16-07-2024Ông Trump tái xuất sau vụ ám sát hụt với phần tai phải được băng bó
- 16-07-2024Vụ án xử lý sai tài liệu mật của ông Trump bị hủy truy tố
- 16-07-2024Vụ ám sát hụt ông Trump có thể thay đổi Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa như thế nào?
- Đã 2 ngày trôi qua kể từ vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump khiến cả nước Mỹ bàng hoàng. Xét một cách tổng thể, vụ việc để lại những tác động như thế nào?
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam: Với dư luận nước Mỹ, dù vụ ám sát chỉ xảy ra trong vài chục giây nhưng nó cũng đủ khiến cả nền kinh tế lớn nhất thế giới bàng hoàng và chấn động. Dư luận khó mà tưởng tượng được một nhân vật chính trị quan trọng, hiện đang là ứng cử viên tổng thống Mỹ, bị ám sát ngay giữa một sự kiện ban ngày được đảm bảo an ninh với dày đặc các mật vụ.
Với ông Trump, cách ông ứng xử trong thời khắc sinh tử thể hiện cái "chất" trong con người cựu Tổng thống Mỹ. Hình ảnh ông đứng trên bục, tay giơ nắm đấm lên cao sau khi bị đạn bắn sượt qua tai khiến dư luận liên tưởng đến những "người hùng", xây dựng và truyền cảm mạnh mẽ.
Dù chưa xác định chính thức nhưng đây có thể là một vụ bạo lực riêng lẻ, làm gợi nhớ đến nhiều câu chuyện bạo lực trong lòng nước Mỹ trước đó.
Thông thường, trước bất cứ vụ việc đau thương nào, ví dụ như vụ khủng bố ngày 11/9/2011, nước Mỹ đoàn kết trở lại và đề cao các giá trị như bao dung và chống bạo lực. Tuy vậy, vụ ám sát hụt ông Trump sẽ không gắn kết một nước Mỹ đang phân cực với mâu thuẫn chính trị sâu sắc giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Trong giai đoạn tranh cử nóng bỏng hiện nay, hai bên sẽ sử dụng câu chuyện này để phục vụ các mục đích chính trị riêng, từ đó làm gia tăng căng thẳng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
- Ông có đề cập tới hình ảnh mang tính chất "người hùng" của ông Trump. Liệu vụ ám sát và những hình ảnh biểu tượng như thế sẽ được tận dụng thế nào trong cuộc đua chiếc ghế quyền lực bậc nhất thế giới?
Tôi cho rằng đảng Cộng hòa sẽ tôn biểu tượng "người hùng" của ông Trump nhằm củng cố đoàn kết nội bộ và gây áp lực lên Đảng dân chủ. Do đó, mâu thuẫn chính trị càng thêm sâu sắc.
Trong khi đó, với tính cách của mình, ông Trump sẽ tận dụng câu chuyện này để đạt được các mục tiêu ngắn hạn, giúp ông thuyết phục thêm lá phiếu của các cử tri.
Trên phương diện trung lập, truyền thông và mạng xã hội chắc chắn sẽ khai thác triệt để hình ảnh trái ngược giữa cách thể hiện của ông Trump giữa giây phút sinh tử và màn thể hiện "vấp váp" gần đây của đương kim Tổng thống Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Rõ ràng điều này có thể gây tác động lớn tới cử tri và cuộc bầu cử.
- Thời gian ngắn sau vụ ám sát, truyền thông phương Tây tin rằng ông Trump có cơ hội lớn để trở thành Tổng thống Mỹ vì những gì đã thể hiện. Quan điểm của ông ra sao?
Tuy hình ảnh ông Trump có thể mang tính biểu tượng và truyền cảm mạnh mẽ nhưng nếu lạm dụng, sẽ không có tác động lâu dài. Suy cho cùng, điều mà cử tri quan tâm nhất là các vấn đề kinh tế, phúc lợi, tiền lương, giáo dục, y tế… Nếu cử tri cảm thấy chính sách không mang lại lợi ích cho họ, hình ảnh có được tô vẽ đẹp đến đâu cũng không thể tác động đến phiếu bầu của họ.
Do đó, hình ảnh "người hùng" của ông Trump dù có tác động mạnh mẽ đối với cử tri của Đảng Cộng hòa, nhưng để lấy lòng cử tri thuộc nhóm khác, đặc biệt là cử tri độc lập và trung dung, lợi ích từ chính sách mà ứng cử viên đưa ra vẫn là yếu tố cốt lõi.
Đối với Đảng Dân chủ, áp lực rõ ràng đang tăng lên. Theo thăm dò dư luận, sau cuộc tranh luận vào tháng trước, ông Trump hiện đang dẫn điểm trước ông Biden. Cộng hưởng từ vụ ám sát ông Trump, lợi thế đó rõ ràng được nới rộng.
Nếu ông Biden không thống nhất được nội bộ và khẳng định bản thân trong Đại hội Đảng dân chủ vào tháng sau, niềm tin vào vị tổng thống đương nhiệm sẽ giảm đi. Ông Biden cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông những thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua và các ưu tiên chính sách được cho là hợp lòng cử tri.
- Vậy vụ ám sát có thể hiện điều gì về những mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ cũng như những tác động ở tầm quốc tế?
Trong thập kỷ gần đây, nước Mỹ đang chuyển hóa với rất nhiều vấn đề nội bộ. Xu hướng chuyển sang cực hữu hơn, tập trung vào vấn đề lợi ích mà ít chú ý đến giá trị.
Trước cuộc tranh cử năm 2016 giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton, Mỹ vốn không chỉ chú trọng đến vấn đề lợi ích riêng mà còn quan tâm nhiều đến các giá trị toàn cầu, hợp tác quốc tế. Tuy vậy, sau khi ông Trump lên nắm quyền với chính sách "MAGA" (Make America great again: Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), Mỹ có xu hướng "hướng nội" và tập trung đến lợi ích cụ thể của mình. Đây dường như là tiếng nói chung của Mỹ.
Kể từ đó, phân hóa chính trị ở Mỹ ngày càng sâu sắc, khi cả hai Đảng liên tục công kích và đổ lỗi cho nhau. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Biden theo đuổi chủ trương "Build Back Better" (Tái xây dựng nước Mỹ tốt đẹp hơn), tập trung vào xây dựng kinh tế, hạ tầng, khoa học-công nghệ… và nền dân chủ của nước Mỹ. Tuy vậy, còn rất nhiều vấn đề vẫn tồn tại.
Vụ mưu sát không tạo ra sự đồng điệu mà tiếp tục làm sâu sắc thêm mâu thuẫn chính trị.
Lãnh đạo các nước trên thế giới cùng chia sẻ với Mỹ và lên án vụ mưu sát ông Trump. Chuyển biến nội tình chính trị trong lòng nước Mỹ được thế giới, đặc biệt là các nước có mối quan hệ thân cận với Mỹ, theo dõi sát sao. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ thể hiện đường lối của Mỹ trong quan hệ quốc tế và với đồng minh.
Nếu ông Trump vào Nhà Trắng, có ý kiến cho rằng nước Mỹ sẽ ngày càng "hướng nội" và có nhiều phức tạp trong quan hệ quốc tế. Đơn cử, vị cựu tổng thống Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong nhiệm kỳ của mình.
Nếu ông Biden trúng cử, vấn đề sức khỏe của tổng thống đương nhiệm sẽ là mối quan tâm lớn. Ngoài ra, nhiệm kỳ tới sẽ bầu cử cả Thượng viện và Hạ viện. Liệu ông Biden có giữ được 1 trong 2 viện của quốc hội hay mất cả 2 viện vào tay Đảng Cộng hòa. Nếu vậy, Mỹ sẽ rất khó khăn trong việc quyết định các chính sách đối nội và đối ngoại.
Như vậy, qua vụ việc xảy ra với ông Trump và những diễn biến gần đây, bao gồm mâu thuẫn nội bộ, có thể thấy cuộc bầu cử ở Mỹ ngày càng "hướng nội", chính trị hóa với lợi ích phân mảnh theo bên thắng cử. Chính trị nội bộ và hình tượng dân chủ của Mỹ cũng đang gặp khủng hoảng lớn, làm dấy lên mối lo ngại chung đối với thế giới.