Đại sứ Việt Nam tại Angola đến thăm team Quang Linh châu Phi, ông nói một câu làm ai nấy đều xúc động
Ngài Đại sứ rất trân trọng công sức xây dựng của team Quang Linh châu Phi dành cho người dân Angola.
- 03-08-2024Bí thư huyện sốc khi lần đầu trong đời thấy hạt lúa, team Quang Linh châu Phi quyết biến sỏi đá thành 'vàng' tại Angola
- 31-07-2024Chủ tịch cùng Trưởng Công an huyện tới thăm nông trại của team Quang Linh châu Phi, lạ lẫm khi lần đầu thưởng thức mít Việt Nam
- 16-07-2024Phó Chủ tịch cùng Bí thư huyện về thăm trang trại của team Quang Linh châu Phi, 'đứng hình' trước giàn củ quả độc lạ từ Việt Nam
Angola là một trong những quốc gia châu Phi có khá nhiều người Việt Nam sinh sống, làm việc và có nhiều đóng góp cho nước sở tại. Đặc biệt, thời gian gần đây, các hoạt động của Quang Linh và Team châu Phi nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng, với những hoạt động về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Mới đây, nhân dịp Quốc khánh 2/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và hội doanh nhân Việt Nam đã tổ chức đến thăm những khu vực nông nghiệp của người Việt, trong đó có trang trại 4 bản của Công Giáp. Người dân bản rất phấn khởi và đứng hát chào đón đoàn Đại sứ.
Tại đây, ngài Đại sứ Dương Chính Chức đã hỏi thăm tình hình trồng trọt, chăn nuôi của mọi người.
Công Giáp chia sẻ trang trại gồm 4 bản, mỗi bản trung bình khoảng 100-150 hộ gia đình. Sau một năm đi vào hoạt động, trang trại đã giúp người dân có thêm kế sinh nhai, thoát nghèo đói.
Hiện mùa khô, nông trại chỉ trồng được các mặt hàng nông sản, mùa mưa trồng các cây lương thực. Một số cây giống được mang từ Việt Nam sang như rau cải, cà pháo, su hào, hiện team tập trung trồng nông sản là cà rốt, hành, cà chua để người dân có đầu ra, buôn bán. Vừa qua, số tiền thu từ việc bán hành lên tới 3,6 triệu Kz (tương đương 95 triệu đồng).
Bên cạnh đó, team châu Phi cũng đang cho chăn nuôi vịt, gà để nhân giống. Sau đó sẽ đưa tới các bản khác để người dân tự nuôi.
"Đến nay bà con đã tự giác biết trồng trọt, giống Việt Nam thì team sẽ cung cấp, còn hành thì người dân bán lấy tiền và mua lại giống mới về tự trồng tiếp. Như vậy, người Việt Nam hiện giờ chỉ hỗ trợ phía sau để khi rời đi dân bản vẫn có thể tiếp tục làm" , Công Giáp cho hay.
Theo Công Giáp, khó khăn nhất khi xây dựng nông nghiệp tại Angola là vấn đề nước tưới, đặc biệt vào mùa khô. Tưới nước tầm một tiếng sau đất sẽ khô luôn, không đủ ngấm. Ngài Đại sứ cũng đánh giá nông nghiệp mà không có nước thì không làm được, giống câu nói của ông cha từ xưa: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Được biết, nếu so với khu vực của Quang Linh, nơi đây vẫn thiếu nước nhiều hơn do là thung lũng nằm trong vùng núi.
Đại sứ Dương Chính Chức nhấn mạnh: "Công Giáp nói riêng và team châu Phi nói chung nếu gặp bất cứ khó khăn, cần giúp đỡ gì như đào ao trữ nước, máy móc phục vụ cho việc canh tác thì hội doanh nghiệp cũng như Đại sứ quán sẵn sàng cung cấp. Anh rất trân trọng tất cả công sức xây dựng của mọi người ."
Nhân dịp đến thăm, Đại sứ quán Việt Nam cũng có phần quà là 4 tạ gạo cùng bánh kẹo tặng cho người dân. Đáp lại tình cảm của ngài Đại sứ, trưởng bản đã thay mặt người dân có giỏ cà chua "của nhà trồng được" gửi tặng đoàn.
Trưởng bản xúc động bày tỏ: "Trang trại này do Công Giáp cùng các nhà hảo tâm mua đất, giúp chúng tôi canh tác, chúng tôi vô cùng biết ơn người Việt Nam" .
Cộng đồng người Việt Nam tại Angola là cộng đồng lớn nhất ở châu Phi. Thế hệ người Việt đầu tiên tại Angola là các chuyên gia y tế và giáo dục, sống và làm việc dài hạn tại Angola. Sau đó, gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng của họ sang sinh sống, làm việc cùng.
Trong đó, đa số sang làm thuê và khá đông bà con là tiểu thương, doanh nghiệp vừa và có cả những doanh nghiệp lớn. Ngành nghề hoạt động của họ khá đa dạng, nhiều nhất là xây dựng, làm xưởng sửa chữa ô-tô, tiếp đến là sản xuất thực phẩm, các hoạt động dịch vụ dân sinh. Những việc mà Quang Linh và Team châu Phi đang làm được coi là những kỳ tích, những câu chuyện thần thoại đối với người dân bản địa.
Nhịp sống thị trường