MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đài thiên văn bắt được “gợn sóng” lạ từ thế giới 12 tỉ năm tuổi

27-12-2023 - 17:06 PM | Tài chính quốc tế

Đài thiên văn vô tuyến nằm giữa "hoang mạc tử thần" Atacama ở Chile đã bắt được loại tín hiệu chưa từng thấy.

Đó là những gợn sóng lan tỏa bên trong BRI 1335-0417, một thiên hà xoắn ốc có thanh chắn hơn 12 tỉ năm tuổi, do đài thiên văn quốc thế ALMA - một mạng lưới kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ đặt tại Chile - bắt được.

Những gợn sóng tỏa này giống như những gì xảy ra khi một hòn đá rơi xuống mặt ao tĩnh lặng, cung cấp cái nhìn chưa từng có về cách một thiên hà sơ khai phát triển.

Đài thiên văn bắt được “gợn sóng” lạ từ thế giới 12 tỉ năm tuổi- Ảnh 1.

Một số kính viễn vọng thuộc hệ thống ALMA - Ảnh: ESO

Đó là những gì mà đài thiên văn quốc thế ALMA - một mạng lưới kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ đặt tại Chile - đã bắt được từ phía BRI 1335-0417, một thiên hà xoắn ốc có thanh chắn hơn 12 tỉ năm tuổi.

Do ánh sáng từ thiên hà xa xôi này mất hàng tỉ năm để đi đến Trái Đất, nên thứ chúng ta nhìn vào chính là hình ảnh của quá khứ, khi nó và cả vũ trụ còn rất "trẻ".

Đó là dạng thiên hà mà các ngôi sao tạo thành hình dạng giống như một thanh thép ánh sáng được đặt cân bằng trên tâm thiên hà.

Đài thiên văn bắt được “gợn sóng” lạ từ thế giới 12 tỉ năm tuổi- Ảnh 2.

Thiên hà BRI 1335-0417 trong hình ảnh được ghi nhận bởi đài thiên văn ALMA - Ảnh: : ALMA/ESO/NAOJ/NRAO

Theo Sci-News, cấu trúc đối xứng này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tiến hóa thiên hà và định hình cấu trúc đĩa thiên hà.

Nó cũng tác động lên chất khí, gom khí tụ về phía trung tâm thiên hà và hình thành dần những ngôi sao mới, giúp "đĩa ánh sáng" của thiên hà phình to dần.

Những gợn sóng bí ẩn được mô tả từ tín hiệu ALMA là một minh chứng cho quá trình đó đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, cho thấy BRI 1335-0417 là một thiên hà hình thành sao cuồng nhiệt.

Kích cỡ của "quái vật" cổ đại này chỉ ngang với thiên hà chứa Trái Đất Milky Way, nhưng lại hình thành sao nhanh hơn Milky Way rất nhiều. Đó cũng là điều mà các nhà khoa học từng nhận thấy trong một số thiên hà sơ khai.

"Chúng tôi muốn hiểu khí được cung cấp như thế nào để theo kịp tốc độ hình thành sao nhanh chóng này. Nghiên cứu này cung cấp cho chúng tôi thông tin quan trọng về các tình huống có thể xảy ra nhất" - TS Emily Wisnioski từ Đại học Quốc gia Úc, đồng tác giả, cho biết.

Bản thân thiên hà BRI 1335-0417 không thể là một cuốn phim, bởi quá trình tiến hóa thiên hà quá dài so với thời gian sống của con người.

Tuy nhiên, nhiều mảnh ghép khác nhau từ các thiên hà đang tiến hóa ở các giai đoạn khác nhau sẽ giúp hoàn thiện mô hình cho thấy thiên hà trong vũ trụ sơ khai đã phát triển như thế nào. BRI 1335-0417, một thiên hà "thanh niên" là một mảnh ghép quý giá.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

Theo Anh Thư

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên