Dặm trường M&A của đại gia thực phẩm KIDO
Mặc dù từng không thành công với Tribeco hay Nutifood thì các mảng kinh doanh chủ chốt hiện nay của KIDO như Kido Foods, Tường An hay Vocarimex đều là "sản phẩm" của những thương vụ M&A.
Năm 2015, giới đầu tư và ngay cả người tiêu dùng khá bất ngờ trước thông tin Công ty Cổ phần Kinh Đô (sau này là KIDO) quyết định chuyển nhượng toàn bộ mảng bánh kẹo Kinh Đô cho Tập đoàn Mondelēz International của Mỹ. Đây là một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tại Việt Nam với tổng giá trị lên đến 420 triệu USD.
Vì sao KIDO lại quyết định chuyển giao mảng kinh doanh mang lại 500 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm? Câu trả lời có lẽ chỉ đơn giản nằm ở việc thị trường bánh kẹo đã tăng trưởng chậm lại trong nhiều năm liền. Thực tế cho thấy, KIDO đã đúng khi quyết định bán đi.
Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn KIDO từng chia sẻ một yếu tố rất quan trọng đưa đến quyết định trên là vì ông lo ngại cái viễn cảnh của một doanh nghiệp đang đứng ở đỉnh và mọi người không còn động lực để tiến lên.
3 lá át chủ bài từ M&A đưa KIDO thoát khỏi ‘cái kén’ chật chội
Để tìm động lực tăng trưởng mới sau khi bán đi lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, con đường hợp lý nhất là thông qua M&A. Chỉ có chiến lược này mới có thể giúp DN mở rộng quy mô rút ngắn thời gian phát triển trong ngành hàng mới và đạt được tăng trưởng mạnh về doanh số, thị phần. Đích ngắm là các DN cùng ngành nghề chính là thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu, nơi mà hàng triệu người Việt dùng hàng ngày.
Thương vụ điển hình và thành công nhất mà KIDO thực hiện sau thời kỳ thoát khỏi "chiếc kén" của mình phải nhắc đến dầu Tường An ("TAC"), thương hiệu dầu ăn hàng đầu có lịch sử hơn 40 năm tại Việt Nam.
Bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng thâu tóm 65% cổ phần TAC, KIDO đã nắm trong tay một thương hiệu dầu ăn lâu đời với doanh số khoảng 4.000 tỉ đồng mỗi năm cùng với tài sản có giá trị. Nhưng trên hết, giá trị mà KIDO thu được đó là thương hiệu mạnh cùng mức độ hiện diện và có mặt trong gian bếp Việt, sự yêu mến của nhiều thế hệ gia đình Việt dành cho Tường An sau hàng chục năm.
Thành công ở KIDO là việc chuyển hóa Tường An từ một DN có hiệu quả ở mức trung bình đang từng bước được nâng cao. Chỉ sau 1 năm, Tường An đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hiệu quả sản xuất kinh doanh. Doanh thu thuần năm 2017 đạt 4.338 tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm 2016 và lợi nhuận trước thuế đạt 166 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số của thời kỳ trước đó.
Doanh số TAC đã cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành, điều đó phần nào cho thấy, TAC đang củng cố vững chắc thêm vị thế của các nhãn hiệu dầu ăn đối với người tiêu dùng.
Sau Tường An, KIDO tiếp tục thể hiện tham vọng dẫn đầu thị trường dầu ăn khi hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% vốn điều lệ của Vocarimex (VOC) trong năm 2017 sau hơn 2 năm theo đuổi. Thương vụ tiêu tốn của KIDO ước tính khoảng 1.100 tỷ đồng để nắm 51% cổ phần VOC được cho là thương vụ rất hời của KIDO bởi VOC nắm giữ nhiều giá trị chưa được khai thác đúng tiềm năng.
Vocarimex có vốn góp tại hầu hết thương hiệu dầu lớn tại Việt Nam gồm cả Cái Lân (Calofic), Dầu Tân Bình (Nakydaco), Tường An và Golden Hope Nhà Bè. Nhờ tích hợp thế mạnh từ quản trị, nhân sự, tài chính và kinh nghiệm trong Marketing, KIDO đã giúp VOC đã tiến hành tái cấu trúc mô hình hoạt động kinh doanh và cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Kết quả, ngay trong năm đầu tiên, VOC đã có chuyển biến tích cực. Doanh thu thuần đạt 4.388 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ hai mảng kinh doanh dầu ăn công nghiệp và xuất khẩu tăng trưởng lần lượt là 52,6% và 14,9% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, vượt đến 50% kế hoạch.
Thành công liên tiếp sau các thương vụ M&A đình đám, KIDO được đánh giá là 1 trong 10 doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu do Diễn đàn M&A Việt Nam bình chọn.
Thực ra không phải đến khi bán đi mảng bánh kẹo thì KIDO mới tập trung cho hoạt động M&A. Một thương vụ vẫn được nhắc đến nhiều là việc KIDO đã mua lại nhà máy kem Wall’s từ Unilever năm 2003 và đổi tên thành Công ty kem KIDO’s (nay là KIDO Foods - KDF).
Vào thời điểm đó, đây là sự kiện tạo tiếng vang lớn bởi lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam mua lại nhà máy của một tập đoàn lớn nước ngoài và phát triển thành công. KDF sau này đã trở thành thế lực thống trị ngành kem tại Việt Nam trong nhiều năm. Theo thống kê của Euromonitor năm 2017, KDF tiếp tục giữ vững ngôi đầu với hơn 40% thị phần, vượt xa các tên tuổi còn lại.
Dặm trường MA
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông KIDO năm nay, KIDO cho biết họ sẽ tiếp tục M&A và mở rộng hợp tác cho tham vọng lấp đầy gian bếp Việt. Mục tiêu tiếp theo là một doanh nghiệp trong ngành dầu ăn có thị phần thứ 3 tại Việt Nam nhưng hiệu quả kinh doanh kém.
Dẫu vậy, KIDO cũng như bao DN khác vẫn đang đứng trước một thử thách không nhỏ, đó là tỷ lệ thất bại của các thương vụ M&A là khá cao. Bản thân KIDO trước đây cũng đã từng nếm mùi "thương đau" với các thương vụ Tribeco và Nutifood.
Đúc kết từ kinh nghiệm của chính mình, ông Trần Kim Thành cho biết: "Những yếu tố dễ thấy nhất là các cổ đông lớn không cùng nhìn về một hướng; một số vấn đề của công ty mục tiêu mà doanh nghiệp chưa nhìn thấy được. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề khác liên quan đến con người, tỷ lệ sở hữu cổ phần…
"Đối với tôi, hậu M&A mới là yếu tố quan trọng, trong đó quan trọng nhất là con người. Chúng ta có thể mua được tài sản, máy móc thiết bị nhưng không thể mua được sự nhiệt huyết, chuyên tâm của nhân sự đối với công việc. Bao nhiêu máy móc thiết bị, tài sản cũng là do con người vận hành. Có thể nói, chỉ có con người mới mang lại giá trị. Một khi những người có thể mang lại giá trị phù hợp với mục tiêu của công ty mà nghỉ việc, xem như doanh nghiệp mua công ty mục tiêu là không có giá trị."
Chủ tịch hội đồng quản trị KIDO cho rằng, cần phải có thời gian để tiến trình M&A chuyển đổi thành công. Vì đây là văn hóa doanh nghiệp. Đôi khi việc chuyển đổi cần kéo dài đến 2 hoặc 3 năm. Hoặc chỉ cần vài tháng là có thể hoàn tất thành công.
Trí Thức Trẻ