MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân châu Á đổ xô đi đạp xe sau 1 năm vật lộn với Covid-19: Xu hướng không ai ngờ tới nhưng có tác dụng giải tỏa tinh thần cực tốt

25-01-2021 - 20:00 PM | Sống

Dân châu Á đổ xô đi đạp xe sau 1 năm vật lộn với Covid-19: Xu hướng không ai ngờ tới nhưng có tác dụng giải tỏa tinh thần cực tốt

Đạp xe là một trong những xu hướng bất ngờ nhất trong năm 2020 và dự báo sẽ còn tiếp tục trong năm 2021. Hoạt động này vừa giúp con người duy trì khoảng cách an toàn, vừa tận hưởng thiên nhiên và cảnh quan thành phố.

Đầu năm 2020, nhiếp ảnh gia kiêm nhà sản xuất sự kiện người Philippines Deej Fabian chỉ chôn chân trong nhà chơi game thay vì lang thang khắp phố phường Manila. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của anh. Khi kiệt sức chỉ sau một chuyến đạp xe đơn giản, anh biết mình phải làm gì đó.

“Tôi nhận ra sức khỏe của mình tồi tệ thế nào. Sau đó, tôi đặt mục tiêu tập đạp xe trở lại”, Fabian cho biết. Vậy là anh bắt đầu lại hành trình đạp xe của mình.

“Kể từ lúc đó, tôi liên tục tham gia các nhóm đạp xe. Thể chất và sức bền của tôi tăng dần theo từng chuyến đi. Tôi ghi lại sự tiến bộ của mình và điều đó càng làm tôi quyết tâm hơn… Tôi bắt đầu ngủ ngon hơn, thoải mái hơn, tâm trạng cũng vui vẻ hơn”.

Hiện tại, Fabian thường đạp xe tới các tỉnh lân cận cùng bạn bè mình. Họ chỉ là vài trong nhiều người đang đạp xe trên những con phố sầm uất nơi thành thị và những con đường mòn vùng nông thôn tại châu Á trong thời gian vừa qua.

Do dịch Covid-19, đạp xe đã trở thành một trong những xu hướng bất ngờ nhất trong năm 2020. Phương thức di chuyển này hạn chế tiếp xúc gần, đồng thời tạo cơ hội để mọi người ngắm cảnh và tập thể dục.

Dân châu Á đổ xô đi đạp xe sau 1 năm vật lộn với Covid-19: Xu hướng không ai ngờ tới nhưng có tác dụng giải tỏa tinh thần cực tốt - Ảnh 1.

Casas đạp xe trong khuôn viên ĐH Philippines (Ảnh: Carlo Casas)

Tại Manila, phương tiện công cộng đã phải tạm dừng hoạt động tại một số khu vực đang bị cách ly. Vì vậy, người dân buộc phải dùng xe đạp để đi lại.

Đạp xe từng là một sở thích đắt đỏ mà chỉ có tầng lớp trung niên khán giả ưa thích - giống như golf. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, sự xuất hiện của các thương hiệu xe đạp giá rẻ đã đưa bộ môn này tới gần người dân hơn. Giờ đây, ngay cả thanh niên Philippines cũng bắt đầu đạp xe nhiều hơn. 

Xu hướng này phổ biến đến mức chính phủ cuối cùng cũng thiết thêm làn đường dành cho xe đạp. Nhiều người dân Manila chọn xe đạp gravel - một loại xe đạp leo núi và đường dài - để đi trên những con đường gập ghềnh. 

“Tôi tập xe đạp vì muốn rèn luyện trong thành phố suốt thời gian có lệnh hạn chế đi lại (ECQ)”, Felix Imperial - một kiến trúc sư - cho biết. 

Giờ đây, khi giao thông tại Manila trở lại bình thường, các rào chắn được lập lại và lượng người lưu thông cũng đông hơn. Imperial phải chọn đạp xe vào sáng sớm hoặc tối muộn để tránh giờ cao điểm. Nhiều cư dân ước rằng thành phố trở nên thân thiện hơn với những người đi xe đạp.

“Nó đã dạy tôi rằng giao thông và hệ thống phương tiện công cộng ở đây có thể trở nên tốt hơn, và nên như vậy”, nhiếp ảnh gia Carlo Casas nói. “Ưu tiên cư dân thành phố thay vì xe cộ sẽ là một khởi đầu tuyệt vời”.

Dân châu Á đổ xô đi đạp xe sau 1 năm vật lộn với Covid-19: Xu hướng không ai ngờ tới nhưng có tác dụng giải tỏa tinh thần cực tốt - Ảnh 2.

(Ảnh: Deef Fabian)

Điều tương tự cũng diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Giống như Manila, Jakarta là một trong những nơi có tình trạng tắc nghẽn giao thông tệ nhất thế giới. Thế nhưng, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, người dân bắt đầu chuyển sang đạp xe nhiều hơn.

Vào tháng 6/2020, tỷ lệ đạp xe ở Jakarta đã tăng lên 500% so với 2019. Là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, cư dân nơi đây nhận thấy đạp xe là một cách tuyệt vời để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.

Không may, số lượng xe đạp tăng lên đồng nghĩa với tỷ lệ trộm cắp nhắm vào những người đạp xe cũng tăng theo, nhất là khoảng từ tháng 10 đến tháng 11. Cộng đồng đạp xe tại Indonesia đang cố gắng nâng cao nhận thức về các vụ trộm cắp này. Trang Bike2Work đã chia sẻ hình ảnh một người đạp xe với dòng chữ ở sau lưng: “Tôi nghèo lắm. Xin đừng trộm đồ”.

Với tư vấn viên IT Efrem Gabriel và nhà phát triển phần mềm Darius Reyes - những người đang sống ở Kuala Lumpur (Malaysia), họ chọn đạp xe vì phòng gym gần nhà bị đóng cửa. Gabriel thường chơi bóng rổ với bạn, tuy nhiên khi đại dịch bùng phát, đạp xe và đi bộ là hai hoạt động duy nhất anh có thể làm. 

“Tôi đã ở Malaysia 5 năm và chưa từng nghĩ tới việc đạp xe. Tôi chỉ chơi bóng rổ và game trên máy tính. Tuy nhiên, tôi sẽ tiếp tục đạp xe ngay cả khi đại dịch kết thúc”, anh nói.

Nếu phòng gym của Reyes không đóng cửa, có lẽ anh sẽ vẫn tập Muay Thai hoặc yoga. Tuy nhiên sau khi mua xe đạp một tháng trước và rủ bạn bè tập cùng, anh đã yêu bộ môn thể thao này.

“Trước đây, tôi không nghĩ mình sẽ tập đạp xe vì thời tiết Kuala Lumpur rất nóng. Cuối cùng tôi lại thích nó. Tôi nghĩ lý do là vì được ra ngoài và tương tác với mọi người”, anh nói.

Năm 2018, Tòa Thị chính Kuala Lumpur đã bổ sung thêm một làn xe đạp dài 11m, điều mà ban đầu những người đi xe đạp chỉ trích là bất tiện và nguy hiểm. Tuy nhiên, Gabriel và Reyes nói rằng bản thân họ không gặp rắc rối nào trên đường, với sự trợ giúp của các nhóm đạp xe. Một trong những cung đường mà họ thích nhất là xung quanh khu vực dân cư Bukit Tunku bởi khung cảnh ở đây rất đẹp.

Dân châu Á đổ xô đi đạp xe sau 1 năm vật lộn với Covid-19: Xu hướng không ai ngờ tới nhưng có tác dụng giải tỏa tinh thần cực tốt - Ảnh 3.

Gabriel và nhóm đạp xe của mình (Ảnh: Efrem Gabriel)

Tại Singapore, các cửa hàng bán xe đạp gần như hết hàng, trong khi giá đột ngột tăng cao. “Giờ đây, nhiều người chọn sở hữu xe đạp thay vì đi xe chung”, Dominic Chia - chủ cửa hàng MyBikeShop SG - giải thích. Dù nhu cầu khách hàng tăng cao, ông nghĩ rằng đạp xe vẫn chỉ là một thú vui.

“Nó đã trở thành một hoạt động cuối tuần dành gia đình ở đây. Đạp xe vẫn là một hoạt động giải trí nhiều hơn là một phương thức di chuyển nơi công cộng. Có nhiều yếu tố cản trở điều này: thời tiết ẩm ướt, thiếu cơ sở hạ tầng cho việc sửa chữa và đỗ xe ở Singapore”.

Singapore có hệ thống giao thông công cộng khá thuận tiện, lại kiểm soát tốt sự lây lan của Covid-19 ngay từ đầu.

Xu hướng đạp xe còn lan tới cả Tokyo, dù hoạt động này vốn đã khá phổ biến tại Nhật Bản. Thành phố này nổi tiếng với các tuyến tàu điện ngầm đông đúc trong giờ cao điểm. Theo chủ cửa hàng bán xe đạp Soshi Kuwata, người dân muốn tránh đi lại bằng phương tiện công cộng khi dịch bệnh vẫn còn.

“Trên thực tế, đôi khi đạp xe còn nhanh hơn là đi bằng phương tiện công cộng”, Kuwata nói.

Dân châu Á đổ xô đi đạp xe sau 1 năm vật lộn với Covid-19: Xu hướng không ai ngờ tới nhưng có tác dụng giải tỏa tinh thần cực tốt - Ảnh 4.

Kuwata đạp xe xung quanh Tokyo (Ảnh: Soshi Kuwata)

Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích cư dân đạp xe nhiều hơn bằng cách dành thêm nhiều làn đường cho xe đạp và thắt chặt luật giao thông. Bộ luật mới có thêm 15 điều khoản, với mức phí phạt lên tới 50.000 JPY (khoảng 11 triệu VNĐ) đối với người vi phạm. 

“Nó tốt cho sức khỏe của bạn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đạp xe cũng rất hữu ích. Bạn có thể đi xa hơn so với đi bộ, thoải mái dừng lại và dành thời gian ở bất cứ đâu bạn muốn”, Kuwata nói.

Anh cũng nhận định, nhờ thói quen đạp xe bấy lâu nay mà Nhật Bản có ưu thế hơn khu xu hướng này phổ biến trong khu vực. “Nhu cầu đạp xe trên thế giới nói chung đã tác động tích cực đến các nhà sản xuất phụ tùng xe đạp như Shimano”, anh nói. 

Dù cuộc sống của con người đã thay đổi đáng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Casas cho biết anh rất hạnh phúc khi thói quen đạp xe giúp anh nhìn Manila dưới một góc độ hoàn toàn mới.

“Tôi cảm thấy trân trọng thành phố hơn. Tôi thích chầm chậm lái xe dạo quanh Manila. Tôi có thể dừng lại ở bất cứ đâu mình muốn để chụp ảnh hoặc nghỉ ngơi. Tôi có thể ngửi thấy mọi thứ - từ mùi hôi thối của con sông cho đến hương vị hấp dẫn của món nướng vỉa hè. Tôi đến ăn tại những quán mà nhiều năm trời mới đặt chân tới, do không muốn phải đi quá xa”, anh kể.

Fabian đồng tình rằng điểm sáng của năm 2020 chính là tình yêu mới dành cho môn đạp xe.

“Đại dịch khiến tôi nhận ra đạp xe là điều tôi cần, cả về thể chất lẫn tinh thần”, anh nói. Giờ đây, tôi đã nhận ra những lợi ích của việc đạp xe đối với bản thân, cũng như những tác động tích cực mà nó mang lại cho cuộc sống của bạn bè. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ từ bỏ sở thích này này”.

(Theo Vice)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên