MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân chung cư đang gánh chi phí đầu tư hạ tầng điện, nước “bất hợp lý”, con số này là bao nhiêu?

27-07-2016 - 16:27 PM | Bất động sản

Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), những bất hợp lý trong câu chuyện chi phí đầu tư hạ tầng điện, nước ở các dự án nhà ở làm giá nhà bị đẩy lên cao.

Câu chuyện về khoản chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật gồm có các công trình như toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế; hệ thống đường ống cấp nước sạch đến đồng hồ điện cho từng căn hộ…tại các dự án BĐS nhà ở đang gây xôn xao dư luận gần đây.

Vấn đề ở đây, đó là ai là người phải trả khoản chi phí đầu tư này, khi mà theo quy định của ngành điện thì đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện. Trong khi đó, theo quy định của ngành BĐS thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội của dự án.

Thực tế thì chi phí đầu tư hạ tầng điện, nước tại các dự án BĐS nhà ở hiện nay đang do Chủ đầu tư dự án bỏ ra, sau đó phân bổ vào giá bán nhà cho người dân. Do vậy, câu chuyện ai phải bỏ ra chi phí đầu tư hạ tầng điện, nước đang có nhiều quan điểm trái chiều.

Mới đây, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đã có văn bản báo cáo về vấn đề này. Theo HoREA, hiện nay tổng chi phí mà DN địa ốc bỏ ra đầu tư vào hạ tầng điện, nước là khoảng 2-3% tổng mức đầu tư của dự án.

Các công trình này gồm toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế; hệ thống đường ống cấp nước sạch đến đồng hồ điện cho từng căn hộ; sau đó, bàn giao toàn bộ tài sản này cho Công ty Điện lực, Công ty Cấp nước sở hữu, vận hành, khai thác kinh doanh mà không được bồi hoàn.

Từ con số này, có thể lấy ví dụ một dự án chung cư cao cấp tại quận Cầu Giấy, chủ đầu tư công bố tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, chung cư này có 1.000 hộ dân, tổng diện tích sàn căn hộ khoảng 136 nghìn m2.

Như vậy thì chi phí đầu tư vào hạ tầng điện, nước của dự án này vào khoảng 80-120 tỷ đồng. Nếu làm một phép tính đơn giản, chi phí hạ tầng điện, nước trung bình dự án này khoảng 100 tỷ đồng và phân bổ cho 136 nghìn m2 thì mỗi một m2 căn hộ sẽ phải gánh trên 750.000 đồng. Vậy thì, một gia đình sở hữu căn hộ 100m2 phải gánh khoảng 75 triệu đồng chi phí này.

Một điểm lưu ý khác mà HoREA cho rằng bất hợp lý, đó là toàn bộ tài sản hạ tầng điện, nước này doanh nghiệp BĐS bàn giao cho Công ty Điện lực, Công ty Cấp nước sở hữu, vận hành, khai thác kinh doanh mà không được bồi hoàn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực hạ tầng thông tin, truyền thông như điện thoại, truyền hình, internet... từ nhiều năm qua đã tự bỏ chi phí đầu tư hệ thống cáp quang, đường truyền để cung ứng dịch vụ cho khách hàng tại các dự án nhà ở. Theo HoREA đây là sự bất bình đẳng, và nếu các công ty cấp điện, cấp nước cũng đầu tư hạ tầng như các DN viễn thông thì giá thành nhà ở sẽ được giảm xuống.

Tuy nhiên, quan điểm của công ty ngành điện lại cho rằng trách nhiệm đầu tư hạ tầng điện, nước là phải do chủ đầu tư dự án. Trả lời trên báo Sài Gòn Đầu tư Tài Chính mới đây, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM cho rằng: “Căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước và phê duyệt dự án của cấp thẩm quyền, việc đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật đi kèm (trong đó có hệ thống cấp điện) đối với các dự án kinh doanh BĐS là trách nhiệm của chủ đầu tư. Ngành điện chịu trách nhiệm cấp điện đến chân hàng rào công trình theo quy định của Luật Điện lực.”

Như vậy, có thể thấy câu chuyện về khoản chi phí đầu tư cho hạ tầng điện, nước vẫn đang được tranh cãi giữa công ty BĐS hay công ty ngành điện, ai là người phải bỏ ra chi phí? Nhưng thực tế thì khoản chi phí này lại đang do người mua nhà gánh.

Nhật Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên