Dân đang chấp nhận sống với tham nhũng như “sống chung với lũ”
“Người dân đang có xu hướng chấp nhận tham nhũng nhiều hơn với thái độ “sống chung với lũ”, cho rằng mình không làm được gì cả và chỉ lặng lẽ cho qua. Mức chịu đựng của người dân đang tăng dần đều và điều này rất đáng quan ngại”, TS. Đặng Hoàng Giang, đại diện cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc – UNDP thẳng thắn nói.
- 08-04-2016Ông Putin nói về Tài liệu Panama: "Không có tham nhũng nào"
- 06-04-2016Kỳ vọng Tân Thủ tướng giải quyết tận gốc rễ nạn tham nhũng
- 05-04-2016“Tôi tin tân Thủ tướng sẽ quyết liệt chống tham nhũng”
- 28-03-2016Không cải cách được tiền lương thì khó chống được tham nhũng
- 25-03-2016Nhiều nước lương 10 nghìn USD vẫn thấp, ở Việt Nam 10 nghìn USD chia nhiều người thì tham nhũng thôi
Tại lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2015, TS. Đặng Hoàng Giang, đại diện cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc – UNDP nhìn nhận, đối với người dân, mối quan hệ thân quen rất quan trọng để xin được vào cơ quan nhà nước chứ không phải học vấn, trình độ hay năng lực.
Theo đó, năm 2015 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh so với các năm trước.
Báo cáo PAPI 2015 ghi nhận, phần lớn những tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất và trung bình cao tập trung ở miền Trung và miền Nam. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, có 11 địa phương ở miền Nam và 4 địa phương miền Trung đạt điểm cao nhất, ngược lại, Hà Nội luôn ở trong nhóm đạt điểm thấp nhất.
Về kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, khảo sát PAPI 2015 chỉ ra, người dân ít lạc quan hơn trong đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương. Tỷ lệ người trả lời đồng ý rằng cán bộ chính quyền không sử dụng công quỹ vào mục đích riêng, không vòi vĩnh đòi hối lộ khi làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc khi thụ lý hồ sơ xin cấp phép xây dựng của người dân thấp hơn trước.
Về công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công, báo cáo chỉ rõ, mục tiêu này khó đạt được khi thân quen và “lót tay” là những yếu tố quyết định sự thành bại của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công.
Đáng chú ý, “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực đã trở thành vấn nạn trong khu vực công. Báo cáo nêu ví dụ, ở Hà Nội, chỉ có khoảng 14% số người được hỏi cho biết họ không phải “lót tay” mới xin được việc vào cơ quan nhà nước.
Còn ở Hà Giang, năm 2015 là năm thứ 2 liên tiếp người dân tỉnh này cho hay quan hệ cá nhân có ý nghĩa rất quan trọng khi xin việc vào cơ quan nhà nước, thể hiện qua việc hầu như không có người trả lời nào cho rằng không cần quan hệ cá nhân để xin vào làm việc ở năm vị trí công vụ cấp xã/phường.
Về kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ người dân nhận định không có hiện tượng vòi vĩnh từ cán bộ y tế bệnh viện tuyến huyện/quận và giáo viên tiểu học công lập năm 2015 thấp hơn hai năm trước.
Hiện tượng phải “chung chi”, “bồi dưỡng” ngoài quy định có xu hướng phổ biến hơn. Cụ thể, tỷ lệ người trả lời không phải “bồi dưỡng” ngoài quy định khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công chỉ dao động từ 28% đến 47%. Tương tự, tại hơn một nửa số địa phương trên cả nước, chỉ có từ 36% đến 59% số người được hỏi cho rằng không có hiện tượng phụ huynh phải “bồi dưỡng” giáo viên.
Về quyết tâm chống tham nhũng, số liệu chỉ ra quyết tâm của người dân trong việc tố giác hành vi tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ chính quyền có xu hướng suy giảm.
Năm 2015, chỉ khoảng 3% số người đã bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền. Đặc biệt, mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, hối lộ của người dân lớn hơn rất nhiều so với những năm trước: người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới khoảng 24 triệu đồng.