Dân đầu cơ đất tháo chạy khỏi Bắc Vân Phong
Giới đầu tư thứ cấp, chuyên “lướt sóng” bất động sản đang tìm cách rút vốn sau một thời gian ôm đất chờ thời tại huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa.
- 09-06-2018Lùi thời hạn thông qua đặc khu, liệu thị trường BĐS tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc có đổ vỡ?
- 06-06-2018Quảng Ninh "hút" gần 58.000 tỷ đồng đầu tư tại Vân Đồn
- 04-06-2018Chuyển nhượng đất “ngầm” vẫn diễn ra ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc
“Tình hình mua bán, chuyển nhượng đất đai tại huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đã lắng xuống rất nhiều”. ngày 10-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho hay.
Huyện Vạn Ninh là địa phương được dự kiến thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) Bắc Vân Phong.
Nhiều “cò” gãy cánh
Theo ông Phẩm, tình hình giao dịch, chuyển nhượng đất đai tại địa phương này thực chất bắt đầu lắng xuống từ ngày 9-5. Đây là thời điểm chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện việc tách thửa… tại Vạn Ninh cho đến chừng nào dự án luật đặc khu được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Nay thông tin lùi việc thông qua dự án luật đặc khu càng khiến thị trường bất động sản (BĐS) tại huyện Vạn Ninh thêm im ắng.
Ghi nhận trong hai ngày 9 và 10-6 tại Vạn Ninh cho thấy quả thật giao dịch đất đai tại nơi vốn là điểm nóng vài tháng trước đang rất bình lặng. Hầu hết văn phòng giao dịch, môi giới BĐS ở đây đều vắng khách. Nhiều điểm đóng cửa im ỉm, có điểm mở cửa nhưng khi PV bước vào thì chẳng thấy nhân viên nào trực. Gọi vào số điện thoại của các văn phòng cũng hiếm có người nghe.
Rảo một vòng các quán cà phê, chúng tôi thấy không còn những nhóm người tập trung bàn chuyện đất đai như trước. Quán nước gần văn phòng giao dịch BĐS VPL, nơi trước đây từng diễn ra các giao dịch hàng chục tỉ, giờ chỉ lèo tèo vài người dân địa phương uống nước. “Giờ ai dám mua nữa mà biết giá đất lên hay xuống! Còn “cò” thì gãy cánh hoặc bay đi hết rồi!” - nghe PV hỏi tình hình giá đất, ông chủ quán nước buông một tràng.
Một văn phòng giao dịch bất động sản ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: ĐẠI QUANG
Cũng theo ông chủ quán nước, từ khi có lệnh tạm dừng giao dịch, không ít người đầu cơ đã chết lặng vì đổ tiền ôm đất quá nhiều. “Không chỉ người ở xa đến, mấy tháng trước, thấy giá đất tăng từng ngày, sinh lãi quá nhanh, nhiều người dân địa phương cũng vay mượn mua đất để lướt sóng. Giờ nhiều người dính cả năm, bảy tỉ đồng, không biết làm sao thu hồi” - vợ ông chủ quán nước kể.
Một số người dân ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh cho biết trước đây có một nhóm người từ các tỉnh phía Bắc vào bỏ cả trăm tỉ đồng để gom đất. “Họ chính là những người góp phần đẩy giá đất ở đây lên cao chưa từng có. Hồi đó, ngày nào cũng thấy họ đi ô tô đến từng nhà hỏi mua đất. Thế nhưng cả tháng nay không thấy bóng dáng họ trở lại” - ông Nguyễn Thìn, ngụ thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh, nói.
Ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, cho biết từ khi có lệnh tạm dừng của UBND tỉnh, phần lớn giao dịch đất ở địa phương đều dừng lại, trừ những thửa đất có 100% diện tích là đất thổ cư.
Tìm cách tháo chạy
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia BĐS, tại Vạn Ninh vẫn có những giao dịch ngầm của giới đầu tư thứ cấp , những người “lướt sóng” cuối cùng nay đang tìm cách bán đổ bán tháo để thu hồi vốn. Theo chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã, đã xuất hiện các hành vi lách luật để chuyển nhượng đất trái phép như giao dịch bằng giấy tay, không qua công chứng. Hiện tượng phổ biến là người bán làm thủ tục ủy quyền sử dụng đất cho người mua, thay vì làm hợp đồng chuyển nhượng như trước.
“Hai bên đến UBND xã hay các văn phòng công chứng làm thủ tục ủy quyền sử dụng đất. Nhưng thực tế là họ mua bán đất. Trong khi đó, luật không cấm chuyện này. Chúng tôi cũng đã ghi nhận một số trường hợp đến UBND thị trấn làm thủ tục ủy quyền sử dụng” - ông Nguyễn Công Bằng thông tin.
Theo ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS tỉnh Khánh Hòa, ủy viên Thường vụ Hiệp hội BĐS Việt Nam, việc lùi thời gian thông qua dự án luật đặc khu không ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp. Bởi trước khi muốn đầu tư vào vùng kinh tế nào, họ luôn khảo sát, nghiên cứu thị trường, luật pháp, thể chế rất kỹ. Ngược lại, các nhà đầu tư thứ cấp, giới chuyên “lướt sóng” vốn đã tranh thủ mua đất, đón đầu trước đây bị ảnh hưởng nặng nề.
“Dòng tiền của các nhà đầu tư thứ cấp đa phần đều mang tính chất ngắn hạn, bán chỗ này mua chỗ kia trong thời gian ngắn để kiếm lời nên khi đất không bán được là họ lao đao. Trong thời gian tới sẽ xảy ra những cuộc bán tháo để thu hồi vốn. Từ đó, các cuộc khiếu nại, khiếu kiện với những giao dịch, buôn bán bằng giấy tay có thể sẽ phát sinh” - ông Quý nhận định.
Ông Quý cũng cho rằng thị trường BĐS tại khu vực Bắc Vân Phong bình lặng cũng là một tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư lớn bởi tình hình quá nóng trong thời gian qua tại đây đã gây trở ngại không nhỏ cho việc đầu tư vào đây. “Bây giờ các nhà đầu tư nhỏ, giới chuyên “lướt sóng” không có cơ hội làm mình làm mẩy, gây rối loạn thị trường nữa.
Thị trường bình lặng, ổn định sẽ tạo tâm lý tốt đối với các nhà đầu tư lớn. Đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn, việc lùi thời gian thông qua luật đặc khu thậm chí còn tạo điều kiện cho họ có thêm thời gian để nghiên cứu, điều chỉnh, phân tích thị trường tốt hơn” - ông Quý nói, đồng thời đề xuất thêm: “Khi các chính sách ngăn chặn đầu cơ, “lướt sóng” đã phát huy hiệu quả, chính quyền nên có chính sách tháo gỡ cho người dân bản địa tại khu vực trên có nhu cầu chuyển nhượng thực sự để đảm bảo quyền, lợi ích của người dân theo đúng quy định pháp luật”.
Pháp luật TPHCM