Dẫn đầu về thua lỗ trong các DN thuộc Bộ Xây dựng, Tổng công ty xi măng Việt Nam: "Trong hơn 120 năm thành lập chưa lúc nào khó như hiện tại"
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm mới con số thua lỗ gần gấp đôi cùng kỳ 2023.
- 12-07-2024Toà tháp nghìn tỷ của Vicem chuẩn bị thi công trở lại
- 15-09-2023Chủ tịch VICEM Bùi Xuân Dũng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Cụ thể, trong báo cáo sơ kết 6 tháng, Vicem lỗ khoảng 863 tỷ đồng, con số này tăng gần gấp đôi so với mức lỗ 441 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Vicem cũng là doanh nghiệp dẫn đầu về thua lỗ trong số các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.
Theo Bộ Xây dựng, áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước rất lớn, trên 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng lại rất chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Ban lãnh đạo Vicem lý giải nguyên nhân doanh nghiệp xi măng thua lỗ do thị trường bất động sản trong nước chưa phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, một số nhà máy phải giảm năng suất hoặc dừng lò, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời cũng là lý do khiến doanh thu đi xuống, do giá trị thương hiệu của Vicem nhiều năm qua gắn với xi măng bao.
"Trong hơn 120 năm thành lập của Vicem, chưa lúc nào khó như hiện tại", đại diện Vicem nhấn mạnh.
Ghi nhận bởi Bộ Xây dựng, tổng tiêu thụ xi măng trong nước trong năm ngoái đạt chưa nổi 60 triệu tấn, giảm khoảng 9,4% so với năm 2022, đồng thời là mức giảm tiêu thụ sâu nhất trong suốt 10 năm gần đây. Sang 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất và tiêu thụ xi măng, clinker chưa khá hơn, chỉ tương đương năm ngoái, với tổng sản lượng sản xuất 44 triệu tấn, các nhà máy chạy 70 - 75% công suất thiết kế; tiêu thụ gần 44 triệu tấn, bằng so với cùng kỳ.
Để thúc đẩy kinh doanh 6 tháng cuối năm, đại diện Vicem kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét phê duyệt phương án điều chỉnh và bổ sung vốn Điều lệ.
Song song, trong sản xuất Vicem sẽ đôn đốc các đơn vị thành viên bám sát thị trường, các đơn vị tăng phối hợp sản xuất, tiêu thụ và quản lý tồn kho, rà soát và xây dựng các kịch bản chạy lò hiệu quả, không để phát sinh clinker đổ ra bãi, sử dụng các nguyên nhiên liệu thay thế để tiết kiệm tài nguyên.
Về tiêu thụ, Công ty đề chiến lược bám sát địa bàn tiêu thụ, có chính sách bán hành linh hoạt để tăng tiêu thụ, tìm nhà phân phối mới tại một số địa bàn tiêu thụ thấp. Đưa xi măng vào các dự án đầu tư công, gia công xi măng trong nội bộ Vicem theo Đề án tái cơ cấu với các cặp sáp nhập thương hiệu, ưu tiên mua bán clinker và gia công xi măng trong các công ty thành viên để tối ưu hoá logistics, giảm chi phí bán hàng.
Doanh nghiệp này kỳ vọng, cầu tiêu dùng xi măng sẽ được cải thiện trong quý 4, nhờ tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn, có thêm các dự án bất động sản, giúp doanh nghiệp cải thiện tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận.
Được biết, tình hình khó khăn của Vicem đã diễn ra nhiều kỳ. BCTC hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán của Vicem cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 1.129 tỷ đồng. Bên cạnh áp lực giảm doanh thu tăng chi phí, Công ty còn chịu thêm phần lỗ từ các đơn vị liên doanh, liên kết.
An ninh Tiền tệ