MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dán nhãn “An toàn cá heo”: Ngặt nghèo từ EU

30-06-2016 - 10:32 AM | Thị trường

Theo quy định mới đây của Mỹ, kể từ ngày 21-5, tất cả các sản phẩm cá ngừ XK vào Mỹ phải có đủ điều kiện dãn nhãn “An toàn cá heo" (Dolphin Safe). Nhiều DN XK cá ngừ đánh giá, khó khăn không đến từ Mỹ mà quy định dãn nhãn “An toàn cá heo” của EU mới thực sự khiến DN ngại ngần.

Không ngại Mỹ…

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Đình Hậu, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thủy sản Bền Vững cho biết: Trong năm 2015, kim ngạch XK cá ngừ vào Mỹ của DN đạt 12 triệu USD và năm nay dự kiến con số đạt được khoảng 15 triệu USD. Mỹ hiện đang là thị trường XK cá ngừ lớn nhất của Công ty, chiếm tới 80% tổng kim ngạch XK mặt hàng này.

Từ khi quy định sản phẩm cá ngừ XK vào Mỹ phải đủ điều kiện dán nhãn “An toàn cá heo” được áp dụng đến nay, DN không bị ảnh hưởng nhiều. “Trên thực tế, Công ty sử dụng toàn bộ nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước. Cá ngừ được câu tay bằng lưỡi câu vòng, hoàn toàn không gây tổn hại gì tới cá heo. Do đó, vấn đề chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, DN hoàn toàn đáp ứng được. Riêng việc đào tạo cho ngư dân cũng như thuyền trưởng biết về các quy định đánh bắt cá heo an toàn, DN cũng đã triển khai theo đúng yêu cầu phía Mỹ đặt ra”, ông Hậu khẳng định.

Liên quan tới vấn đề này, theo đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (Vinatuna): Thời gian qua, khi trao đổi với đại diện của nhiều DN XK cá ngừ, phần đông DN đều nhìn nhận quy định sản phẩm cá ngừ XK phải đủ điều kiện dán nhãn “An toàn cá heo” của Mỹ hầu như không gây xáo trộn nhiều tới hoạt động XK. Trên thực tế, sự thay đổi điển hình ở đây chỉ là thay đổi mẫu cam kết thuyền trưởng và các DN phải tổ chức khóa tập huấn “Đào tạo an toàn cá heo dành cho thuyền trưởng”. Việc này khá đơn giản bởi thời gian đào tạo thông thường diễn ra trong khoảng 1 ngày. Về chi phí đào tạo cũng không quá tốn kém nên không gây áp lực về mặt tài chính cho DN.

Trên thực tế, đại diện một số DN XK cá ngừ nhìn nhận, quy định từ phía Mỹ không mang tính ràng buộc khắt khe, không yêu cầu phải có một bên thứ ba chứng nhận cho DN. DN chỉ cần đưa ra những cơ sở, bằng chứng để tự chứng minh đáp ứng được các quy định do Mỹ đặt ra. Tuy nhiên, khi Mỹ bất ngờ kiểm tra, truy ngược lại, nếu phát hiện bất kỳ sai sót, thông tin thiếu chính xác, thị trường này sẽ áp dụng những biện pháp xử lý “mạnh tay”. Do đó, các DN XK vào Mỹ trong mọi trường hợp đều phải nêu cao tinh thần tự giác, cẩn trọng.

…nhưng e dè EU

Cùng một “câu chuyện” về dán nhãn “An toàn cá heo” cho sản phẩm cá ngừ XK, song đối với thị trường EU, các DN lại phải tốn thêm không ít công sức, tiền của để có thể đáp ứng. Ông Nguyễn Đình Hậu cho biết: Hiện nay, chỉ khoảng 2% cá ngừ của Công ty XK vào EU. Mặc dù cả Mỹ và EU đều là những thị trường lớn, giàu tiềm năng nhưng khác biệt điển hình là khi XK vào EU, DN cần một tổ chức mang tính chất là bên thứ ba chứng minh DN đủ điều kiện dán nhãn “An toàn cá heo”. Trên thế giới hiện nay có 4 tổ chức lớn được quốc tế công nhận có thể đảm nhiệm vai trò này.

Nếu DN được các tổ chức này chứng nhận, tên DN có thể được đăng tải trên website của tổ chức và khi sản phẩm cá ngừ XK vào EU sẽ được thị trường chấp thuận. Tuy nhiên, vấn đề khúc mắc là muốn được tổ chức chứng nhận, đăng tải tên DN trên website, DN sẽ phải đóng mức phí đáng kể. Quan trọng hơn, ngoài chi phí, tính cần thiết, minh bạch của hoạt động này cũng là vấn đề khiến không ít DN băn khoăn. Đối với Công ty Thủy sản Bền Vững, DN lựa chọn phương án XK cá ngừ tươi cho những khách hàng không thực sự cần thiết và không yêu cầu phải dán nhãn “An toàn cá heo”.

Về vấn đề này, đại diện Vinatuna phân tích: Hiện nay, muốn XK cá ngừ vào EU, Earth Island (Earth Island Institute - EII) là một trong những tổ chức có đủ điều kiện chứng nhận DN đủ điều kiện dán nhãn “An toàn cá heo”. Cả nước hiện có khoảng 14 DN được chứng nhận. Tổng chi phí mỗi DN phải đóng cho EII để duy trì việc chứng nhận này khoảng 5.000-6.000 USD/năm, trong đó bao gồm các loại phí như: Phí thường niên, phí đánh giá DN, phí đánh giá tại cảng… Đối với những DN lớn, số tiền trên DN có thể chịu được, song với các DN nhỏ, đây là con số đáng kể, bởi theo quy định của EU, không chỉ các DN trực tiếp XK cá ngừ sang EU mới phải đáp ứng quy định mà ngay cả những DN nhỏ hơn, chỉ làm công tác cung ứng nguyên liệu cũng phải đáp ứng.

Bày tỏ những lo ngại để đáp ứng quy định dãn nhãn “An toàn cá heo” khi XK vào EU, đại diện một số DN khẳng định, quy định là áp dụng chung cho tất cả các thị trường nên DN phải tuân thủ. Tuy nhiên, DN cũng phải tự cân đối các yếu tố. Nếu cảm thấy quá khó khăn, không đủ sức để XK vào thị trường lớn, yêu cầu cao về chất lượng như Mỹ, EU thì DN có thể chuyển hướng để tiếp cận, khai thác những thị trường khác “dễ tính” hơn như Trung Đông, châu Phi, châu Á…

Theo Thanh Nguyễn

Báo hải quan

Trở lên trên