MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân ở chung cư mòn mỏi chờ 'sổ hồng'

06-06-2022 - 08:12 AM | Bất động sản

Dân ở chung cư mòn mỏi chờ 'sổ hồng'

Hàng chục dự án xây chung cư tại TPHCM với khoảng 50.000 căn hộ đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua. Thế nhưng, đến nay người dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) khiến người dân và cả chủ đầu tư gặp không ít khó khăn.

Chị Diệu Anh, sống tại chung cư Lexington Residence (phường An Phú, thành phố Thủ Đức) cho biết, chị mua căn hộ tại dự án này trước năm 2015 nhưng đến nay chưa được cấp sổ hồng. Dự án với hơn 1.000 căn hộ, sau khi bàn giao nhà, chủ đầu tư đã thu 99% giá trị hợp đồng. Theo quy định chỉ sau 1 năm nhận nhà, chủ đầu tư sẽ làm sổ hồng cho cư dân. Nhưng đợi 7 năm vẫn chưa có sổ, dù người dân đã nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng.

Đầu năm 2021, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TPHCM có văn bản nói đủ điều kiện để cấp sổ hồng, bà con vui mừng làm hồ sơ. Thế nhưng đến cuối năm 2021, Văn phòng Quản lý đất đai trả lời chưa được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Trong khi đó, chủ đầu tư dự án đã đồng ý đóng tiền thuế theo yêu cầu của Nhà nước để tiến hành làm sổ hồng cho khách hàng, thậm chí DN sẵn sàng nộp tiền trước nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý. "TPHCM đã có chủ trương tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, khiến nhiều cư dân bức xúc", chị Diệu Anh nói.

Dân ở chung cư mòn mỏi chờ sổ hồng - Ảnh 1.

Cư dân chung cư 4S Linh Đông căng băng rôn đòi sổ hồng và nhiều vấn đề khác

Chung cư 4S Linh Đông (phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức) cũng trong tình trạng tương tự. Bà Trần Thị Thanh Loan, Trưởng Ban quản trị chung cư này cho biết, nơi đây gồm cụm 4 chung cư được Sở Xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 8/2018. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến năm 2017 chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho cư dân. Cách đây 2-3 năm, cư dân rất bức xúc treo băng rôn đòi sổ hồng và nhiều yêu cầu khác. "Có một hộ dân đã gửi hơn 600 lá đơn đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết", bà Loan nói.

Những năm qua, các hộ dân sống tại chung cư Saigon Gateway (phường Hiệp Phú, thành phố Thủ Đức) liên tục gửi đơn cầu cứu khắp nơi, bởi năm 2019, họ nhận nhà từ chủ đầu tư là Công ty Hiệp Phú Land để người dân vào ở. Thế nhưng từ đó tới nay, chủ đầu tư không bàn giao sổ hồng cho khách hàng. Những kiến nghị của cư dân gửi chủ đầu tư, chính quyền đến nay đều không có kết quả.

Tại dự án Him Lam Phú An (Thủ Đức), 1.029 căn hộ do Công ty CP Địa ốc Him Lam đầu tư được bàn giao từ năm 2018 nhưng vẫn đang "treo" sổ hồng. Nguyên nhân, việc định giá hơn 1.000 m2 đất của tầng hầm giữ ô tô chung cư chưa được thẩm định giá để chủ đầu tư đóng tiền. Chung cư Đức Khải (quận 7) có hơn 10.000 căn hộ, được giao nhà hơn 7 năm nay nhưng vẫn còn hàng ngàn căn hộ chưa làm thủ tục cấp sổ hồng, do sai sót của chủ đầu tư khi xây dựng dự án.

Chủ đầu tư lo

Cư dân tại chung cư Gateway Thảo Điền (phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) cũng cùng cảnh ngộ khi nhận nhà từ tháng 4/2018, thanh toán 95% giá trị hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng, do dự án có diện tích khối đế vượt diện tích tầng hầm. Chủ đầu tư dự án nhiều lần có văn bản xin được đóng tiền sử dụng đất bổ sung để cơ quan chức năng cấp sổ hồng cho khách hàng nhưng không được chấp nhận.

Chung cư Minh Thành (phường Tân Quy, quận 7) đưa vào sử dụng từ năm 2008 và đến nay, tất cả chủ sở hữu căn hộ cũng vẫn chưa được nhận sổ hồng, dù đã đóng hết tiền mua nhà. Ông Bùi Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Minh Thành cho biết, hồ sơ cấp sổ hồng cho cư dân bị vướng do nhập nhằng việc xác định đất ở hay thương mại. Lãnh đạo TPHCM và quận 7 đã tổ chức nhiều cuộc họp giải quyết nhưng chưa có kết quả. Ông Minh đề nghị Sở TNMT TPHCM sớm hoàn thành thủ tục liên quan để công ty nộp hồ sơ xin cấp sổ hồng cho cư dân. Việc chậm trễ khiến giá trị thương mại căn hộ giảm, người dân gặp khó khăn khi muốn mua bán, sang nhượng, vay vốn ngân hàng.

Tập đoàn Hưng Thịnh đến nay có rất nhiều dự án dù đã giao nhà và cư dân vào ở rất lâu nhưng sổ hồng vẫn chưa được cấp, vì những bất cập từ các quy định của pháp luật. Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, DN này có 13 dự án với 8.791 căn hộ chưa được cấp sổ hồng, hầu hết vướng mắc ở khâu xác định tiền sử dụng đất. Những tắc nghẽn này hiện nằm ở Sở TNMT TPHCM. Ông Dũng dẫn chứng tại chung cư Lavita Garden (Thủ Đức), khi thủ tục thẩm định giá đất được triển khai từ cuối năm 2015, Sở TNMT đã 4 lần trình phương án giá đất lên Hội đồng thẩm định giá đất TPHCM, song đến nay vẫn chưa được thông qua.

Nên áp dụng hệ số K

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, đến nay có những dự án hơn 20 năm vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất, nên không thể cấp sổ hồng cho người mua. TPHCM đã có nhiều cuộc họp trực tiếp với DN, người dân để giải quyết vấn đề này nhưng việc vẫn bế tắc. Có điểm chung là hồ sơ trình lên Sở TNMT xin được cấp sổ hồng rất chậm đều được giải quyết.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nguyên nhân khiến việc cấp sổ hồng tại các chung cư bị chậm là vướng mắc trong xác định tiền sử dụng đất. Vừa qua, Hội đồng thẩm định giá đất đã có đề xuất với UBND TPHCM phương thức tính tiền sử dụng đất nên áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Nếu áp dụng được hệ số K này thì việc tính tiền sử dụng đất đang kéo dài 3-5 năm chỉ còn 10-15 ngày làm việc. Điều này liên quan đến việc phải sửa đổi khoản 2 điều 18 Nghị định 44 năm 2014 của Chính phủ. HoREA kiến nghị Chính phủ giao toàn quyền cho cấp tỉnh ban hành bảng giá đất phù hợp với điều kiện của địa phương và hệ số K. Nếu những điều này được thông qua, việc tính tiền sử dụng đất sẽ được triển khai nhanh chóng, dễ dàng hơn. Từ đó công tác cấp sổ hồng tại các chung cư cũng đẩy nhanh hơn rất nhiều so với hiện nay.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT TPHCM cho biết, từ năm 2022 đến 2025, thành phố sẽ giải quyết dứt điểm 50.000 căn còn tồn đọng của các dự án chung cư xây dựng trong giai đoạn trước đó nhưng chưa được cấp sổ hồng.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, mức phạt chủ đầu tư chậm làm thủ tục để cấp sổ hồng theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP cao nhất 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức phạt này chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần phải kèm thêm những chế tài khác mạnh mẽ hơn.

Theo Duy Quang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên