Dân số già, đất nghĩa trang lại đắt, Trung Quốc sáng tạo dịch vụ an táng số, đặt mục tiêu giảm 70% diện tích đất sử dụng của các nghĩa trang
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, việc đầu cơ và dân số đông đang già hóa đã khiến đất nghĩa trang ở Trung Quốc trở nên khan hiếm và đắt đỏ.
Ngày nay, khi một người qua đời ở Trung Quốc, họ thường được hỏa táng nhưng hình thức chôn cất quan tài dưới lòng đất vẫn đóng vai trò quan trọng trong các nghi thức tang lễ. Do đó, việc thay đổi phong tục lâu đời xoay quanh việc thờ cúng tổ tiên, vốn đã có từ hơn 2.500 năm trước ở Trung Quốc, là điều khó khăn.
Mặt khác, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, việc đầu cơ và dân số đông đang già hóa đã khiến đất nghĩa trang ở Trung Quốc trở nên khan hiếm và đắt đỏ.
Theo một báo cáo mới của Bloomberg , nhiều năm qua, Trung Quốc đã bắt đầu khuyến khích mọi người để tang người thân trong các không gian kỹ thuật số thay vì các địa điểm chôn cất truyền thống.
Kế hoạch của Trung Quốc là đến năm 2035 giảm 70% diện tích sử dụng đất của các nghĩa trang công cộng.
“Đám tang kỹ thuật số” là gì?
Nghĩa trang Taiziyu ở Bắc Kinh là nơi có các ngăn chứa tro cốt đồng thời hiển thị hình ảnh và video kỹ thuật số của người quá cố trên cửa ra vào. Kể từ đầu năm 2023, hơn 500 vị trí chôn cất kỹ thuật số như vậy đã được mua và sử dụng.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng khuyến khích hình thức “chôn cất xanh”, trong đó tro cốt của người quá cố được chôn cất miễn phí mà không cần bia mộ. Người thân của họ nhận được một tấm bảng tưởng niệm chứa mã QR, nơi họ có thể quét để đọc thông tin về người đã khuất.
Ngoài ra, theo kênh tin tức địa phương CGTN , chính phủ Trung Quốc cũng tài trợ cho chương trình khuyến khích các gia đình rải tro của người quá cố trên biển thay vì chôn cất trong nghĩa trang hay khu đất riêng.
Bắc Kinh không phải là thành phố duy nhất ở Trung Quốc nơi chôn cất kỹ thuật số đang trở nên phổ biến. Tại Thượng Hải, một lăng mộ trực tuyến có tên Fu Shou Yuan mới hoạt động gần đây cho phép mọi người tiến hành lễ an táng kỹ thuật số cho người thân.
Chương trình "Heaven on the Cloud" của Fu Shou Yuan cho phép mọi người tạo ra "hòn đảo ảo" bằng hình ảnh, tài sản kỹ thuật số và tệp âm thanh của người đã khuất.
Trong khi đó, nghĩa trang Anxian Yuan ở tỉnh Chiết Giang cung cấp một ứng dụng mà các gia đình có thể sử dụng để quét mã QR trên cây hoặc vật cố định khác gần nơi chôn cất người thân của họ. Thay vì chăm sóc một ngôi mộ thực sự, họ có thể thắp nến, nén hương hoặc để lại bông hoa kỹ thuật số cho người đã khuất.
Lợi ích của đám tang kỹ thuật số
Theo báo cáo của công ty bảo hiểm nhân thọ SunLife (Anh), trung bình một đám tang ở Trung Quốc tiêu tốn khoảng 5.400 USD (khoảng 128 triệu đồng) và mọi người chi hơn 45% tiền lương trung bình hàng năm để đi viếng đám tang. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với người Mỹ là 12% và đối với dân số toàn cầu là khoảng 10%.
Theo Bloomberg , một ngôi mộ kỹ thuật số tại nghĩa trang Taiziyu ở Bắc Kinh có giá hơn 7.700 USD (tương đương 183 triệu đồng), chỉ bằng 1/3 chi phí của một khu chôn cất ngoài trời trong cùng khu vực.
Việc chôn cất kỹ thuật số cũng tiết kiệm không gian. Bloomberg cho biết một nghĩa trang kỹ thuật số rộng khoảng 20 mét vuông có thể chứa hơn 150 ngôi mộ kỹ thuật số trong khi một địa điểm có kích thước tương tự chỉ có thể chứa 5 ngôi mộ truyền thống.
Nhịp sống thị trường