Dân trồng cà phê ở Tây Nguyên mất trắng vụ 2016 do hạn nặng?
Mặc dù diễn biến giá cà phê thế giới cũng như trong nước đang theo chiều hướng tích cực tuy nhiên người trồng cà phê năm nay đang đối diện với một vụ mùa thất nặng do tác động từ hạn hán vừa qua.
- 18-07-2016Sự thật về cà phê “nguyên chất”
- 18-07-2016Nhiều mẫu cà phê không có caffeine
- 04-07-2016Xuất khẩu nhiều thứ 2 thế giới những vẫn thiếu bản sắc, cà phê Việt đang thua đau
- 27-06-2016Giá cà phê trong nước chạm “đỉnh”
Dù hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa, nhiều diện tích cây trồng trong đó có cây cà phê đã được “cứu khát”, tuy nhiên tình trạng mất mùa nặng thậm chí mất trắng vụ mùa cà phê năm nay là khó tránh khỏi.
Gia đình cô An ở Krông Pắc, Đắc Lắc có gần nửa ha cây cà phê. Những năm trước, năng suất cà phê đạt khoảng 1-1,2 tấn. Đợt hạn hán vừa qua, nhà cô đã phải thuê khoan giếng để lấy nước tưới với chi phí hơn 20 triệu đồng.
“Mặc dù vẫn duy trì được nước tưới tuy nhiên do hạn nặng nên sản lượng cà phê mùa này chắc cũng sụt giảm khoảng 30-40%”, cô An chia sẻ với phóng viên qua điện thoại.
Hiện giá cà phê nhân xô trong nước đang ở mức 37.000-38.000 đồng/kg. Với mức giá này cùng với sản lượng cà phê sụt giảm mạnh, thêm vào đó là nhiều khoản chi phí đầu vào nữa thì khả năng vụ cà phê năm nay nhà cô An chỉ hòa vốn.
Hòa vốn với người trồng cà phê bị ảnh hưởng do đợt hạn nặng vừa qua đã là điều may mắn bởi không ít hộ còn gần như mất trắng vì cây trồng bị chết hàng loạt do “khát” nước.
Gia đình anh Han Jiung, ở Yunpa, Gia Lai là một ví dụ. Nhà anh trồng 1.000 cây cà phê. Mọi năm năng suất đạt khoảng 10 tấn cà phê tươi. Anh Jiung cho biết, sau đợt hạn hán vừa qua, sản lượng vụ mùa năm 2016 dự kiến giảm tới 80%.
Trao đổi qua điện thoại, anh Jiung cho biết vụ mùa năm nay không chỉ riêng gia đình anh mà rất nhiều hộ ở Gia Lai đều chung tình trạng cây cà phê chết hàng loạt. Lượng cà phê thu về chắc chắn không đủ trang trải chi phí “cứu” cây và thuê nhân công…
Không chỉ người dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đang đối diện với một vụ mùa mất mát do hạn hán mà ngay cả người trồng cà phê ở một số tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Phước… cũng khốn khó bởi nắng hạn.
Theo ghi nhận thực thế của phóng viên ở nhiều vườn cà phê tại Bù Đăng, Bình Phước, mặc dù không xảy ra tình trạng vườn cây bị chết khô hàng loạt nhưng ảnh hưởng từ đợt hán vừa qua là không hề nhỏ. Bà con tại đây cho biết sản lượng mùa 2016 sẽ giảm khoảng 30% thậm chí lên đến 50% bởi tình trạng khô, rụng trái non do thiếu nước tưới.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hạn hán nặng nhất trong khoảng 30 năm qua đã đe dọa thiếu nước tưới cho khoảng hơn 160.000 ha, trong đó khoảng hơn 40.000 ha cây cà phê bị chết.
Cũng theo Vicofa, xuất khẩu cà phê năm 2016 của Việt Nam có thể sụt giảm 25%, đây là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Sản lượng giảm mạnh, giá tuy có tăng nhưng chưa mạnh đang khiến người trồng cà phê trong nước đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Hiện ở Tây Nguyên và một số tỉnh thành trồng cà phê đã và đang xuất hiện tình trạng thay vì tái canh thì người dân chặt bỏ cây cà phê để chuyển đổi sang cây trồng khác có giá thị trường hiện ở mức cao. Tuy nhiên, điều này được nhận định sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối, phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu cây trồng…
BizLIVE