Dân văn phòng chán việc, chán sếp nhưng không dám nộp đơn xin nghỉ: “Sợ công việc mới không đủ sống”
Nhiều người chần chừ chưa nộp đơn xin nghỉ vì lo sợ không đủ tiền sống cho đến khi tìm thấy công việc mới.
- 11-04-2024Dân văn phòng trần tình khoản chi bỏ ngay sau khi thất nghiệp: Không còn tập gym, cắt hết tiền ăn ngoài, chỉ tiêu 4 triệu đồng/tháng
- 02-04-2024Clip giờ ăn trưa biến thành "cực hình" của dân văn phòng: Trùm kín mít, chỉ dám ăn trong vòng 5-7 phút để vượt qua cái nắng
- 26-03-2024Dân văn phòng trần tình về những khoản chi nhỏ nhưng lại gây tốn kém bất ngờ
Người ta thường nói: Nhảy việc là cơ hội để bạn tăng lương. Tuy nhiên, giữa thời buổi kinh tế khó khăn, không phải nhân sự nào cũng may mắn tìm thấy lời mời công việc tốt hơn, đi kèm thu nhập rủng rỉnh. Cũng vì thế, họ chấp nhận ở lại công ty cũ, dù đã chán việc và chán sếp, vì sợ sẽ không gánh nổi áp lực tài chính cho mỗi đợt nhảy việc.
Chán việc, chán sếp nhưng không dám nộp đơn xin nghỉ
Đoan Trang (27 tuổi, TP.HCM) đang làm việc tại một agency quảng cáo. Dù ngày nào đi làm cũng suy nghĩ đến chuyện nộp đơn xin nghỉ, nhưng cô bạn vẫn dám chưa ngỏ lời với sếp.
Đoan Trang cho biết: “Mình muốn xin nghỉ việc vì 3 lý do. Thứ nhất đến từ tiền lương bị cắt giảm. Ngày trước tiền lương là 25 triệu đồng/tháng thì giờ giảm đến 20 - 30%.
Thứ hai đến từ việc thay đổi cấp trên. Sếp cũ chuyển đi chỗ mới nên mình phải làm việc với sếp khác. Đáng tiếc là mình không phù hợp định hướng công việc và cách giao tiếp giữa các phòng ban của sếp mới này nên thấy đi làm vô cùng áp lực.
Thứ ba là khối lượng công việc nặng nhưng yêu cầu dành cho nhân viên khắt khe. Khoảng 1 năm gần đây, mình thường xuyên phải làm OT nhưng không có khoản bù thêm, nhưng chỉ đi muộn vài phút là bị phạt tiền rất nặng và ảnh hưởng đến cả thăng tiến. Lần gần nhất OT là mình rời công ty lúc 10h đêm. Sau đó về nhà là 11h, ăn uống và nghỉ ngơi đến 12h đêm rồi lại ngồi vào bàn làm nốt đến 2h sáng. Mỗi lần phải OT đến khuya thì mình luôn nghĩ: Mình đang làm vì cái gì? Cứ định sống tiếp như vậy à?”.
Chán công việc là vậy nhưng Đoan Trang không dám nghỉ việc vì quỹ tiết kiệm chưa đủ mạnh và nỗi lo lắng sẽ không tìm được việc lương cao hơn giữa lúc kinh tế suy thoái. “Thời buổi thị trường việc làm khó khăn, muốn nghỉ việc thì cũng phải đắn đo lắm”, Đoan Trang thở dài chia sẻ.
Sợ công ty mới trả lương thấp hơn
Cũng trong tâm trạng muốn nhảy việc lắm rồi nhưng ví tiền vẫn “nói không” là Đoàn Thảo (26 tuổi, TP.HCM) đang làm Kế toán. Từ đầu tháng 3, cô bạn đã liên tục rải CV để tìm kiếm công việc có lương tốt và môi trường thoải mái hơn nhưng chưa tìm thấy bến đỗ phù hợp.
Đoàn Thảo chia sẻ tình cảnh gặp phải: “Mọi người hay đồn nhảy việc là lương tăng nhưng sao với mình thì lại giảm xuống? Lương ở công ty hiện tại là 20 triệu đồng/tháng, chưa tính thưởng quý. Mà mình đi phỏng vấn thì toàn gặp nhà tuyển dụng deal lương xuống còn 15-18 triệu đồng/tháng.
Chính tiền lương này mới là yếu tố khiến mình chần chừ chưa rời công ty. Công việc hiện tại dù văn hóa nội bộ không tốt, phòng ban chia bè phái nhưng đổi lại mức lương khá, giờ giấc linh hoạt. Nếu đặt bàn cân lên một công việc thoải mái nhưng lương thấp với vị trí lương cao nhưng môi trường áp lực, mình sẽ chọn vế 2. Thời buổi kinh tế khó khăn, chỉ có công việc lương cao mới đủ khiến mình yên tâm được”.
Có quan điểm cho rằng, mọi người có thể an tâm nhảy việc khi có quỹ dự phòng là 3-6 tháng chi phí sinh hoạt. Còn về phía Đoàn Thảo, quỹ này của cô thậm chí còn đạt hơn 1 năm chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, cô cho biết bản thân không có nhu cầu nhảy việc để nghỉ ngơi, mà cần tìm kiếm công ty khác trao lại mức lương cao hơn. Giữa tình hình tìm việc khó khăn, Đoàn Thảo sẽ thấy không yên tâm nếu như nhảy việc mà chưa tìm thấy vị trí mới.
“Mình là người hay lo xa. Do đó, chỉ trừ trường hợp khẩn cấp lắm mình mới đụng tới quỹ dự phòng. Còn nếu giờ mình vẫn thấy ổn với công ty hiện tại, thì mình sẽ tiếp tục làm tại đây, cho đến khi phát hiện cơ hội tốt hơn”.
Chuẩn bị tài chính như thế nào cho mỗi đợt nhảy việc?
Đoan Trang chia sẻ, cách đây không lâu, cô cũng từng xin nghỉ việc để nghỉ ngơi một thời gian. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Đoan Trang đã thấy hối hận khi nhìn thấy ví tiền dần vơi bớt, trong khi bản thân chưa tìm thấy việc mới phù hợp.
“Có một thời gian nghỉ việc, mình đã rất thoải mái. Thậm chí sự thoải mái và vòng tròn an toàn đó kéo dài trong 2 tháng liền. Và chỉ tới lúc, nhìn lại số dư trong tài khoản ngân hàng, mình mới phát hiện, chúng ta nghỉ việc xong mà sướng là vì còn tiền tiết kiệm thôi. Khi hết tiền, chúng ta lại bước sang giai đoạn đau đầu khác”, Đoan Trang nhớ lại.
Cô bạn nói thêm, nếu nghỉ việc và cố gắng cắt giảm tối đa chi tiêu thì bản thân vẫn sẽ còn nhiều khoản chi phí cố định cần lo lắng khác, bao gồm: Tiền nhà (4 triệu đồng), Tiền ăn (3 triệu), Tiền nuôi 1 chú chó (1 triệu đồng), Tiền gửi về phụ bố mẹ (2 triệu đồng), Tiền di chuyển và mỹ phẩm, quần áo: 2 triệu đồng.
“Nhìn những khoản chi tiêu trên, mình càng có động lực để tiếp tục làm việc ở công ty cũ. Khi nào tài khoản dành cho nghỉ việc đạt 100 triệu đồng, mình mới nhắn tin xin sếp nghỉ việc và dành thời gian cho bản thân”, cô bạn nói.
Còn về phía Đoàn Thảo, cô cho hay bản thân chính là một “chứng sĩ” đã bị sóng đánh gục khi thị trường chứng khoán đi xuống vào đầu năm nay. Chưa có quỹ tiết kiệm lớn, trong khi tiền đầu tư từ chứng khoán giảm là nguyên nhân khiến cô chần chừ đưa ra quyết định xin nghỉ việc.
“Mình chỉ xin nghỉ việc, khi có một trong hai khoản tiền là từ đầu tư hay làm việc văn phòng. Giữa lúc kinh tế khó khăn, cả hai nguồn thu nhập đều mất đi sẽ rất ‘nguy hiểm’, đặc biệt là khi bản thân làm ăn xa nhà, không dựa dẫm được vào bố mẹ”, Đoàn Thảo cho hay.
Phụ nữ số