Dân văn phòng có 1 khoản chi tiêu nhìn thì lặt vặt nhưng khiến họ mãi chẳng đạt mục tiêu tiết kiệm nổi, cuối tháng nhìn lại tổng tiền tiêu lại là con số không hề bé nhỏ
Đừng xem thường những khoản chi nhỏ bởi chúng có thể khiến tình hình tài chính của bạn tệ đi.
- 11-06-2024Tuổi 30 từ bỏ việc văn phòng để tất tay mở shop khởi nghiệp: Học phí cho kinh nghiệm lần này của bạn là 100 triệu!
- 05-06-2024Giới trẻ bỗng dưng cuồng trend cắm buồng chuối ở văn phòng để ‘chữa lành’, shop trên Taobao bán 20.000 nải vẫn không đủ: Chỉ cần ăn 1 quả là vơi đi nỗi buồn
- 03-06-2024Nữ nhân viên văn phòng 40 tuổi, độc thân, lương 20 triệu đồng mua nhà gần 2 tỷ đồng - Bí quyết là mang cơm đi làm và không xem livestream!
Đôi khi, bạn có thể cảm thấy vung tiền cho những khoản chi tiêu vụt vặt, chỉ tốn vài chục ngàn đồng không thể khiến mình nghèo đi. Tuy nhiên, "tích tiểu thành đại", về lâu dài chúng sẽ gộp thành khoản tiêu dùng khổng lồ, chiếm phần lớn trong lương hàng tháng, thậm chí khiến bạn rơi vào vòng xoáy kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu.
Và có hẳn một hiệu ứng để miêu tả tình trạng không mấy tích cực này, đó là Latte Factor (Hiệu ứng Latte). Hiệu ứng này nhằm ám chỉ những khoản chi tiêu thường xuyên, có giá trị nhỏ nhặt khác nhau sẽ gộp thành khoản chi lớn ngoài sức tưởng tượng, từ đó tác động tiêu cực đến tài chính của chúng ta.
Khoản chi tưởng nhỏ nhưng ngốn bộn tiền
Giang Lê (23 tuổi) là kiểu không chịu được nếu trong lúc làm việc không có đồ uống. Thế nên hầu như ngày nào cô nàng cũng phải giao hàng nước uống từ bên ngoài, hôm thì trà sữa, hôm thì cafe, sữa chua uống, hoặc các loại nước giải khát có vị. Bên cạnh đó, cô nàng còn rất ít khi nấu ăn ở nhà do vừa sợ mất thời gian chuẩn bị vừa ngại lúc đi làm phải tay xách nách mang nhiều đồ đạc. Vì thế, hầu như bữa trưa nào cô cũng chọn ăn ngoài.
"Tính ra lương 5 triệu, nhưng 1 ngày mình phải tiêu từ 100-150 ngàn/ ngày cho đồ ăn đấy chứ. Vì tính cả ăn sáng, ăn trưa và đồ uống nữa" , Giang Lê chia sẻ. Song, để có thể chi tiêu như vậy bởi vì cô bạn 23 tuổi không chỉ thu nhập 1 nguồn, mà còn nguồn thụ động khác ngoài công việc chính nên khoản chi này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Ảnh minh họa
Một trường hợp khác, Thuỳ Chi (26 tuổi) lại là người "nghiện" mua sắm mỹ phẩm và đồ skincare. Thuỳ Chi cho hay, trong nửa năm gần đây vào buổi tối rảnh rỗi, thay vì xem phim và đọc sách, cô nàng lại thích theo dõi các kênh dạy makeup.
Với cô nàng, thói quen này có tính 2 mặt. Chúng vừa giúp Thuỳ Chi trở nên xinh đẹp hơn nhờ trình độ makeup tăng cao, song ở diễn biến ngược lại cũng tiêu tốn từ cô nàng bộn tiền lương. Bởi tháng nào Thuỳ Chi cũng dành ít nhất 5 triệu đồng cho tiền mua mỹ phẩm và chăm sóc da mặt. Với người làm công ăn lương như Thuỳ Chi, con số này đáng báo động, đặc biệt là khi cô nàng còn chưa sở hữu tài sản lớn là nhà, đất và xe.
Cô nàng cho hay: "Mình bắt đầu 'cai nghiện' mua sắm bằng cách đặt ra 1 tháng chỉ được phép tiêu bao nhiêu tiền cho mỹ phẩm và chăm sóc da. Thời gian đầu tương đối khó khăn vì mình đã quen vung tiền quá tay, tuy nhiên giờ tình hình tài chính giờ đã bắt đầu đi theo kế hoạch đề ra.
Công tâm mà nói, số tiền đầu tư cho mỹ phẩm và đồ skincare trước đó với mình là cần thiết. Tuy nhiên, mình chỉ được phép dành số tiền lớn như vậy cho mỹ phẩm khi tiền lương đã tăng cao, chứ không phải ở thời điểm lương thấp như hiện tại. Chúng khiến mình nghèo đi và lấy đi không ít cơ hội để có tiền đầu từ vào bản thân, chẳng hạn theo đuổi khoá học hoặc xây dựng quỹ tiết kiệm".
Ảnh minh họa
Không nghiện mua sắm như hai cô nàng trên, Tuấn Dũng (28 tuổi) lại tốn tiền đăng ký dịch vụ ở các nền tảng trả phí, từ nghe nhạc, xem phim cho đến tốn kém nhất là đọc báo nước ngoài. Mỗi tháng, anh cần trả từ 500 ngàn - 700 ngàn đồng cho khoản tiền này - một con số mà chàng trai từng cho rằng không quá lớn.
"Tuy nhiên, có một thời gian vì bận rộn công việc nên mình không vào một số nền tảng trả phí. Cho đến 2-3 tháng sau mình kiểm tra tài khoản ngân hàng thì thấy tiền tự động bị trừ và con số không phải là nhỏ. Lúc này, mình mới nhận ra bản thân đang lãng phí tiền nong như thế nào. Đa số khoản tiền bị trừ hàng tháng rất nhỏ, nhưng tích luỹ qua thời gian lại thành con số khổng lồ và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính", Tuấn Dũng tâm sự.
Làm sao để không "phá sản" vì các khoản chi tiêu lặt vặt?
Để tiết kiệm hơn và không bị hiệu ứng Latte chi phối, điều duy nhất bạn có thể làm chính là kiểm soát chi tiêu. Cụ thể hơn là bạn nên tập thói quen từ bỏ mua sắm những khoản chi không thực sự cần thiết, từ món đồ nhỏ nhặt (chẳng hạn một chiếc váy mới, cốc cà phê xịn xò, thỏi son chỉ quẹt một lần) cho đến các giá trị bền vững (chẳng hạn đầu tư, cổ phiếu, bất động sản, xe cộ).
Tuy nhiên, cần nhớ rằng loại bỏ hiệu ứng Latte không phải là cắt giảm mọi khoản chi mà là đánh giá lại tổng thể tình hình tài chính, loại bỏ những thứ phù phiếm và cắt giảm luôn thứ không mang lại giá trị lâu dài.
Thay vì tiêu tiền cho những khoản chi không thiết yếu cho các nhu cầu như ăn ngoài, mua sắm, hẹn hò,.. bạn hãy thay chúng bằng các lựa chọn ít tốn kém hơn.
Chẳng hạn: Hãy tự nấu ăn ở nhà thay vì đặt đồ bên ngoài; Tự pha cafe thay vì gọi nước; Tắt chế chế độ tự động gia hạn của các tài khoản/app xem phim, đọc báo, chơi game trực tuyến,...; Mua quần áo chất lượng, mặc được lâu thay vì săn sale rồi không sử dụng; Tìm hiểu về đầu tư để bảo vệ tiền và tích lũy tài sản....
Ảnh minh họa
Ramit Sethi, một triệu phú tự thân và là tác giả của cuốn sách tài chính nổi tiếng I Will Teach You To Be Rich (Tôi Sẽ Dạy Bạn Cách Làm Giàu) khuyến nghị nên tạo ra một kế hoạch chi tiêu có ý thức. Với kế hoạch này, bạn sẽ theo dõi 4 khoản chi sau đây:
- Chi phí cố định: Chẳng hạn như tiền thuê nhà, ăn uống, xăng xe,... hoặc các khoản vay.
- Tiết kiệm: Bao gồm quỹ khẩn cấp và tiền cho các kỳ nghỉ.
- Đầu tư: Khoản nghỉ hưu, mua vàng, mua đất,...
- Khoản chi tiêu mà bạn cảm thấy không có lỗi: Chẳng hạn như đặt đồ ăn hoặc mua sắm.
Nếu bạn đặt giới hạn cho những khoản tiền, bạn sẽ có trách nhiệm với tài chính cá nhân và không vung tay vào những khoản chi lặt vặt. Nếu hoàn thành kế hoạch tài chính đề ra, đôi khi bạn có thể tiêu số tiền còn lại của mình cho nhu cầu cá nhân mà không cảm thấy có lỗi với chúng.
Nhịp sống thị trường