MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đang đắt đỏ, món đồ này được Trung Quốc "phù phép" là sản xuất ồ ạt, giá rẻ như cho: Giờ nhà ai cũng có!

04-04-2024 - 06:45 AM | Thị trường

Do Trung Quốc sản xuất quá nhiều, các tấm pin mặt trời giờ đây rẻ đến mức được sử dụng để làm thay hàng rào trong vườn.

Dùng tấm pin mặt trời làm hàng rào

Do sự bùng nổ sản xuất của Trung Quốc khiến thị trường toàn cầu bão hòa, các tấm pin mặt trời giờ đây rẻ đến mức chúng được sử dụng để làm hàng rào trong các khu vườn ở Hà Lan và Đức, trang Financial Times đưa tin.

Theo giới phân tích và các hộ gia đình sử dụng, các tấm này dù thu được ít ánh sáng mặt trời hơn khi được sử dụng làm hàng rào so với đặt trên mái nhà nhưng cách thức mới giúp họ tiết kiệm chi phí hơn.

"Đây là kết quả của việc các tấm pin mặt trời ngày càng rẻ đến mức mọi người lắp đặt chúng ở khắp nơi", Jenny Chase, nhà phân tích năng lượng mặt trời tại BloombergNEF cho biết. "Vì chi phí nhân công, giàn giáo khi lắp đặt trên mái nhà cao nên điều này được coi là hợp lý".

"Tại sao phải dựng hàng rào khi bạn có thể dựng rất nhiều tấm pin mặt trời, ngay cả khi chúng chẳng cần quay mặt hứng ánh sáng?" Martin Brough, người đứng đầu về nghiên cứu khí hậu tại BNP Paribas Exane cho biết.

"Bản thân các tấm pin này cực kỳ rẻ, nên chi phí lắp đặt sẽ khiến nhiều người có suy nghĩ là tự lắp còn hơn".

Đang món đồ đắt đỏ, Trung Quốc

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính, nguồn cung tấm năng lượng mặt trời trên toàn cầu sẽ đạt 1.100 gigawatt vào cuối năm nay, gấp ba lần dự báo nhu cầu hiện tại. Báo cáo cho biết tình trạng dư thừa sản xuất ở Trung Quốc là nguyên nhân thúc đẩy xu hướng.

Bên cạnh đó, quy trình lắp đặt trở nên đắt đỏ hơn, chủ yếu do chi phí lao động tăng cao và việc chờ đợi các tấm pin được kết nối với lưới điện cũng đang thử thách sự kiên nhẫn của ngành công nghiệp và hộ gia đình.

Longi Green Energy Technology của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất tấm nền lớn nhất thế giới, cho biết gần đây họ đã sa thải hàng nghìn công nhân nhà máy do tình trạng dư thừa.

Tại châu Âu, các quan chức ngành đang cảnh báo về những rủi ro mới do ảnh hưởng bởi tình trạng mất việc làm, phá sản và đóng cửa trong những tháng gần đây.

Theo BloombergNEF, một tấm pin mặt trời hiện có giá 11 cent/watt vào cuối tháng 3, tức chỉ bằng một nửa so với cùng thời điểm năm ngoái, và dự kiến sẽ giảm sâu hơn nữa trong "cuộc đua xuống đáy" khi các nhà sản xuất cạnh tranh để khắc phục nguồn cung dư thừa.

Giới phân tích cho biết, dưới "giới hạn đỏ" 15 cent/watt, các công ty sẽ không thể đầu tư nghiêm túc vào sản xuất.

Đang món đồ đắt đỏ, Trung Quốc

Khủng hoảng dư thừa

Hội đồng Sản xuất Năng lượng Mặt trời Châu Âu đã cảnh báo vào tháng 2 rằng các nhà sản xuất tấm pin của Châu Âu sẽ sớm ngừng hoạt động nếu không được cung cấp hỗ trợ khẩn cấp.

Ngay cả ở Mỹ, nơi các nhà sản xuất linh kiện năng lượng mặt trời được tiếp cận các khoản trợ cấp cũng đang gặp khó khăn.

Hàng nhập khẩu từ Đông Nam Á, nơi cung cấp cho Mỹ hầu hết các tấm pin mặt trời, được bán với giá thấp hơn so với các tấm do Mỹ sản xuất, ngay cả khi tính thuế.

Tình trạng dư cung các tấm pin mặt trời giá rẻ của Trung Quốc đang nằm trong tầm ngắm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khi bà tới Trung Quốc trong tuần này để họp với các quan chức hàng đầu.

Phát biểu tại nhà máy pin mặt trời Suniva ở Georgia tuần trước, bà Yellen "lo ngại về sự lan tỏa toàn cầu từ tình trạng dư thừa công suất đang chứng kiến ở Trung Quốc" hiện đang tấn công các ngành năng lượng mới như năng lượng mặt trời, xe điện và pin lithium-ion.

Đang món đồ đắt đỏ, Trung Quốc

Bắc Kinh đang ủng hộ chủ trương "ba ngành công nghiệp mới" là năng lượng mặt trời, xe điện và pin lithium-ion để thúc đẩy nền kinh tế, trong khi nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào bất động sản, hiện đang sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ.

"Tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc làm biến dạng giá cả và mô hình sản xuất toàn cầu, đồng thời gây tổn hại cho các công ty và người lao động Mỹ cũng như các công ty và người lao động trên toàn thế giới", bà Yellen nhận định.

"Tôi sẽ truyền đạt với họ rằng năng lực dư thừa gây ra rủi ro không chỉ cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu mà còn cho năng suất và tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc".

Theo Mạnh Kiên

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên