MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đang livestream chốt đơn 2.435 chiếc áo, người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ ngay tại chỗ: Đường dây lừa đảo hơn 45 tỷ đồng bị phanh phui

04-06-2024 - 23:50 PM | Sống

Đang livestream chốt đơn 2.435 chiếc áo, người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ ngay tại chỗ: Đường dây lừa đảo hơn 45 tỷ đồng bị phanh phui

Sự thật đằng sau 2.435 chiếc áo được rao bán trên livestream của người đàn ông khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Livestream bán hàng là xu hướng kinh doanh được nhiều người lựa chọn vì mang lại lợi nhuận cao. Tại Trung Quốc, hình thức kinh doanh này vẫn đang phát triển mạnh mẽ và là ''mảnh đất màu mỡ'' cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, phương thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều mặt tối, trong đó phải kể đến tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan, khiến người tiêu dùng bất an, lo lắng.  

Cục công an Khố Luân Kỳ (Mông Cổ, Trung Quốc) đã phá thành công vụ án buôn bán hàng giả thông qua một buổi phát sóng trực tiếp (livestream) và bắt giữ 1 nghi phạm liên quan đến số tiền 14 triệu Nhân dân tệ (khoảng 45 tỷ đồng).

Theo đó, năm 2020, Đội điều tra thực phẩm và dược phẩm môi trường của Cục công an Khố Luân Kỳ đã nhận được một thông báo điều tra về vụ án sản xuất và buôn bán hàng giả đã đăng ký của nghi phạm tên là Trương Mỗ Mỗ. Cảnh sát phát hiện, từ đầu năm 2020, nghi phạm họ Trương đã bắt đầu đặt số lượng lớn mặt hàng áo khoác giả của một nhãn hiệu nổi tiếng từ nhà cung cấp ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Theo đó, Trương ủy thác cho nhà cung cấp xử lý nguyên liệu đầu vào mà không có sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký.

Đang livestream chốt đơn 2.435 chiếc áo, người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ ngay tại chỗ: Đường dây lừa đảo hơn 45 tỷ đồng bị phanh phui- Ảnh 1.

Ảnh: Toutiao

Sau đó, Trương tiến hành bán số quần áo làm giả trên nhiều nền tảng, chủ yếu là thông qua hình thức livestream. Trương cũng thuê thêm nhân viên để hỗ trợ việc đóng đơn, livestream và giao hàng. Vì là hàng giả nên những chiếc áo được Trương rao bán có giá bán rẻ hơn so với giá gốc. Với lượng tương tác lớn có sẵn trên các kênh bán hàng, Trương dễ dàng thu về nguồn lợi nhuận ''khủng'' mà biết bao người ao ước. 

Khi một khách hàng nhận được chiếc áo đặt mua trên kênh của Trương, người này phát hiện đã mua phải hàng giả nên lập tức báo cho cơ quan chức năng. Vào tháng 9 năm 2022, cơ quan Công an đã tiến hành bắt giữ nghi phạm họ Trương ngay trong lúc anh ta đang livestream bán hàng. Tại hiện trường, Trương đã bán được 2.435 chiếc áo trên livestream. Cảnh sát còn thu giữ hơn 12.000 chiếc áo khoác có nhãn hiệu của một thương hiệu nổi tiếng. Sau khi kiểm tra, cảnh sát xác nhận nghi phạm họ Trương đã bán hàng giả nhãn hiệu đã đăng ký, với số tiền kinh doanh trái phép hơn 14 triệu Nhân dân tệ. 

Trong quá trình xét xử, Tòa án Tĩnh An (Trung Quốc) cho rằng bị cáo Trương đã cộng tác với những người khác để sử dụng nhãn hiệu giống với nhãn hiệu đã đăng ký mà không có sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký. Ngoài ra, Trương đóng vai trò quan trọng và là thủ phạm chính trong vụ án. Căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng, hành vi của bị cáo Trương đủ yếu tố để cấu thành tội làm giả nhãn hiệu đã đăng ký và phải bị trừng phạt theo pháp luật.

Đang livestream chốt đơn 2.435 chiếc áo, người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ ngay tại chỗ: Đường dây lừa đảo hơn 45 tỷ đồng bị phanh phui- Ảnh 2.

Ảnh: Toutiao

Cuối cùng, Trương bị tòa kết án 6 năm tù giam và nộp phạt 6 triệu Nhân dân tệ (khoảng 19,5 tỷ đồng) vì tội làm hàng giả thương hiệu đã đăng ký. Số tiền bất hợp pháp mà Trương thu được trong quá trình bán hàng đã được thu hồi. Lượng hàng hóa giả cũng bị tịch thu ngay sau đó. 

Phía Tòa án Tòa án Tĩnh An (Trung Quốc) cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các chức năng tư pháp, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trừng phạt nghiêm khắc các tội phạm liên quan đến sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trấn áp các hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, để tạo môi trường kinh doanh tốt.

Với sự phát triển không ngừng của thương mại điện tử, bán hàng online là hình thức kinh doanh ''kiếm bộn tiền'' được nhiều người lựa chọn. Nhờ chi phí vận hành thấp mà tỷ suất lợi nhuận lớn nên nhiều thương nhân mạo hiểm sản xuất và bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc sản xuất và bán hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh của các thương hiệu hợp pháp mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các cá nhân, tổ chức vi phạm không chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự mà trong trường hợp nghiêm trọng còn có thể phải chịu trách nhiệm hành chính, thậm chí là hình sự.

Theo Toutiao

Khuê Hiền

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên