Đằng sau câu chuyện iPhone liên tiếp đạt kỷ lục tại các kỳ bán ở Việt Nam
Apple thường bị cho rằng không giải quyết được thị trường điện thoại tầm trung và cấp thấp. Nhưng vì sao người dùng các thị trường mới nổi vẫn sẵn sàng chi gấp 10 lần so với thiết bị hãng khác, để sở hữu iPhone?
- 24-10-2021Thái Nguyên xin hỗ trợ 950 tỷ đồng nhằm xây 7km vành đai V vùng Thủ đô
- 18-09-2021Người dân Singapore cần làm việc 6 ngày, Malaysia cần 34 ngày, còn người Việt mất bao lâu để đủ tiền mua iPhone 13 Pro?
- 03-07-2021Samsung có kế hoạch bán mảng gia công linh kiện iPhone tại Việt Nam
Kể từ đêm 21/10, các mẫu iPhone 13 series chính hãng lên kệ và mở bán tại thị trường Việt Nam sau hơn 1 tháng kể từ ngày ra mắt. Doanh số bán hàng tăng vọt, lập nhiều kỷ lục đáng nể, cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực của thị trường smartphone cuối năm sau tác động của đại dịch.
Theo đại diện FPT Shop, ghi nhận trong ngày đầu bán ra iPhone 13 Series hôm 22/10, FPT Shop và F.Studio by FPT đã thu về gần 200 tỷ đồng khi bán ra gần 5.000 máy, phá vỡ kỷ lục trong tất cả các kỳ mở bán.
Từ khi ra mắt đến nay, Apple thường bị cho rằng không giải quyết được thị trường điện thoại tầm trung và cấp thấp, trong khi phân khúc thiết bị này đang phát triển mạnh mẽ ở các thị trường mới nổi. Song, ngay cả khi "ông lớn" này tập trung vào định giá cao cấp cho iPhone, thì người dùng khu vực châu Á cũng sẵn sàng chi tiêu hơn gấp 10 lần so với các thiết bị hãng khác.
Tại các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Indonesia... smartphone không được trợ giá rộng rãi. Thậm chí tính đến hiện tại, khu vực này chỉ có 3 Apple Store, trong đó Singapore có 2 cửa hàng, Thái Lan có 1.
Đáng chú ý, ngay cả không có Apple Store, thì thời gian vừa qua, các hệ thống bán lẻ Việt Nam đã "chạy đua" để mở rộng chuỗi Mono Store.
Mono Store là cửa hàng chuyên biệt, chỉ bán sản phẩm Apple, được hãng trực tiếp thiết kế, đầu tư và được ví như Apple Store thu nhỏ. Có hai loại Mono Store là AAR (Apple Authorized Reseller) với diện tích tối thiểu 50 m2 và APR (Apple Premium Reseller) diện tích khoảng 180-220 m2.
iPhone vẫn ngày một "hút" tại thị trường Việt
Vài năm trước, cụm từ "iPhone killer" (sát thủ iPhone) được cho là rất phổ biến với các hãng di động Android lớn. Tuy nhiên, phần lớn những "sát thủ" này đến nay đều đã rời bỏ thị trường, trong khi doanh số iPhone ngày một tăng mạnh ở Việt Nam.
Theo thống kê của một hãng nghiên cứu thị trường, thị phần iPhone tháng 12/2020 tại Hà Nội đã vọt lên mức 13,6%, tiệm cận doanh số của hãng đứng thứ 3 tại Việt Nam. Con số này chỉ ở mức lần lượt là 8,6% và 5,2% hồi tháng 11 và tháng 10 trước đó. Điều này có thể thấy, người dùng Việt Nam rất nóng lòng trước sự xuất hiện của những chiếc iPhone thế hệ mới.
Như đã đề cập trước đó, Apple chỉ bán các dòng sản phẩm cao cấp (giá trên 10 triệu đồng). Bên cạnh đó, hãng vẫn chưa đi vào vào thị trường Đông Nam Á, chủ yếu do đang tập trung vào Trung Quốc và Nhật Bản. Các chuyên gia cho rằng, điều này là do mức lương trung bình thấp, cũng như việc thiếu trợ cấp của các nhà cung cấp dịch vụ.
Đến năm 2021, những "sát thủ" như LG, HTC đã lần lượt rời bỏ thị trường. Tương tự các hãng như Sony, Oppo, Xiaomi... cũng chưa có dấu hiệu bứt phá.
Tại Việt Nam, doanh số smartphone hàng năm đã tăng gấp 3 lần từ năm 2009 đến năm 2015. Sau đó, thị trường bắt đầu ổn định với mức tăng khoảng 1,5 triệu chiếc mỗi năm. Vào năm 2020, khoảng 1,38 tỷ smartphone đã được bán trên toàn thế giới, và con số sẽ tiếp tục tăng vào năm 2021 với số lượng dự đoán là hơn 1,53 tỷ chiếc.
Tính đến tháng 5/2021, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về lượng người dùng smartphone với gần 912 triệu. Mặc dù số lượng chưa bằng một nửa của Trung Quốc nhưng Ấn Độ đứng thứ hai với hơn 439 triệu người dùng. Theo Statista, hai quốc gia này sẽ tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng vì dân số khổng lồ và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, với tỷ lệ sử dụng smartphone tương đối thấp.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam là hai thị trường có lượng người dùng cao nhất. Indonesia có tới 160,2 triệu người dùng smartphone và đứng thứ tư trong danh sách. Việt Nam có 61,37 triệu người dùng, nằm trong top 10 quốc gia có số lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới. Philippines và Thái Lan có số lượng người dùng thấp hơn, lần lượt là 41,3 triệu và 37,8 triệu.
Xét về thị phần, theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, thị phần của iPhone tại Việt Nam là 9,9%, so với mức 31% của Samsung, 20% của Oppo và 10,2% của Vivo. Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2021, thị phần của iPhone đạt mức 11%.
11% thị phần đồng nghĩa Apple cho lên kệ 140.000 điện thoại iPhone tại Việt Nam/tháng. Đây được xem là con số rất ấn tượng, bởi danh mục sản phẩm bán ra của Apple rất khác so với phần lớn đối thủ.
Trong khi đó, các hãng di động còn lại bán sản phẩm trải rộng ở nhiều phân khúc, trong đó hầu hết model bán chạy nhất đều là sản phẩm trung cấp hoặc giá rẻ. Mức thị phần lớn có được của các hãng di động nói trên phần lớn đến từ các sản phẩm này.
Chưa kể, Apple tuy bán ít, song doanh thu đem về lại ở mức khổng lồ. Theo thống kê của một nhà bán lẻ lớn ở Việt Nam, trong mùa cao điểm iPhone (thời điểm tháng 11, 12/2020 - khi iPhone 12 mới về nước), doanh thu từ iPhone chiếm 65-82% tổng doanh thu của cả hệ thống.
Độ "hot" của iPhone dường như không có dấu hiệu suy giảm trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Năm ngoái, mặc dù ra mắt muộn vào tháng 10, dòng sản phẩm iPhone 12 của Apple chiếm 24% trong tổng số điện thoại thông minh 5G trên toàn cầu. Năm nay, với sự ra mắt như thông lệ, iPhone 13 sẽ giúp Apple chiếm 33% tổng số smartphone 5G bán ra trên toàn cầu.