MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau chuyện giảm sàn của FID

Từ ngày 3/11 đến 1/12/2016, một loạt lãnh đạo chủ chốt của Công ty CP Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam (VNDI - mã chứng khoán FID) đã ồ ạt đăng ký mua vào tổng cộng 7 triệu cổ phiếu FID thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Từ 18/10 đến 2/11/2016, cổ phiếu FID đã có 12 phiên giảm sàn liên tiếp. Từ mức giá đóng cửa 17.000 đồng/CP ngày 17/10/2016, đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/11/2016, FID chỉ còn mức giá 4.800 đồng/CP, giảm 71,8%. Việc giảm giá cổ phiếu FID liệu có bất thường?

Lợi nhuận giảm sút

VNDI là doanh nghiệp được định hướng phát triển theo hướng tư vấn, tái cấu trúc doanh nghiệp, thâu tóm và sáp nhập các doanh nghiệp chưa niêm yết. Gần đây, Công ty dự kiến chuyển hướng sang đầu tư các dự án xây dựng công trình công cộng với quy mô lớn.

Quý III/2016, VNDI công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận chưa đến 390 triệu đồng, giảm sâu so với mức 2,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, VNDI lãi 3,7 tỷ đồng sau thuế, giảm 60,2% so với 9 tháng đầu năm 2015. Giải trình việc lợi nhuận sụt giảm, VNDI cho biết, việc tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành và cơ cấu lại hoạt động đầu tư, sản xuất toàn Công ty đã khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.

Kết quả kinh doanh của Công ty nửa đầu năm 2016 tương đối khiêm tốn với lợi nhuận ròng đạt 2,3 tỷ đồng, bằng 32,3% kết quả cùng kỳ 2015.

Kết quả kinh doanh giảm sút của VNDI rõ ràng trái ngược với kỳ vọng đặt ra. Cụ thể sau 9 tháng, Công ty mới chỉ thực hiện 16,44% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Kế hoạch lợi nhuận cả năm 22,5 tỷ đồng trên thực tế đã thấp hơn rất nhiều so với tham vọng công ty này đặt ra khi vừa lên sàn. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2015, VNDI đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho 2 năm 2015 và 2016 lần lượt đạt 63 tỷ đồng và 195 tỷ đồng, kèm theo kế hoạch tăng gấp 3 vốn điều lệ ngay trong năm 2015 (từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng).

Cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường của VNDI tổ chức hồi tháng 9 vừa qua đã thay đổi gần như toàn bộ bộ máy lãnh đạo Công ty, cùng với đó là việc tái cơ cấu hoạt động đầu tư, sản xuất. Có thể VNDI sẽ đổi sang một hướng khác sau cuộc họp lịch sử đó…

Dấu hỏi về việc tăng vốn

Đáng lo ngại với VNDI không phải là tình hình lợi nhuận giảm sút. Bởi suy cho cùng bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có những giai đoạn thăng trầm riêng. Tuy nhiên, căn cứ báo cáo tài chính quý III vừa được công bố, có thể thấy cấu trúc tài sản ít nhiều kỳ lạ của VNDI.

Tổng tài sản cuối quý III của VNDI đạt 263,6 tỷ đồng, tăng 46% so với số dư đầu năm, tương đương mức tăng 83 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, VNDI đã kịp tăng vốn điều lệ từ mức 110 tỷ đồng lên 220 tỷ đồng, tương đương mức tăng 110 tỷ đồng. Như vậy, tài sản tăng lên của FID chủ yếu đến từ vốn góp của các cổ đông.

Mặt khác, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của VNDI cuối quý III lên tới 238,7 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 83,2 tỷ đồng đầu năm, tương đương 90,6% giá trị tổng tài sản của Công ty tại cùng thời điểm. Việc phần lớn tài sản tồn tại dưới dạng khoản phải thu đặt VNDI trước những rủi ro về dòng tiền trong tương lai. Các hợp đồng kinh tế trong đó VNDI chấp nhận trả trước hàng chục tỷ đồng cho đối tác bằng số tiền mà cổ đông góp vào cần được xem xét cẩn trọng, đặc biệt là mối quan hệ giữa Công ty và các đối tác đó.

Đơn cử, Công ty CP Fin Way là một trong 3 đối tác của hợp đồng kinh tế, cũng chính là thành viên góp vốn trong đợt tăng vốn hồi tháng 5 của VNDI. Với 23 tỷ đồng góp vốn từ Fin Way, VNDI gần như ngay lập tức trả lại cho Fin Way 20 tỷ đồng cho 1 hợp đồng cung cấp vật tư và thi công hệ thống điều hòa không khí, thông gió…

Theo Đan Nguyên

Báo Đấu thầu

Trở lên trên