Đằng sau dự báo hàng triệu người trẻ sẽ bị mất việc trong vòng 5-7 năm tới
Theo nhận định của Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến trong một hội thảo gần đây, chưa đến 5-7 năm nữa, hàng triệu người trẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Vậy, các tổ chức trên thế giới đã nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- 26-10-2021Số bác sĩ trên 1 vạn dân của Úc là 38, Mỹ là 26, Trung Quốc 22, còn Việt Nam là bao nhiêu?
- 26-10-2021Hải Phòng chấp thuận xây nhà ga hàng hóa 390 tỷ đồng tại sân bay Cát Bi
- 26-10-2021Chất lượng nhân lực, năng suất lao động và tốc độ tăng GNI của Việt Nam đang ở đâu so với Thái Lan, Singapore, Philippines...?
Tại hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam", Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến đã nhận định rằng, chưa đến 5-7 năm nữa, hàng triệu người trẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Đây cũng là nhóm đối tượng đầu tiên được ông Tiến cho rằng cần phải được quan tâm trước bối cảnh quá trình kinh tế số phát triển trong tương lai.
Theo đó, nguyên nhân sẽ khiến tình trạng này xảy ra là do sự thay thế của các người máy trong dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xảy ra đã ngày càng thúc đẩy xu hướng tự động hoá trong các doanh nghiệp sản xuất. Chưa kể, giá người máy có xu hướng rẻ hơn so với trước đây.
"Giá người máy rẻ hơn, từ khoảng 300.000 USD/người máy thì nay tụt xuống còn 40.000 USD thôi. Khi đó chúng ta không có cách nào đua được với người máy về năng suất lao động, chất lượng, thời gian làm việc liên tục với người máy", ông Tiến cho hay.
Thời điểm năm 2016, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã từng đưa ra dự báo về tác động của công nghệ và doanh nghiệp lên thị trường lao động Việt Nam.
Cụ thể, báo cáo cho biết, hiện có hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ của khoa học công nghệ trong ngành này. Đặc biệt, lao động của Việt Nam, Campuchia và Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ xu thế tự động hóa.
Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 2,7 triệu công nhân may, 1,7 triệu công nhân giày da; gần 1 triệu công nhân lắp ráp điện tử... Trong đó, đặc trưng của ngành dệt may, da giày của Việt Nam là ngành sản xuất thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ năng thấp.
Tuy nhiên, những tiến bộ về công nghệ mới và tự động hóa có thể đem lại những thay đổi đáng kể đối với ngành công nghiệp này trong những thập kỷ tới.
ILO chỉ ra rằng, 86% trên tổng số lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may, da giày của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa cao do những tiến bộ đạt được trong kỹ thuật công nghệ.
Bên cạnh đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện, điện tử có thể sẽ bị robot thay thế trong vòng 10 năm tới, khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang được nhiều quốc gia áp dụng.
Điều này đặc biệt sẽ có tác động lớn đến lao động nữ. Trong tất cả các ngành công nghiệp ở Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ làm các công việc có nguy cơ bị tự động hóa cao ở mức hơn 2,4 lần so với các lao động nam.
Theo ILO những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%).
Còn theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào năm 2020, các chuyên gia cho rằng, một thế hệ máy thông minh mới, được thúc đẩy bởi những tiến bộ nhanh chóng trong trí tuệ nhân tạo (AI) và robot, sẽ có khả năng thay thế một phần lớn công việc hiện tại của con người.
"Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các công ty đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ mới để cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất và ít phụ thuộc vào con người thực hơn", báo cáo của WEF cho biết.
Theo WEF, hàng triệu người đã mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giờ đây, máy móc sẽ lấy đi nhiều việc làm hơn nữa của người lao động. Cụ thể, quá trình tự động hóa sẽ thay thế khoảng 85 triệu việc làm vào năm 2025.
Tuy nhiên, WEF cho biết không có gì phải lo lắng vì nền kinh tế dựa trên công nghệ trong tương lai sẽ tạo ra 97 triệu việc làm mới. Hiện tại, khoảng 30% tổng số công việc được thực hiện bởi máy móc và con người làm phần còn lại. Đến năm 2025, các chuyên gia tin rằng, sự cân bằng sẽ thay đổi đáng kể thành sự kết hợp 50-50 giữa con người và máy móc.
Công ty tư vấn quản lý PriceWaterhouseCoopers cho hay, AI, robot và các hình thức tự động hóa thông minh khác có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế to lớn, đóng góp tới 15 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu vào năm 2030.
Do đó, ILO cho rằng, việc chú trọng vào kỹ năng và sự sẵn sàng của lực lượng lao động Việt Nam là rất quan trọng. Để làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nhằm đổi mới hệ thống phát triển kỹ năng để đáp ứng tốt hơn với môi trường làm việc luôn thay đổi và những sáng kiến cải tiến công nghệ mới.
Bên cạnh đó, cần phải thúc đẩy các bạn trẻ theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học đóng vai trò quan trọng, đặc biệt đối với nữ thanh niên. Việc nâng cao các kỹ năng cốt lõi như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và tư duy phân tích cũng ngày càng đóng vai trò công cụ then chốt trong các doanh nghiệp tập trung vào công nghệ.