Đằng sau việc Việt Nam tăng 10 bậc, là quán quân trong cuộc đua cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu là gì?
So với năm 2018, Việt Nam đã tăng 3,5 điểm và 10 bậc trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới.
- 09-10-2019Chuyên gia CIEM: Kinh tế tăng trưởng tích cực, nhưng rủi ro còn hiện hữu, trong đó có nỗi lo về chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc!
- 01-10-2019Cuộc đua thâu tóm doanh nghiệp Việt của giới đầu tư Hàn Quốc và Trung Quốc
- 28-09-2019Doanh nghiệp châu Âu nhìn thấy cơ hội rộng mở từ EVFTA
Xét về các hạng mục chính, Việt Nam xếp hạng khá cao về chỉ số quy mô thị trường với vị trí thứ 26. Các chỉ số còn lại giao động từ 41 đến 93.
Về các chỉ số thành phần, Việt Nam nằm trong nhóm có mức độ khủng bố thấp nhất thế giới và lạm phát ổn định nhất thế giới. Ở hai tiêu chí này, Việt Nam đạt điểm tuyệt đối là 100.
Nhận xét về sự tăng hạng của Việt Nam, bà Saadia Zahidi, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Xã hội Mới của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho rằng kết quả trên có được một phần nhờ nền kinh tế có khả năng tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại để thu hút đầu tư. Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn trong khu vực, bà Saadia nhận định.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói rằng kết quả trên được xem là bước đầu minh chứng cho nỗ lực trong cải cách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.
Những cải cách thể chế quan trọng nhất có thể kể đến như việc ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chương trình cắt giảm, đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh; thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử, kinh tế số, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ASEAN…
Việc cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh ở Việt Nam trong thời gian qua theo ông Lộc đã bắt đầu có quả ngọt.
"Đó là những thành quả tăng trưởng cao kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm trước, cùng với sự chuyển dịch về cơ cấu và cải thiện bước đầu về chất lượng tăng trưởng, bất chấp tình trạng suy giảm nhịp độ tăng trưởng và bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu trước trào lưu của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung", ông nói.
Ông nhấn mạnh dư địa lớn nhất và nguồn lực lớn nhất của tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt.
"Việc thăng hạng của Việt Nam trong cuộc đua tranh về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong nền kinh tế tế toàn cầu là sự cộng hưởng của 2 yếu tố này, là đôi cánh để nền kinh thế Việt Nam bay lên", ông chia sẻ.
Mặt khác, ông cho rằng Báo cáo năm nay của WEF cũng đưa ra thông điệp đáng chú ý, chỉ ra sự tương quan giữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và sự phát triển bền vững, giữa năng lực cạnh tranh và mức độ gắn kết xã hội.
Những kết quả đã cho thấy không nhất thiết phải có sự đánh đổi giữa thành tựu kinh tế và phát triển bền vững, giữa câu chuyện thành công trong kinh tế và các vấn đề xã hội.
"Một nền kinh tế hoàn toàn có thể hướng đến và đạt được cả các mục tiêu này", ông nhấn mạnh và khẳng định đây là định hướng mà Việt Nam đang theo đuổi.