MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dành cả thanh xuân để gây dựng Microsoft nhưng Bill Gates không hề sợ hội chứng kiệt sức vì công việc chỉ nhờ một cách làm giản đơn

28-02-2019 - 13:38 PM | Sống

Năm 28 tuổi, Bill Gates chia sẻ rằng ông làm việc không phải để trở thành người sở hữu khối tài sản khổng lồ.

"Burnout" (Tạm dịch: Hội chứng cháy sạch) là một hội chứng khá phổ biến trong lực lượng lao động ngày nay, kể cả những nhân viên trẻ tuổi. Hiểu một cách nôm na, đây là tình trạng kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần sau một thời gian dài làm việc quá sức. Tuy nhiên, từ khi còn trẻ, tỷ phú Bill Gates đã tự tin cho rằng điều đó sẽ không xảy ra với mình.

Dành cả thanh xuân để gây dựng Microsoft nhưng Bill Gates không hề sợ hội chứng kiệt sức vì công việc chỉ nhờ một cách làm giản đơn - Ảnh 1.

Hội chứng "burnout" ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội.

Bill Gates tự học lập trình từ năm 13 tuổi và ông quyết định bỏ học năm 19 tuổi để thành lập Microsoft. Công ty đã đạt được hợp đồng lớn đầu tiên khi ông 21 tuổi. Tháng 3/1984, chàng thanh niên 28 tuổi Bill Gates đã nói với phóng viên NBC rằng mục tiêu của Microsoft là đạt hơn 100 triệu USD doanh thu trong năm đó.

Trong quá trình lập nghiệp, nhà sáng lập trẻ tuổi đã cống hiến rất nhiều thời gian và công sức cho công ty của mình. Khi được hỏi rằng liệu bản thân có lo lắng về việc bị kiệt sức vào năm 30 tuổi hay không, vị tỷ phú đã khẳng định là không.

Ông chia sẻ: "Đa phần công việc của chúng tôi không lặp đi lặp lại mỗi ngày. Chúng tôi đến văn phòng và nghĩ ra các chương trình mới. Sau đó, chúng tôi tổ chức những cuộc họp để bàn luận về các vấn đề. Bên cạnh đó, chúng tôi còn ra ngoài để gặp gỡ và nói chuyện với khách hàng. Mỗi ngày, chúng tôi đều trải qua những điều khác nhau và hầu như không bao giờ cảm thấy nhàm chán".

Thực tế đã chứng minh Bill Gates không nói sai: Ông không hề bị kiệt sức do làm việc quá độ và đã xây dựng Microsoft thành một trong những đế chế công nghệ lớn nhất thế giới. Năm 1987, khi mới 31 tuổi, ông đã trở thành tỷ phú trẻ tuổi nhất trong lịch sử, ngay sau khi công ty do ông đồng sáng lập phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Năm 1995, Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản 12,9 tỷ USD. Đây là danh hiệu được ông giữ vững trong nhiều thập kỷ.

Có thể nói, việc biến công việc hàng ngày thành những điều mới mẻ, không gây nhàm chán đã giúp ông giữ được nhiệt huyết cũng như năng lượng để tiếp tục cống hiến.

Hiện vị tỷ phú 63 tuổi đang là người giàu thứ hai thế giới với tài sản ròng trị giá 97,6 tỷ USD. Vốn là một người giàu lòng nhân ái, Bill Gates và vợ của mình đã thành lập Bill & Melinda Gates Foundation – quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại để hỗ trợ cộng đồng trong các vấn đề như y tế và giáo dục.

Dành cả thanh xuân để gây dựng Microsoft nhưng Bill Gates không hề sợ hội chứng kiệt sức vì công việc chỉ nhờ một cách làm giản đơn - Ảnh 2.

Vợ chồng tỷ phú Bill & Melinda Gates.

Có thể nói, đối với Bill Gates, "hội chứng burnout" không thực sự là một vấn đề nghiêm trọng. Ngay cả khi là một chàng trai 28 tuổi, ý nghĩ sở hữu khối tài sản khổng lồ không phải là điều thúc đẩy ông làm việc không biết mệt mỏi. Ông cho biết tiền bạc không là yếu tố khiến mình hứng thú.

Trả lời một cuộc phỏng vấn năm 1984, tỷ phú chia sẻ: "Tôi không cho rằng mọi người làm việc ở công ty là vì tiền. Công việc chúng tôi đang làm thú vị hơn nhiều so với việc ngồi tính xem mình đã bán được bao nhiêu hay chúng trị giá bao nhiêu. Khi tạo ra sản phẩm, mọi người đều rất hứng thú và luôn nỗ lực tìm cách để giải quyết những vấn đề thực sự".

Vừa qua, khi được hỏi "việc là tỷ phú có mang tới cho ông nhiều hạnh phúc hơn người ở tầng lớp trung không?" trên Reddit, Bill Gates đã có một câu trả lời ý nghĩa: "Có. Khi là tỷ phú, tôi không phải lo lắng về chi phí chăm sóc sức khỏe hay học phí của các con. Việc không cần lo nghĩ về tài chính thực sự đem lại hạnh phúc. Tất nhiên, bạn không cần phải là tỷ phú mới có được những điều đó. Chúng ta cần hạn chế việc tăng giá tại một số lĩnh vực nhất định để ai cũng có thể sử dụng những dịch vụ này với chi phí hợp lý".

Theo Gia Vũ

Trí Thức Trẻ/CNBC

Trở lên trên