Đánh giá lại nhu cầu thị trường BĐS ở Hà Nội, TPHCM
Bộ Xây dựng khuyến cáo các địa phương, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cần đánh giá lại nhu cầu của thị trường BĐS khi chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tránh để xảy ra tình trạng lệch pha cung-cầu.
- 18-06-2016CEO Cushman &Wakefield Châu Á: Thoát ra khỏi tình trạng ảm đạm, thị trường BĐS Việt Nam bắt đầu chu kỳ sôi động
- 09-06-2016Cận cảnh tiến độ loạt dự án đang là tâm điểm của thị trường BĐS Hà Nội
- 17-05-2016Tín hiệu tích cực của thị trường BĐS nhờ bảo lãnh ngân hàng
Theo thông báo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ tháng 10/2015 đến tháng 6/2016, Hà Nội có 14.391 căn hộ đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, riêng 6 tháng đầu năm 2016 là 4.940 căn hộ.
Tại TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2016 có 15.061 căn hộ đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS.
Đánh giá chung của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho thấy, thị trường BĐS tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có lượng cung hàng hóa khá lớn, chủ yếu là căn hộ trung và cao cấp, nhưng mới đang ở giai đoạn làm xong móng.
Tuy nhiên, gần đây lượng giao dịch BĐS đã có xu hướng chững lại, không tăng trưởng mạnh mẽ như thời gian trước.
Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS khuyến cáo hai thành phố này cần đánh giá lại nhu cầu của thị trường khi chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tránh xảy ra tình trạng lệch pha cung-cầu dễ gây bất ổn thị trường.
Cùng với đó phải lập kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, làm cơ sở quyết định đầu tư các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch và kế hoạch; để bảo đảm cung cầu ổn định, phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Đối với các địa phương trọng điểm, cần tạo quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất dành cho các dự án phát triển nhà ở thay cho việc giao đất, cho thuê đất, chỉ định nhà đầu tư... nhằm tạo sự công khai, minh bạch thúc đẩy thị trường BĐS phát triển.