Dành tiền tỷ mua nhà dọn vào ở được ngay nhưng vẫn chi hơn 500 triệu sửa lại, bị mẹ mắng nhưng thành quả khó chê
Dù đang sống cùng bố mẹ chồng thoải mái, cặp vợ chồng này vẫn quyết định dọn ra ở riêng và sở hữu căn hộ xinh xắn.
- 21-04-2023Vợ chồng cầm 300 triệu đồng, bán hết vàng cưới để mua nhà: Lưu ý quan trọng về môi giới để tránh "tiền mất tật mang"
- 18-04-2023Lương 7 triệu chỉ đủ ăn, không dám nghĩ đến chuyện mua nhà, sắm xe
- 18-04-2023Nên chọn mua nhà ngoại ô hay nhà trong trung tâm thành phố?
Đứng tên căn hộ nhỏ, được tự làm chủ và thiết kế theo sở thích cá nhân là mơ ước chung của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Cũng vì thế dù đang sống cùng bố mẹ chồng tương đối thoải mái thế nhưng gia đình Giáng Ly (1993) vẫn quyết định dọn ra ngoài, để sở hữu tổ ấm nhỏ của riêng mình.
"Trước đó, bọn mình phân vân khá nhiều vì sống cùng bố mẹ chồng ổn. Ông bà cũng giúp đỡ vợ chồng nhiều. Thế nhưng, rồi cũng đến lúc bọn mình nhận ra cần có một khoảng trời riêng cho gia đình nhỏ, đặc biệt là chút dấu ấn cho ngôi nhà của mình", Giáng Ly nói về quyết định mua nhà.
Vợ chồng Giáng Ly
Giáng Ly (1993) và chồng - Đức Tuấn (1991) đều làm freelancer trong lĩnh vực truyền thông. Sau thời gian dành dụm, cặp đôi đã mua căn hộ 88m2, bao gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ cho vợ chồng và một bé trai. Căn nhà nằm ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), có giá mua khoảng 4,5 tỷ đồng.
Cặp đôi chọn mua căn nhà này vì nhiều lý do. Đầu tiên, vị trí nhà nằm ở khu vực thoáng đãng, thuận tiện cho di chuyển, ít tắc nghẽn giao thông. Bên cạnh đó, trong khuôn viên có đầy đủ tiện ích như bể bơi, rạp chiếu phim, bệnh viện... phù hợp với nhu cầu sống cá nhân. Quan trọng hơn cả, căn hộ Giáng Ly cách nhà bố mẹ chồng chỉ 500m nên tiện "nhờ vả" ông bà khi cần thiết.
Ngôi nhà ban đầu khá đầy đủ nội thất, có thể dọn vào ở luôn thế nhưng gia chủ vẫn chi đến 550 triệu đồng cho việc sửa lại nhà, bao gồm thi công và mua nội thất (300 triệu đồng), cộng mua đồ điện tử mới (250 triệu đồng).
"Bố mẹ mình kêu sửa tốn kém lắm. Nhưng vợ chồng vẫn quyết chi tiền để biến căn hộ thành khoảng trời riêng mộng mơ. Dù sau này mẹ vẫn còn mắng chuyện lãng phí khoản sửa lại phòng bếp, thế nhưng mình thấy bỏ số tiền lớn để tận hưởng không gian ấm áp, rộng mở trong chính ngôi nhà của bản thân là vô cùng xứng đáng", Giáng Ly nói.
Phiên bản before - after của căn hộ trước và sau quá trình thi công
Giáng Ly chọn thiết kế nhà theo phong cách Nordic và Eclectic, tông màu Be là chủ đạo. Đồ nội thất và thiết kế nhà được cô chọn với màu sắc đơn giản nhưng đầy mộng mơ.
Sau thời gian dài sinh sống, cô nàng thấy căn hộ có tone màu sáng sẽ giúp gia chủ ý thức giữ nhà sạch sẽ và gọn gàng. Ngoài ra, không gian mộng mơ cũng khiến tâm hồn bình yên và sống tích cực hơn!
Đi vào căn hộ, một trong những không gian đầu tiên nhìn thấy là phòng khách rộng rãi. Trong phòng sinh hoạt chung này, chủ nhà chọn bố trí chiếc sofa lớn, cùng với bàn nhỏ và bộ đèn chùm uốn lượn để tạo độ tinh tế cho căn phòng. Vợ chồng Giáng Ly thường đặt chậu hoa và cây cảnh ở phòng khách, không chỉ phục vụ mục đích trang trí mà còn khiến không gian trở nên xanh hơn.
Phòng khách
Ngay sát phòng khách là phòng bếp, cũng là khu vực mà Giáng Ly thích nhất trong nhà. Cô chọn thiết kế bếp mở để tạo cảm giác không gian rộng rãi hơn. Vợ chồng cô quan niệm bếp là để kết nối gia đình, do đó cô chọn đồ đạc có tone màu ấm áp, sạch sẽ, nhiều công năng. Căn bếp đẹp cũng giúp Ly có cảm hứng chăm chỉ nấu ăn hơn.
Phòng bếp là khu vực Giáng Ly thích nhất
Tủ giày có gương lớn đặt cạnh phòng bếp
Điểm chung của phòng ngủ master và phòng ngủ cho bé là đều sử dụng gam màu ấm áp và ít đồ đạc. Gia đình có trẻ nhỏ, do đó trong quá trình thi công, cô nàng luôn cân nhắc lựa chọn thiết kế và đồ đạc phù hợp với việc nuôi con.
Giáng Ly chia sẻ: "Trong phòng ngủ master, mình hạn chế trưng bày đồ đạc nhiều nhất có thể vì nhà có trẻ em. Nhiều tủ âm, phần giường cũng được thiết kế sao cho có nhiều công năng sử dụng, nhưng vẫn tạo được khoảng trống cho em bé có thể chạy nhảy đi lại.
Còn đến phòng ngủ bé, mình sử dụng nội thất thông minh đó là chiếc giường gấp. Khi có khách ở qua đêm, gường được hạ xuống. Còn bình thường, giường sẽ được gập lên để có không gian rộng rãi thoải mái, thuận tiện cho bố mẹ làm việc và con có chỗ vui chơi.
Trong tương lai, mình muốn decor khu vực ban công có thêm nhiều cây xanh và hoa lá".
Phòng ngủ master được thiết kế với gam màu ấm áp, ít đồ đạc để tiện cho việc vui chơi của bé
Phòng ngủ dành cho con trai
Chiếc giường gấp thông minh giúp tiết kiệm không gian nhà ở
Nói về căn hộ đã hoàn thiện của mình, Ly hài lòng chia sẻ: "Mình đã hoàn thành ước muốn biến ngôi nhà thành studio riêng. Chẳng cần đi đâu xa, đã có không gian sống để chụp hình, phục vụ cho công việc truyền thông. Hơn nữa, gia đình mình cũng dành nhiều thời gian ở nhà cùng nhau hơn và tiện lưu lại những khoảnh khắc thanh xuân có nhau để sau này về già có thể nhìn lại".
Sau cùng, Giáng Ly đưa ra lời 2 lời khuyên cho những bạn trẻ đang có dự định sửa lại nhà theo đúng ý muốn mà không muốn bị đội chi phí.
Thứ nhất, bạn nên tìm hiểu kỹ phong cách nhà ở để diễn giải dễ dàng cho kiến trúc sư. Điều này giúp hạn chế tình huống đôi bên không hiểu ý nhau, từ đó gây lãng phí thời gian thiết kế.
Thứ hai, bạn nên tính toán dư thời gian thi công để tiện cho việc sinh hoạt trong quá trình sửa lại nhà. Chẳng hạn như nếu kiến trúc thông báo thi công nhà mất 3 tháng, bạn nên chuẩn bị tinh thần rằng thời gian thật có thể tăng lên khoảng 1-2 tháng vì trong quá trình thi công, có nhiều vấn đề phát sinh nhỏ có thể xảy ra.
Ảnh: NVCC
Thể thao văn hóa