Đạo diễn Lý Hải: Điện ảnh và văn hóa Việt là kim chỉ nam xuyên suốt, nhất định phải luôn song hành, mất đi một trong hai đều không được
Một thập kỷ với 8 phần phim, Lý Hải thành công chinh phục khán giả nội địa với tiếng vang lớn của thương hiệu Lật Mặt.
- 16-10-2024Lê Tuấn Khang - Hot TikToker được cả cõi mạng réo gọi vì dính tới Trấn Thành - Lý Hải là ai?
- 19-09-2024Vợ chồng Lý Hải xin lỗi vụ kêu gọi từ thiện
- 29-08-2024Nhan sắc mẹ vợ Lý Hải lại “gây bão” vì U70 mà cứ ngỡ như U50
- 05-06-2024Rốt cuộc Lý Hải đã phá kỷ lục của Trấn Thành chưa
Khác với những đạo diễn được đào tạo bài bản từ trường lớp, Lý Hải lại là một “tay ngang” cả gan “chen chân” vào môn nghệ thuật thứ bảy vốn đầy rẫy sự cạnh tranh và rủi ro. Quay ngược thời gian về 10 năm trước, chẳng ai có thể tin Lý Hải lại có thể tạo nên kỳ tích. Xuất phát điểm anh là ca sĩ, những năm tháng đứng trên sân khấu, anh là thần tượng của biết bao thế hệ khán giả. Khi ấy, Lý Hải cũng là ngôi sao hiếm hoi có thể kiên trì với dòng phim ca nhạc Trọn Đời Bên Em. Chuỗi phim ấy khiến tên tuổi anh liên tục gây sốt khi các bản hit đều oanh tạc khắp các BXH âm nhạc. Quyết định khép lại sự nghiệp âm nhạc của mình bằng phần phim thứ 10 khiến nhiều người khó hiểu, bởi chẳng mấy ai lại tự bước ra khỏi hào quang của chính mình.
Việc tạm gác sự nghiệp ca hát không đồng nghĩa Lý Hải vứt bỏ những trải nghiệm quý giá mà mình từng sở hữu. Những ngày tháng đi hát khắp các tỉnh thành ấy đã ấp ủ cho anh một niềm tin về khao khát được mang văn hoá Việt vào trong phim ảnh - điều mà ít đạo diễn nào khai thác vào thời điểm ấy. Nam đạo diễn trăn trở khi những nhà làm phim nước ngoài khéo léo tôn vinh các giá trị về vẻ đẹp của con người, văn hoá trong từng sản phẩm nghệ thuật của họ. Trong khi đó, Việt Nam mình cũng tuyệt vời, xinh đẹp nào có kém cạnh ai, vậy tại sao lại không cho thế giới chiêm ngưỡng. Những ngày tháng chưa có chút thành tích nào với điện ảnh, Lý Hải lại tìm thấy cho mình một ý tưởng đắt giá đấy là “Việt Nam”.
Nhưng thực tại với ước mơ vốn chẳng phải chỉ cách nhau một chân, cứ đi rồi sẽ đến, mà đó là cả một hành trình dài với những ngả đường chẳng ai đoán trước là đường rộng thênh thang hay là ngõ cụt. Lý Hải không vội vàng bước đi, anh dành ra tận 3 năm để bồi đắp nên những viên gạch đầu tiên để xây đam mê thành hiện thực. Lý Hải tìm đọc rất nhiều sách về kiến thức điện ảnh, xem các bộ phim từ Á sang Âu để học hỏi về góc quay, ánh sáng, âm thanh, nam đạo diễn tự “làm khó” bản thân bằng việc đặt ra hàng vạn câu hỏi và nhờ đồng nghiệp hoặc các bạn trẻ đang theo học các chuyên ngành có liên quan để giải đáp. Thay vì sao chép phong cách của ai đó, anh lại kiên nhẫn, miệt mài học hỏi và tự tạo ra công thức cho riêng mình.
Có những lúc, khi thấy đoàn phim nào đó trên đường, Lý Hải đều âm thầm hoà mình vào đám đông để xem cách ekip vận hành, hoạt động. Nhìn chiếc ghế của đạo diễn, anh ước mơ một ngày mình sẽ trở thành người ngồi vào vị trí ấy. Khi vào trong rạp chiếu phim, nhìn dòng người xếp hàng chờ mua vé phim, khao khát về một ngày công chúng thưởng thức một dự án mang tên của Lý Hải lại trỗi dậy. Hoài bão về giấc mơ điện ảnh quá lớn, hành trang lại dần sẵn sàng, Lý Hải quyết định chinh phục nó.
Thời điểm chân ướt chân ráo bước chân sang một lĩnh vực mới, Lý Hải đối mặt với những lời nghi kỵ, từ chối hợp tác. Thậm chí, anh còn bị một diễn viên trả lại tiền khi biết người cầm trịch là Lý Hải. Hầu như chẳng ai tin rằng Lý Hải thành công, và cũng chẳng mấy ai biết giá trị thật sự mà nam đạo diễn muốn hướng tới đó là mang đến những thước phim đẹp đẽ về văn hoá, đầy tự hào của dân tộc lên màn ảnh rộng.
Nếu phần phim Lật Mặt đầu tiên “thả xích” vào năm 2015 đầy khó khăn, anh phải chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm nhà đầu tư, thậm chí từng suy nghĩ đến việc bán nhà nếu phim “lỗ”. May mắn thay, phần phim này huề vốn, thắp nên hy vọng để Lý Hải thực hiện các phần tiếp theo. Từ phần 2 trở đi, bài toán kinh tế của Lý Hải cũng “dễ thở” hơn. Từ đó, các yếu tố về văn hoá cũng dần được Lý Hải đầu tư mạnh tay hơn. Ở phần 4 đấy là phiên chợ vùng cao; phần 5 là lễ hội người Chăm, chợ nổi.
Một điểm đặc biệt đấy là Lý Hải không chọn phương án “dễ đi” bằng việc tái hiện các yếu tố văn hoá có sẵn, mà còn làm “sống lại” một nét đẹp truyền thống tưởng chừng sắp bị thời gian vùi lấp. Ở phần 6, khi khảo sát địa điểm, anh không khỏi xót xa khi thấy làng nghề chiếu Định Yên đang dần mai một, không còn đông khách lẫn nhân công. Nam đạo diễn chấp nhận bỏ một số tiền lớn để phục dựng công xưởng cũng như phục vụ cho các cảnh quay trong phim. Ở phần 7, Lý Hải lại một lần nữa chơi “tất tay” khi thuê hẳn một đội hát bội từ Quy Nhơn bay hơn 300km vào chỉ để đóng phân đoạn dài chưa đến 5 phút trong lễ hội Lăng Thần Nam Hải.
Cứ mỗi lần như thế, nam đạo diễn lại “tốn bộn tiền”, nhưng đối với anh dù các phần phim này “lỡ” có thất bại cũng không có gì nuối tiếc. Nam đạo diễn quan niệm “Nếu cứ nghĩ bỏ ra thì phải thu lại thì mình khó làm phim lắm, mình cứ làm đúng, làm tốt, làm tất cả những gì có thể trước đi. Cảm nhận và góc nhìn của mỗi người có thể khác nhau. Ví dụ, vấn đề tôi đưa ra 10 người thì 3,4 người biết thì đó cũng là niềm vui an ủi rồi”. Đối với nam đạo diễn, điện ảnh là đam mê, còn văn hoá Việt là tình yêu tựa như sinh mệnh. Anh cũng khẳng định hai yếu tố này sẽ là kim chỉ nam xuyên suốt, nhất định phải luôn song hành, mất đi một trong hai đều không được.
Với Lật Mặt 7: Một Điều Ước, bộ phim thành công rực rỡ khi ghi nhận mức doanh thu ấn tượng chạm ngưỡng hơn 482 tỷ đồng (theo thống kê của Box Office Vietnam). Đồng thời, tác phẩm này cũng trở thành dự án điện ảnh ăn khách thứ 2 trong lịch sử phim Việt, giúp Lý Hải khẳng định vị thế với danh xưng “đạo diễn nghìn tỷ”. Tuy nhiên, Lý Hải lại từ chối và không dám nhận những mỹ từ này.
Anh cho biết thành công này không chỉ dành riêng cho bản thân mà là tâm huyết của cả một ekip. Nam đạo diễn trải lòng: “Lật Mặt là một hành trình rất dài, phải mất gần chục năm chúng tôi mới có được lòng tin của khán giả. Tôi từng nói với anh em rằng chúng ta không đi xây dựng một sản phẩm mà đang xây dựng một thương hiệu. Tất cả mọi người đều phải bỏ chất xám, đầu tư rất nhiều công sức. Khi mỗi phần Lật Mặt được ra mắt, đó đều là tâm huyết, cố gắng và sự nâng cấp lên từ từ của cả một tập thể. Vì vậy đây không phải là điều tự hào của riêng Lý Hải hay của bất cứ cá nhân nào, mà là của ‘chúng tôi’ - những con người cùng nhau đi lên và cùng tạo nên một thương hiệu”.
Việc ấn định sản phẩm luôn ra mắt vào dịp 30/4 là bước đi khá mạo hiểm của Lý Hải. Khi ấy, thị trường phim Việt vào ngày giải phóng đều bị “thâu tóm” bởi loạt phim ngoại, phim Việt gần như “chẳng có cửa”. Ấy vậy mà, Lý Hải lại cho đứa con tinh thần của mình “chào sân” vào thời điểm khắc nghiệt này.
Ngay phần đầu tiên, khi suất chiếu và doanh thu đang khả quan thì làn sóng bom tấn nước ngoài ập đến khiến phim của Lý Hải rơi vào khủng hoảng. Nam đạo diễn ví điều này như một “cơn bão” khiến cả ekip điêu đứng. May mắn thay, sau 10 ngày, mọi thứ lại quay về quỹ đạo. Anh cho biết bản thân mình nằm mơ cũng chưa từng nghĩ phần phim đầu tiên lại có thể thắng trên sân nhà. Từ đó, điều này trở thành một vòng tuần hoàn, anh hoàn thành kịch bản vào tầm tháng 9-10 rồi sau đó casting, bấm máy, hoàn thành hậu kỳ và cuối cùng là ra mắt công chúng.
Cuối cùng, sau nhiều năm điện ảnh nội địa bị lép vế khi so kè với bom tấn ngoại, quyền thống trị phòng vé trong dịp lễ 30/4 - 01/05 đã “về tay” người Việt với sự ra đời của dòng phim thương hiệu mang tên Lật Mặt.
Về phía Lý Hải, anh chưa từng dám thừa nhận là “ông vua phòng vé” vào kỳ nghỉ quan trọng của dân tộc. Đối với anh, 30/4 là cơ hội mà bất cứ nhà làm phim nào muốn thử thách, giống như ngày xưa phim Lý Hải cũng từng đương đầu với sóng gió như thế. Việc thành công của Lý Hải hiện tại đều nhờ vào tình yêu và sự tin tưởng của công chúng dành cho ekip.
Ngày trước, khi viết kịch bản, Lý Hải từng tham khảo ý kiến người quen, nhưng việc chín người mười ý khiến anh “gặp khó” trong việc tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh, logic. Vì vậy, các bộ phim sau anh đều tự nghiên cứu và thể hiện rõ quan điểm sáng tác của mình. Một quy luật bất thành văn trước khi Lý Hải viết kịch bản đấy là “rà soát tất cả những bộ phim xung quanh của mình đang bấm máy và chuẩn bị bấm máy là thể loại phim gì để mình né - đấy là điều quan trọng nhất. Về thị trường quốc tế, Lý Hải sẽ xem một vòng phim quốc tế đang bấm và chuẩn bị ra, hoặc là trào lưu đang xoay quanh điều gì để cân đo, đong đếm cho dự án sắp tới. Điều này giúp bộ phim mình ra mắt không bị trùng màu nhưng vẫn hoà quyện cùng xu hướng chung mà khán giả đang ưa chuộng”.
Khi xác định được thể loại, Lý Hải bắt đầu xây dựng ý tưởng và tìm kiếm, góp nhặt các yếu tố văn hoá để lồng ghép vào kịch bản. Lý Hải chẳng có quy ước về phần trăm bao nhiêu là đủ, chỉ cần phong tục hay lễ hội này đắt giá và phù hợp, anh nhất định sẽ đem nó lên màn ảnh rộng. Đa phần, anh thường dùng một tuần để khảo sát, sinh hoạt cùng người dân để hiểu sâu, thấu rõ về nét đẹp văn hoá ấy. Đối với anh, việc đọc trên mặt giấy vẫn chưa đủ, chỉ có đi thực tế mới mang đến cho anh nguồn cảm hứng và bức tranh về sự vật, con người nơi ấy một cách chân thực và hoàn mỹ nhất. Anh cũng chẳng ngại đi đi lại lại nhiều lần vì đối với anh, mọi thứ anh đang làm đều rất đáng để đầu tư vì nó đúng với giá trị nghệ thuật mà nam đạo diễn đang theo đuổi. Cứ mỗi lần như thế, anh lại cảm thấy kịch bản mình dần thay da đổi thịt, từ lời thoại, bối cảnh đều đậm đà hương vị, màu sắc của dân tộc. Nam đạo diễn cứ rong ruổi hành trình bồi đắp văn hoá vào từng con chữ như thế, cho đến khi cảm thấy trọn vẹn thì mới bắt tay thực hiện các bước tiếp theo.
Theo quan điểm của Lý Hải, đạo diễn và biên kịch là người nắm vai trò then chốt trong việc quyết định yếu tố văn hoá xuất hiện ở đâu, cài cắm như thế nào và tinh chỉnh ra sao trong một bộ phim. Đồng thời, việc truyền tải “hồn Việt” vào một dự án cũng là bài toán cần có sự tính toán rõ ràng để tác phẩm nghệ thuật không bị “loãng”, câu chuyện vẫn đi đúng hướng nhưng những nét đẹp của dân tộc vẫn không bị lu mờ. Sự đan xen giữa một dự án đậm chất điện ảnh nhưng vẫn thấm nhuần các giá trị văn hoá - đều trông cậy vào sự tinh tế nhào nặn của biên kịch lẫn đạo diễn.
Trên hành trình theo đuổi môn nghệ thuật thứ bảy ấy, phía sau Lý Hải luôn có sự giúp sức của bà xã Minh Hà - đồng thời cũng là người giữ vai trò NSX cho thương hiệu Lật Mặt. Nhiều năm qua, mọi quyết định của Lý Hải có thể vấp phải sự tranh cãi, nghi ngờ từ rất nhiều người, duy chỉ có Minh Hà luôn ủng hộ tuyệt đối.
Vì vậy, khi nhắc đến việc “nghỉ hưu”, anh cho biết từng đã suy nghĩ đến việc dừng lại khi làm đến phần phim thứ 10. Điều này cũng tương tự với dòng phim ca nhạc anh từng theo đuổi. Khi chia sẻ dự định này với người bạn đời, Minh Hà lại chỉ mỉm cười và chưa đưa ra ý kiến. Thay vì nói trước những chuyện tương lai còn chưa chắc chắn, Lý Hải cho biết bản thân vẫn sẽ tiếp tục chinh phục những cột mốc mới trong điện ảnh và chiêu đãi người xem những thước phim tuyệt đẹp về cảnh sắc và con người đất Việt.
Sau 10 năm, từ một ca sĩ có giấc mơ điện ảnh bị đánh giá là viển vông, quyền lực của Lý Hải trong làng giải trí ở thời điểm hiện tại lại là điều bao người mơ ước. Thứ khiến anh trăn trở đấy là điện ảnh Việt còn thiếu hụt những người dẫn đầu có thể mang điện ảnh Việt vươn tầm thế giới. Chúng ta không thiếu người tài, chỉ là có ít cơ hội bởi còn hạn chế về nhiều khía cạnh. Nam đạo diễn khiêm tốn cho rằng bản thân mình hiện tại còn quá nhỏ bé, chỉ có thể âm thầm cống hiến, còn trở thành người dẫn đầu, anh cho biết bản thân vẫn chưa đủ tầm để thực hiện điều đó.
Phụ Nữ Số