Đất nền Bình Dương tăng giá chóng mặt cục bộ một số nơi, có nguy cơ sốt ảo
Giá tăng mạnh từ 30- 40% trong vòng 4-5 tháng ở cả đất thổ cư và đất nền dự án là thực tế đang diễn ra tại thị trường BĐS Dĩ An, Thuận An (Bình Dương).
Giá chào bán trên thị trường thứ cấp tăng mạnh
Cùng với cơn sốt đất đang diễn ra tại khu vực giáp ranh như Q.9 (Tp.HCM), Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), đất nền tại thị xã Dĩ An, huyện Thuận An cũng liên tục tăng giá trong khoảng thời gian ngắn.
Khảo sát thực tế thị trường, cho thấy từ sau Tết đến nay đất nền tại Dĩ An tăng khoảng 30-40%. Cụ thể, đất dự án tăng giá từ 4-5 triệu đồng/m2 so với tháng 12/2017; đất thổ cư có sổ đỏ tăng từ 7-8 triệu đồng/m2.
Hầu hết các dự án đất nền khu vực này có giá trung bình từ 24-30 triệu đồng/m2, trong khi trước Tết giá chào bán dao động 15 - 22 triệu đồng/m2. Đặc biệt, ở một số nền lẻ thổ cư thuộc các dự án nhỏ lẻ ở các phường như P.Bình An, P.Dĩ An, P.Đông Hòa, P.Tân Bình giá ghi nhận tăng 300-400 triệu đồng trong vòng 4-5 tháng.
Trong khi đó, tại huyện Thuận An, Tân Uyên giá đất nền cũng liên tục tăng từ 20-30% sau Tết đến nay. Theo khảo sát của chúng tôi, các nền đất đã có sổ đỏ tại dự án Visip 2 mở rộng giá tăng từ 4-6 triệu đồng/m2 lên 9-12 triệu đồng/m2; nhiều lô đất tại KĐT An Phú Hưng đang được mua đi bán lại với mức tăng thêm 2-4 triệu đồng/m2 so với trước Tết, tức từ 14-15 triệu đồng/m2 lên 16 – 19 triệu đồng/m2; hay KĐT Vĩnh Phú II cũng ghi nhận mức tăng từ 8-9 triệu đồng/m2 lên 10 – 12 triệu đồng/m2 ở các nền đã có sổ đỏ do NĐT bán ra.
Theo phản ánh của môi giới BĐS khu vực này, từ tháng 1/2018 đến nay, đất nền Bình Dương có hiện tượng tăng giá theo ngày/tuần. Trong đó, nhu cầu phát sinh khá lớn từ các NĐT khu vực Tp.HCM đổ về đây săn đất, lướt sóng.
Ngoài lý do tăng giá theo cơn sốt đất nền Q.9 – khu vực giáp ranh Dĩ An, Bình Dương thì đất nền khu vực còn được hưởng lợi từ quyết định kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đến Biên Hòa – Dĩ An.
Do đó, từ sau Tết đến nay, nhiều NĐT đồng loạt đổ về đây "săn" đất khiến thị trường nhà đất Bình Dương nhộn nhịp hơn hẳn. Giá ghi nhận tăng trên ở nhiều khu vưc từ Dĩ An, Thuận An đến Tân Uyên, Bến Cát. Đặc biệt ở những dự án đã hoàn thiện hạ tầng, dân vào ở đông đúc giá có thể tăng tới 50% trong vòng chưa đầy nửa năm.
Có hiện tượng thổi giá, sốt ảo?
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở một số vị trí nền đẹp tại huyện Dĩ An có hiện tượng "cò" đất tự ý đẩy giá lên cao trước nhu cầu mua đầu tư "tăng nhiệt". Trong vòng 1 tháng, giá đất thổ cư có thể tăng thêm từ 100 – 200 triệu đồng/nền; đất dự án tăng từ 80 – 150 triệu đồng/nền. Đáng nói, không có giao dịch đất vẫn tăng giá đều, thậm chí tăng chóng mặt trong khoảng thời gian ngắn.
Nhiều "cò" đất khu vực mua lại nền của dân bản địa, đẩy giá lên cao bán lại cho NĐT. NĐT tiếp tục nâng giá và bán lại trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, hiện tượng này chủ yếu diễn ra ở khu vực Dĩ An – nơi giáp ranh các quận đang diễn ra cơn sốt đất như Q.Thủ Đức, Q.9 (Tp.HCM).
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Khắc Thạch, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Bình Dương cho rằng: Đất tăng giá liên tục, thực chất dòng tiền nằm trong túi NĐT là chính. Đa số là họ ôm hàng và tự đẩy giá, phát sinh nhu cầu ảo, nhu cầu thực khá ít. Theo ông Thạch, cơn sốt đất nền diễn ra đầu năm 2018 tại Bình Dương chủ yếu là chịu ảnh hưởng từ cơn sốt của đất nền ngoại thành Tp.HCM. Hiện tượng này chỉ diễn biến mạnh ở một số khu vực có hạ tầng đồng bộ, cộng đồng cư dân đã đông đúc.
Ông Thạch cũng cho hay, không có nguy cơ bong bóng BĐS xảy ra bởi so với giá đất khu ven TP thì đất nền Bình Dương vẫn ở ngưỡng chấp nhận được, mức tăng cao chỉ dịch chuyển cục bộ ở một số khu vực, tuyến đường nhất định. Do đó, thời gian tới, NĐT vẫn "nhắm" đến đây như một nơi còn khả năng sinh lời cao.
Ngoài ra, theo tìm hiểu, tại một số khu vực Bình Dương có hiện tượng nhiều NĐT lợi dụng đất nền "tăng nhiệt" đã ôm những khu đất rộng vài trăm mét vuông, sau đó tự ý phân lô và bán nền bằng giấy viết tay cho người dân với giá cao.
Nhiều người vẫn tiến hành xây dựng nhà trên những mảnh đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng. Tình trạng này được cho là có dấu hiệu bao che, dễ dãi từ chính quyền địa phương trong hoạt động xử lý hồ sơ, cấp phép đúng quy định.
Nhịp sống kinh tế
- Đất nền ven Sài Gòn: Điểm nóng hạ nhiệt, “sốt ngầm” cục bộ
- Đất nền Tp.HCM lên "cơn sốt", chuyên gia cảnh báo "thị trường đang rất nhạy cảm"
- Giá nhà đất TP.HCM tăng “chóng mặt”, do đâu?
- Sốt đất Quận 9 (Tp.HCM), môi giới “hét” loạn giá đất thổ cư
- “Chóng mặt” với giá đất Tp.HCM 1 năm qua, tăng gấp nhiều lần là thật hay ảo?