MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dấu ấn các sếp lớn Hàn Quốc trên thị trường tài chính Việt Nam

23-06-2023 - 17:10 PM | Tài chính quốc tế

Bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990, Hàn Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại nước ta. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 5/2023, giới đầu tư xứ kim chi đã rót hơn 81,5 tỷ USD vào Việt Nam, với hơn 9.600 dự án còn hiệu lực.

Dấu ấn các sếp lớn Hàn Quốc trên thị trường tài chính Việt Nam - Ảnh 1.

Dấu ấn các sếp lớn Hàn Quốc trên thị trường tài chính Việt Nam - Ảnh 2.

Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện diện ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ những lĩnh vực truyền thống như tài chính ngân hàng, công nghiệp điện tử, chế tạo, xây dựng, … đến những lĩnh vực hợp tác mới công nghệ cao như sản xuất pin năng lượng, chất bán dẫn, chip, …

Hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt tại 59/63 địa phương đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Việt Nam được dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư mạnh từ Hàn Quốc trong thời gian tới khi Tổng thống Yoon Suk Yeol cùng lãnh đạo của 205 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 22/6 đến 24/6. Trong đó có những tên tuổi lớn như Chủ tịch Công ty Điện tử Samsung Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Dong-kwan, …

Không chỉ đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng quản trị công ty.

Đáng chú ý, việc ngày càng có nhiều người Hàn Quốc nắm giữ vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp Việt Nam đang thổi làn gió mới vào môi trường đầu tư kinh doanh tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Chủ tịch HĐQT người nước ngoài đầu tiên của HD Bank, ông Kim Byoungho hay Tổng giám đốc Shinhan Bank Việt Nam, ông Kang Gew Won đều là những cái tên đáng chú ý.

Ngoài ra, CEO Mirae Asset, ông Kang Moon Kyung hay ông Park Sang Won - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành KIS là những nhà đầu tư ngoại có tiếng tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam Hwang Jun Hwan là một cái tên tiêu biểu khác trong lĩnh vực bảo hiểm.

Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, không thể bỏ qua đóng góp của Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Dấu ấn các sếp lớn Hàn Quốc trên thị trường tài chính Việt Nam - Ảnh 3.

Trải qua hành trình 30 năm phát triển, năm 2022 vừa qua lần đầu tiên HDBank bổ nhiệm một Chủ tịch HĐQT người nước ngoài - ông Kim Byoungho.

Sinh năm 1961, ông Kim từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo trong ngành tài chính tại Hàn Quốc. Đáng chú ý, ông từng là Chủ tịch và Tổng giám đốc tại Hana Bank (ngân hàng lớn thứ 2 Hàn Quốc) và Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tài chính Hana Financial Group (Hàn Quốc).

Trong gần 3 thập kỷ, ông đã giúp Hana Bank đổi mới toàn diện và phát triển mạnh mẽ, vươn tầm quốc tế.

Cụ thể, ông Kim là người dẫn dắt các chương trình hợp nhất Ngân hàng Seoul năm 2002, nhận chuyển giao Ngân hàng Korea Exchange Bank (KEB) từ quỹ Lone Star (Hoa Kỳ) năm 2015, đưa Hana Bank nâng quy mô tổng tài sản lên hơn 240 tỷ USD và trở thành ngân hàng số 1 Hàn Quốc về mạng lưới quốc tế với 137 chi nhánh tại 24 quốc gia. Đồng thời ông Kim tham gia chỉ đạo thực hiện nhiều dự án quốc tế của ngân hàng tại các thị trường như Indonesia, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam.

Vị Chủ tịch mới người Hàn Quốc của HDBank có nhiều hiểu biết về thị trường Việt Nam khi là người tham gia dẫn dắt quá trình đàm phán để Hana Bank trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 15% vốn tại BIDV năm 2019, với tổng giá trị giao dịch gần 1 tỷ USD. Ông trở thành người đóng góp lớn cho chiến lược đổi mới của một trong các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Việt Nam.

Sau khi rời Hana Bank năm 2019, ông Kim Byoungho được nhiều định chế tài chính uy tín mời làm cố vấn. Ông là cố vấn cấp cao của International Finance Corporation và thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn SK Inc. - một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.

Khi giữ “ghế nóng” tại HDBank, nhân viên thường gọi Chủ tịch HĐQT Kim Byoung Ho bằng cái tên rất thân thiết, giản dị: Chủ tịch Kim.

Dưới sự lãnh đạo của ông, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 2.858 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2023, tăng 26% so với cùng kỳ và hoàn thành 23% kế hoạch năm. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.657 tỷ, tăng 10,4% so với cùng kỳ, nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1%.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng huy động vốn đạt trên 406.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 292.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cuối năm ngoái, cùng với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, bao gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.

Dấu ấn các sếp lớn Hàn Quốc trên thị trường tài chính Việt Nam - Ảnh 4.

Trước khi đảm đương vị trí này vào tháng 3/2022, ông Kang Gew Won bắt đầu làm việc tại thị trường Việt Nam từ năm 2011 và đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngân hàng Shinhan Việt Nam.

Cụ thể, ông từng làm giám đốc chi nhánh Bắc Ninh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Doanh nghiệp.

Trên cương vị Tổng giám đốc của Ngân hàng Shinhan Việt Nam, ông Kang Gew Won thực hiện chiến lược kinh doanh linh hoạt và phù hợp với thực trạng thị trường tại Việt Nam, đồng thời, lên kế hoạch tiếp tục ra mắt các dòng sản phẩm ngân hàng số hiện đại.

Nỗ lực chuyển đổi số của ngân hàng Shinhan được ghi nhận qua những con số “biết nói”. Tính đến cuối quý 1/2023, số lượng người dùng đăng nhập ngân hàng trực tuyến (Mobile Banking/Internet Banking) của ngân hàng đạt gần 1,1 triệu người.

Ngày 27/4 vừa qua, ngân hàng Shinhan tiếp tục được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s (S&P) giữ nguyên hạng tín nhiệm ở mức “BB+” trong dài hạn, với triển vọng “Ổn định”.

Shinhan trở thành một trong những ngân hàng nước ngoài có tổng tài sản lớn nhất tại thị trường Việt Nam, tính đến thời điểm cuối năm 2022.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Shinhan Bank Việt Nam tăng gần 19% so đầu kỳ, lên mức 176.960 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt 6.518,7 tỷ đồng, tăng hơn 30% so năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở mức 3.705,6 tỷ đồng, tăng gần 47% so năm 2021.

Cũng trong năm 2022, 18% tổng thu nhập ròng của ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc được tạo ra từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và khoảng 37% nguồn thu nhập này được đóng góp bởi Shinhan Việt Nam.

Dấu ấn các sếp lớn Hàn Quốc trên thị trường tài chính Việt Nam - Ảnh 5.

Tiếp quản vị trí Tổng giám đốc Samsung Việt Nam vào cuối 2018, ông Choi Joo Ho đã tiếp nối và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Samsung.

Bằng những nỗ lực của mình, ông đã vun đắp cho mối quan hệ thêm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam, không ngừng tìm kiếm và mở rộng địa điểm sản xuất của các nhà máy, tạo thêm các công ăn việc làm, tạo thêm các chuỗi giá trị cho người dân sở tại và sự thịnh vượng của Tập đoàn.

Dưới sự dẫn dắt của ông Choi Joo Ho, trong giai đoạn từ 2018 - 2022, Samsung đã đóng góp trên 306 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam. Tính riêng năm 2022, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, con số đạt được vẫn lên tới 65 tỷ USD, góp phần quan trọng đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 700 tỷ USD.

Tính đến thời điểm hiện tại, Samsung hiện đang vận hành 6 nhà máy tại 3 tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội. Lũy kế đầu tư tính đến cuối năm 2022 là 20 tỷ USD.

"Hiện tại hơn 50% điện thoại của Samsung bán trên toàn thế giới là sản phẩm “Made in Vietnam”, được sản xuất tại chính Việt Nam. Qua đó, Việt Nam đã phát triển nhảy vọt trở thành quốc gia trọng điểm toàn cầu sản xuất điện thoại di động ra toàn thế giới", ông Choi Joo Ho cho biết.

Ông Choi Joo Ho gia nhập Samsung từ năm 1989, được đánh giá là một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nhân sự khi đảm nhận hàng loạt chức vụ quan trọng bao gồm: Giám đốc Nhân sự tổng phụ trách mảng Digital Media, Giám đốc Nhân sự tổng phụ trách khu vực Châu Âu, Giám đốc Kế hoạch nhân sự Tập đoàn, Phó Tổng giám đốc Nhân sự mảng kinh doanh thiết bị viễn thông di động và thiết bị không dây, …

Bên cạnh đó, ông cũng từng điều hành 9 nhà máy sản xuất điện thoại trên toàn thế giới, trong đó có 2 nhà máy tại Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên (SEVT).

Dấu ấn các sếp lớn Hàn Quốc trên thị trường tài chính Việt Nam - Ảnh 6.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam là thành viên của Tập đoàn tài chính Mirae Asset toàn cầu, hiện đang có mặt tại 15 quốc gia và quản lý tổng tài sản trị giá hơn 600 tỷ USD.

Trong đó CEO Kang Moon Kyung là một trong những nhà đầu tư ngoại kỳ cựu ở thị trường Việt Nam.

Ông Kang tới Việt Nam từ năm 2007 để gây dựng một công ty chứng khoán Hàn Quốc với niềm tin về triển vọng tươi sáng của chứng khoán Việt.

Sau 15 năm hoạt động, Mirae Asset Việt Nam liên tục có những bước phát triển và trở thành cái tên nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt. Công ty hiện đã nâng vốn chủ sở hữu lên đến 9.193 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2022), với 10 chi nhánh được mở liên tục tại các thành phố lớn trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Mirae Asset Việt Nam đạt 19.457 tỷ đồng, tăng 632 tỷ đồng so với mức 18.825 tỷ đồng đầu năm.

Là người Hàn gắn bó ở VN hơn một thập niên, ông Kang chia sẻ bản thân đã cố gắng thuyết phục nhà đầu tư ngoại, đặc biệt nhà đầu tư Hàn, hướng dòng tiền vào chứng khoán Việt. Việt Nam cũng trở thành nơi ông và gia đình xây dựng tổ ấm.

Dấu ấn các sếp lớn Hàn Quốc trên thị trường tài chính Việt Nam - Ảnh 7.

Sinh năm 1963, ông Park Sang Won giữ “ghế nóng” tại công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam từ tháng 4/2017.

Trước đó, ông từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại Công ty đầu tư và chứng khoán Hàn Quốc như Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh, Trưởng phòng chiến lược, Trưởng khu vực Bộ phận bán lẻ khu vực phía Bắc sông Hàn, …

KIS Việt Nam là thành viên trực thuộc Tập đoàn Korea Investment Holding (KIH) với gần 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán, đầu tư, quản lý tài sản, ngân hàng số...

Nhờ sự hậu thuẫn từ tập đoàn mẹ KIH cùng những chiến lược kinh doanh sáng tạo, KIS đang là top 1 nhà phát hành chứng quyền đầu tiên và tích cực nhất, chiếm 40,4% thị phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022.

Cũng trong năm 2022, Asia Pacific Enterprise Awards đã vinh danh KIS Việt Nam với giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc châu Á.

Tính đến ngày 31/03/2023, tổng tài sản của KIS Việt Nam ở mức hơn 8.544 tỷ đồng. Lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 27% so với cùng kỳ, xuống còn 143 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, KIS ghi nhận gần 99 tỷ đồng lãi trước thuế và 79 tỷ đồng lãi sau thuế.

KIS cũng là một trong những công ty chứng khoán nước ngoài đầu tiên nhận được sự tin tưởng từ các tổ chức quản lý quỹ uy tín như DCVFM, SSIAM, và Mirae Asset..., trở thành nhà tạo lập thị trường đầu tiên cho hơn 90% quỹ ETFs lớn nhất tại Việt Nam.

Dấu ấn các sếp lớn Hàn Quốc trên thị trường tài chính Việt Nam - Ảnh 8.

Ông Hwang Jun Hwan đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam kể từ tháng 1/2022.

Trước khi giữ chức Tổng giám đốc tại Việt Nam, ông Hwang Jun Hwan gia nhập Hanwha Life (Hàn Quốc) vào năm 2004 và đã từng trải qua nhiều công việc trong các lĩnh vực khác nhau như: tài chính bán lẻ (cho vay tiêu dùng), kế hoạch, chiến lược và kiểm toán.

Không chỉ có kinh nghiệm về quản lý tài chính và kiểm toán, ông Hwang Jun Hwan còn có kinh nghiệm về kinh doanh bảo hiểm, am hiểu tốt về hệ thống kinh doanh với vai trò là giám đốc kinh doanh khu vực và đào tạo đại lý bảo hiểm tại Hàn Quốc.

Đặc biệt, ông đã được Tổng giám đốc Hanwha Life Hàn Quốc tuyên dương vì những thành tích kinh doanh xuất sắc trong thời gian làm việc với vai trò giám đốc kinh doanh khu vực.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định trở thành công ty bảo hiểm Hàn Quốc được tín nhiệm nhất Việt Nam", ông Hwang Jun Hwan chia sẻ.

Hanwha Life Việt Nam hiện là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có tiềm lực tài chính mạnh tại Việt Nam với vốn điều lệ 4.891 tỷ đồng (tương đương 233 triệu USD). Tính đến năm 2022, tổng giá trị tài sản của Hanwha Life Việt Nam đạt hơn 16.000 tỷ đồng. Đồng thời, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc cũng đạt hơn 4.300 tỷ đồng vào cuối năm tài chính 2022.

Với nội lực tài chính mạnh cùng những đóng góp quan trọng vào thị trường bảo hiểm, năm 2022, Hanwha Life Việt Nam liên tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 10 công ty bảo hiểm uy tín và Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam của Vietnam Report, khẳng định là một trong những thương hiệu bảo hiểm được tín nhiệm nhất hiện nay.

Theo Hà My

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên