MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồ ăn vốn "rẻ bèo" được ưa chuộng vào cuối tháng gây tranh cãi, người Hàn Quốc chờ đợi giảm giá trong hoang mang khi chi phí thực phẩm tăng vọt

21-06-2023 - 20:10 PM | Tài chính quốc tế

Một cuộc phỏng vấn trên truyền hình của nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc về giá mì ăn liền đã khiến nhiều người lo lắng về việc chi phí thiết yếu ngày càng tăng cao.

Đồ ăn vốn "rẻ bèo" được ưa chuộng vào cuối tháng gây tranh cãi, người Hàn Quốc chờ đợi giảm giá trong hoang mang khi chi phí thực phẩm tăng vọt - Ảnh 1.

Trong một cuộc phỏng vấn vào Chủ nhật, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế và tài chính Choo Kyung-ho đã chỉ trích các nhà sản xuất mì ăn liền, được gọi là ramyun ở Hàn Quốc, vì đã không điều chỉnh giá bán lẻ theo sự sụt giảm giá lúa mì toàn cầu.

Mì ăn liền là một loại thực phẩm giá rẻ và phổ biến ở Hàn Quốc thường được bán với giá dưới 2 USD cho một phần ăn nên đã trở thành lựa chọn của nhiều người có thu nhập thấp. Một loại ramyun đã xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng năm 2019 "Ký sinh trùng" để tượng trưng cho bữa ăn của một gia đình nghèo khó.

Giá mì ăn liền đã tăng cao vào năm ngoái khi xảy ra xung đột ở Ukraine - một nhà sản xuất ngũ cốc lớn – gây ra gián đoạn xuất khẩu. Choo cho biết rằng trong năm qua, giá lúa mì toàn cầu đã giảm một nửa, nhưng giá mì ăn liền tại cửa hàng không thay đổi.

Ông Choo không yêu cầu các nhà sản xuất hạ giá bán lẻ một cách trực tiếp mà nói rằng, "Chính phủ không nên can thiệp và kiểm soát giá cả. Nhưng nếu các nhóm người tiêu dùng có thể theo dõi và đưa ra phản hồi đối với giá cả của các nhà sản xuất mì ăn liền thì sẽ tốt hơn.”

Lời bình luận của ông cho thấy sự căng thẳng mà chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol phải đối mặt khi đã cam kết sẽ để các lực lượng thị trường tự do hơn trong nền kinh tế.

Trong tháng 5, giá mì ăn liền cao hơn 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng hàng năm cao nhất kể từ năm 2009, theo dữ liệu của chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng chung trong tháng 5 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường mì ăn liền của Hàn Quốc được kiểm soát bởi ba công ty lớn: Ottogi, Nongshim và Samyang Foods. Trong những năm gần đây, các công ty này đã cố gắng bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại trong nước bằng cách tăng xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm Hàn Quốc ngày càng tăng ở nước ngoài.

Nikkei Asia đã liên hệ với cả ba công ty để yêu cầu bình luận. Các công ty không trả lời công khai đối với những bình luận của ông Choo nhưng truyền thông địa phương dẫn lời một quan chức trong ngành nói rằng thông thường phải mất vài tháng để những biến động về giá lúa mì toàn cầu được phản ánh trong giá nhập khẩu lúa mì của các công ty.

Tham khảo Nikkei Asia

Minh Phương

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên