MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Dấu ấn Vũ Khoan" với ngoại giao Việt Nam: Câu hỏi xác đáng trước ASEAN và chuyến thăm nước tư bản đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

24-06-2023 - 16:30 PM | Tài chính quốc tế

"Dấu ấn Vũ Khoan" với ngoại giao Việt Nam: Câu hỏi xác đáng trước ASEAN và chuyến thăm nước tư bản đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Một trong những câu hỏi đầu tiên của ông Vũ Khoan trong cuộc họp quan trọng trước khi xác định Việt Nam có gia nhập ASEAN không là: "Những lợi ích khi trở thành thành viên của ASEAN là gì?"

Chuyến đi quan trọng đến Jakarta

Kavi Chongkittavorn, cựu phóng viên của tờ Bangkok Post về các vấn đề khu vực, hiện là chuyên gia về ASEAN cho biết, cuối năm 1994, ông Vũ Khoan và phái đoàn đã có chuyến đi quan trọng đến Ban thư ký ASEAN có trụ sở tại Jakarta.

Đó là xác định liệu Việt Nam có gia nhập ASEAN với tư cách là thành viên thứ 7 vào tháng 7/1995 hay không.

Lúc đó, với tư cách là trợ lý đặc biệt của Tổng thư ký ASEAN, ông Kavi Chongkittavorn phải ghi lại một số câu hỏi và quan điểm của ông Vũ Khoan. Cuộc họp kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ và giống như thời gian chất vấn tại Quốc hội, ông Kavi nhớ lại.

"Dấu ấn Vũ Khoan" với ngoại giao Việt Nam: Câu hỏi xác đáng trước ASEAN và chuyến thăm nước tư bản đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh 1.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: Văn phòng chính phủ

Những câu hỏi đầu tiên của ông Vũ Khoan là "Những lợi ích khi trở thành thành viên của ASEAN là gì?" và "Có bao nhiêu hiệp định và nghị định thư mà Việt Nam sẽ phải tham gia và tuân thủ trước khi gia nhập?"

"Đó là những câu hỏi xác đáng. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành và Việt Nam sẽ phải thực hiện nhiều điều chỉnh, thay đổi từ hệ thống kinh tế tập trung sang định hướng thị trường hơn", ông Kavi nhận định.

Các câu hỏi của ông Vũ Khoan cũng tập trung vào các mối quan hệ đối ngoại của khối, khi Việt Nam đang thúc đẩy vị thế của mình trong khu vực và quốc tế sau chiến tranh. Gần cuối buổi, ông còn gửi một loạt câu hỏi để Ban thư ký trả lời sau.

Trong cộng đồng ngoại giao ASEAN, ông Vũ Khoan nổi là nhà đàm phán ăn nói nhỏ nhẹ nhưng cứng rắn.

"Khác với ông Nguyễn Cơ Thạch, dù thông hiểu tiếng Anh nhưng chỉ phát biểu bằng tiếng Việt, ông Vũ Khoan thường nói bằng tiếng Anh và không cần phiên dịch", cựu phóng viên tờ Bangkok Post nhớ lại.

Cũng theo ông Kavi, ông Vũ Khoan nói tiếng Anh trôi chảy, đầu óc nhanh nhạy và phản ứng phù hợp.

Tại một trong nhiều cuộc họp quan chức cấp cao ở Brunei Darussalam, nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 1995, ông Vũ Khoan là người đã giúp các đồng nghiệp ASEAN khác thống nhất tên viết tắt của Hội nghị Á - Âu (Asia-Europe Meeting) là ASEM.

Trong cuộc thảo luận kéo dài hai ngày, các quan chức ASEAN không thể đồng ý về từ viết tắt AEM, vì từ này trùng với từ viết tắt của Cuộc họp Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Meeting). Cuối cùng, ông Vũ Khoan đề xuất tên viết tắt của Hội nghị Á-Âu là "ASEM".

"Điều đó sẽ giải quyết được vấn đề," ông nhắc lại và chỉ ra rằng, ở Việt Nam, các từ viết tắt thường sử dụng hai chữ cái đầu của tên hoặc chức danh.

Có một khoảng dừng và sau đó người chủ trì cuộc họp quan chức cấp cao hỏi liệu có bất kỳ sự phản đối nào không. Lại một khoảng lặng. Chủ tọa sau đó thông báo rằng không có phản đối. Đó là một khoảnh khắc đáng nhớ trong biên niên sử về sự phát triển của ASEAN.

Thúc đẩy chuyến thăm đến nước tư bản đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Tháng 5/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có chuyến thăm đến Australia. Đây là chuyến thăm đầu tiên đến một nước tư bản của Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể từ sau chuyến thăm Pháp và một số nước của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1978.

"Dấu ấn Vũ Khoan" với ngoại giao Việt Nam: Câu hỏi xác đáng trước ASEAN và chuyến thăm nước tư bản đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh 2.

Ông Vũ Khoan (ngoài cùng bên phải) trong chuyến thăm đến Úc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu

Chuyến thăm này thời điểm đó đã tạo được tiếng vang lớn và giúp khơi thông các nguồn tài trợ song phương và đa phương, góp phần đưa đến việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995.

Theo Đại sứ Nguyễn Tất Thành, Đại sứ Việt Nam tại Australia, để thúc đẩy được chuyến thăm này, không thể không nhắc đến nỗ lực thuyết phục phía bạn của cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Tháng 10/1992, nhân một hội thảo ở Brisbane (Australia), ông Vũ Khoan, khi đó là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, đã tới Canberra trao đổi với Bộ Ngoại giao bạn về khả năng tổ chức chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam.

Trước đó, mặc dù Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã thăm năm 1990, nhưng do đặc điểm của thể chế chính trị, người đứng đầu chính phủ Australia có vai trò khác hẳn so với người đứng đầu nghị viện.

Ông Vũ Khoan đã nỗ lực thuyết phục phía Australia đón Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức với tư cách khách mời của Chính phủ, là cấp đón cao nhất theo quy định của bạn.

Một vấn đề được dư luận Australia lúc đó đặc biệt quan tâm là vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Khi đó, dư luận Australia còn có một số quan niệm không đúng về vấn đề này. Để đập tan những luận điệu đó, ông Vũ Khoan nói: "Australia cần phải hiểu quyền con người từ góc độ của người châu Á. Đối với chúng tôi, việc bảo vệ quyền con người đến đâu tùy theo hoàn cảnh cụ thể và là vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền".

"Để bạn có thể hiểu hơn Việt Nam, sau đó chúng ta đồng ý mở đối thoại về luật pháp và nhân quyền với Australia, đến nay vẫn tiếp tục. Qua đó, Australia ngày càng thấu hiểu và gắn bó với châu Á, khẳng định rõ ràng việc tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam", Đại sứ Thành nói.

Hai năm sau, vào năm 1995, Australia tiếp tục trở thành nước phương Tây đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười thăm chính thức.

"Dấu ấn Vũ Khoan" với ngoại giao Việt Nam: Câu hỏi xác đáng trước ASEAN và chuyến thăm nước tư bản đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Đỗ Mười hội đàm với Thủ tướng Australia Paul Keating tại Văn phòng Thủ tướng (tháng 7/1995). Ảnh: Xuân Lâm - TTXVN

Hai nước hiện đang trao đổi để nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

"Không chỉ riêng với quan hệ Việt Nam - Australia, tôi được biết để chuẩn bị cho các hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước, không ít lãnh đạo ta sẵn sàng lắng nghe hoặc chủ động tham khảo ý kiến một số cá nhân có uy tín. Và một trong những người đó là ông Vũ Khoan", Đại sứ Nguyễn Tất Thành nói.

Theo Lan Hương

Tổ Quốc

Trở lên trên