"Đau đầu" chuyện thu học phí online trường tư mùa dịch: Trường thu đủ không thiếu một xu, nơi hào phóng miễn phí không lấy đồng nào
Đa số các trường quốc tế và tư thục trên cả nước đều phải cho học sinh nghỉ tại nhà và học online, nhưng mỗi nơi lại có một cách xử lý khác nhau về vấn đề học phí.
- 16-04-2020Người mẹ cho cả 3 con chuyển trường vì trường Quốc tế Việt Úc thu học phí trăm triệu mùa dịch dù chỉ dạy 20% thời gian
- 12-04-2020Nữ sinh trường Luật cùng gia đình may 3000 khẩu trang ủng hộ chống dịch
- 29-03-2020Trả 100% lương cho giáo viên, Hiệu trưởng trường tư tiếp tục không thu học phí trong 3 tháng dịch Covid-19: "Tôi vẫn lo được cho giáo viên và nhân viên"
Trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam, học sinh các cấp đã không thể đến trường trong suốt hơn 3 tháng qua. Trong quãng thời gian ở nhà tránh dịch, các em vẫn tham gia các lớp học online do nhà trường tổ chức nhằm đảm bảo tiến độ học tập và tránh hao hụt kiến thức.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho các em học sinh, mà còn khiến các bậc phụ huynh thêm đau đầu khi phải đối mặt với vấn đề nan giải hơn: Đóng học phí ra sao khi con vẫn học nhưng không đến trường?
Trường thì thu cả tiền ăn, tiền xe dù học sinh không đi học...
Gần đây, nhiều cha mẹ có con đang theo học tại các trường quốc tế tại TP. HCM đã lên tiếng bày tỏ sự bức xúc về vấn đề học phí mùa dịch. Theo những vị phụ huynh này, dù con họ đã gần 3 tháng qua không đi học nhưng nhà trường vẫn thu đủ tiền không sót đồng nào. Những khoản phí ăn uống, xe đưa đón… tuy chưa dùng đến nhưng các trường cũng không chịu trả lại cho phụ huynh ngay.
Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) là một trong những trường “con nhà giàu” thuộc dạng đắt đỏ ở TP. HCM, với học phí dao động khoảng 143-425 triệu đồng/năm. Phụ huynh có con học tại đây được yêu cầu đóng tiếp khoản học phí phần 4 (trường thu học phí 4 phần/năm hoặc đóng cả năm), dù khoản tiền phần 3 đóng từ trước Tết vẫn chưa dùng tới. Theo nhà trường, số tiền này là nhằm để trả lương cho các giáo viên và duy trì hoạt động.
Một cơ sở của Trường Quốc tế Việt Úc.
Sau khi cha mẹ học sinh phản ánh, VAS đã cắt bỏ phần tiền ăn và xe đưa đón nhưng vẫn chưa làm hài lòng các bậc cha mẹ. Một phụ huynh có con đang học hệ mầm non cho biết: "Thế nhưng những gia đình có con học mầm non, không học được gì online, không được chạy nhảy bơi lội ở trường và thậm chí phụ huynh phải thuê người trông để đi làm thì vẫn đóng đầy đủ học phí. Mình thấy quá nực cười".
Tương tự như VAS, Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) chẳng những không giảm chút nào mà còn phạt một phụ huynh nộp muộn hơn 5 triệu đồng, bên cạnh 249 triệu đồng tiền học phí cho 2 bé trong một gia đình. Người mẹ của hai học sinh này cho rằng khoản tiền trên là vô lý khi con học online vất vả nhưng không thu được gì, thậm chí phụ huynh còn phải hỗ trợ học sinh thay giáo viên.
“Trong khi cả thế giới đang chao đảo vì dịch bệnh, tôi chưa thấy nhà trường có trách nhiệm gì với phụ huynh cũng như con em chúng tôi, chỉ lạnh lùng thu tiền một cách vô trách nhiệm”, chị viết trong thư phản hồi cho trường.
Thậm chí, Trường Tiểu học - THCS - THPT Sao Việt (Vstar School) còn thu hẳn học phí cho năm học 2020-2021 dù học kỳ 2 còn chưa kết thúc. Phụ huynh tại một số trường khác như Trường Quốc tế Anh (BIS), Trường Quốc tế TP. HCM (ISHCMC) hay Trường Quốc tế Song ngữ (EMASI) cũng phản ánh rằng họ phải đóng đầy đủ tiền như bình thường trong khi con cái vẫn học online tại nhà.
Bảng học phí năm học 2020-2021 của khối lớp 6-9 tại Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS).
... trường lại dạy online miễn phí, cung cấp cả thiết bị cho học sinh
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có những chính sách bất hợp lý như vậy trong mùa dịch. Thấu hiểu nỗi khổ của các bậc phụ huynh, nhiều trường quốc tế và tư thục đã có những động thái kịp thời để hỗ trợ học sinh, san sẻ một phần gánh nặng về kinh tế với gia đình.
Sau khi bị phàn nàn là thu học phí online quá đắt, Trường Tiểu học & THCS Everest (Hà Nội) đã quyết định giảm 60% học phí từ tháng 4, chỉ lấy đủ để trang trải chi phí vận hành. Nhà trường cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính với những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, bên cạnh việc cung cấp thiết bị Ipad, máy tính giúp cha mẹ và học sinh không phải đầu tư thêm. Hầu hết các phụ huynh đều ủng hộ hành động sáng suốt và nhân văn này của trường.
Trường Song ngữ Quốc tế Hà Nội Academy cũng vừa thông báo sẽ không thu học phí và bất kể phí dịch vụ nào trong suốt 3 tháng các học sinh phải nghỉ vì dịch. Đồng thời, nhà trường cũng cam kết sẽ triển khai việc dạy và học trực tuyến miễn phí, hướng tới mục tiêu giúp học sinh hoàn thành chuẩn kiến thức và kỹ năng tại của năm học 2019-2020.
Trước đó, một cơ sở giáo dục khác tại Hà Nội là Trường Marie Curie cũng khẳng định sẽ không thu bất kỳ khoản phí nào từ học sinh, kể cả chi phí dạy online. Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng nhà trường - đã bày tỏ trong thư ngỏ: "Tôi vẫn lo được cho đời sống của các thầy cô giáo và nhân viên trong trường. Chắc chắn sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Trong thời điểm dịch bệnh này, bất cứ ngành nghề nào cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại không ít tiền của. Bản thân phụ huynh - dù là người làm công ăn lương hay chủ doanh nghiệp - cũng có những nỗi lo “cơm áo gạo tiền” riêng, phải cân nhắc và tính toán chi li từng đồng tiền bỏ ra. Do đó, những khúc mắc của họ về vấn đề học phí là hoàn toàn dễ hiểu.
Vì tương lai của con em, hầu hết các bậc phụ huynh đều không tiếc tiền đóng học phí cao ngất ngưởng, thậm chí còn sẵn sàng hỗ trợ ngược lại cho các trường. Điều họ mong muốn là các trường phải minh bạch về tài chính, đưa ra những chính sách hợp tình hợp lý cũng như đảm bảo việc học của các con được diễn ra một cách có hiệu quả nhất trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
(Tổng hợp)
Nhịp sống kinh tế
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19