Đấu giá đất: Đừng chỉ nghĩ đến giá cao hay thấp
Các chuyên gia cho rằng nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất nhưng tránh can thiệp quá sâu gây cản trở nhà đầu tư và khiến thị trường đấu giá kém minh bạch.
- 20-04-2022Giá đất đấu giá ở Gia Lai tăng đột biến 365%, phân lô bán nền tràn lan
- 17-04-2022Doanh nghiệp trúng đấu giá đất 1.500 tỷ nhưng sẵn sàng nộp phạt chậm 1.200 tỷ để đợi giá đất lên
- 15-04-2022Tận dụng nguồn thu từ đấu giá đất, sớm đưa Thanh Trì lên quận
Tại hội thảo " Đấu giá Quyền sử dụng đất- Thực tiễn pháp lý và giải pháp" do Báo Pháp luật TP HCM, Viện Kinh tế Xanh và Trường ĐH Kinh tế Luật phối hợp tổ chức sáng 20-4, các chuyên gia cho rằng đấu giá quyền sử dụng đất là chủ trương đúng đắn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, góp phần ổn định thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, đấu giá quyền sử dụng đất không chỉ liên quan đến Luật Đấu giá mà còn liên quan hàng loạt luật khác. Hệ thống quy định hướng dẫn dù có chi tiết, cụ thể nhưng vẫn còn bất cập, chồng chéo nên cần hoàn thiện các quy định liên quan.
PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế Luật, cho rằng đấu giá quyền sử dụng đất thì được tiến hành với "đất sạch", "bán công khai" và theo đúng quy định Luật Đầu tư. Thế nhưng, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt, kết quả là việc tiếp cận, xem xét ở góc độ tổng thể của các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Điển hình, trong quy định về những nội dung cần thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư thì hoàn toàn không có nội dung thẩm định là "năng lực tài chính của nhà đầu tư", trong khi đây là bước đánh giá đầu tiên trước khi tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất. Quy định về thời gian thanh toán, tỉ lệ đặt cọc, thanh toán cũng khác nhau ở các địa phương trên cả nước.
Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng trong chuyện đấu giá quyền sử dụng đất, đừng chỉ nghĩ đến giá đấu, phải tối đa hóa nguồn thu mà phải nghĩ đến vấn đề kiến trúc, mỹ quan và các cơ hội thu hút nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) còn phải xem xét đến yếu tốt "bất động sản tinh hoa".
Theo bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, nhà nước ngoài việc đánh giá năng lực tài chính phát triển dự án của chủ đầu tư tham gia đấu giá tại Thủ Thiêm thì cần xem xét về năng lực phát triển dự án của nhà đầu tư có thể đóng góp xứng tầm về kiến trúc của khu đô thị mới này cũng như nền kinh tế trong tương lai hay không.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng giá đấu không phải là tất cả, không phải cứ cao là quan trọng, mà điều cần thiết là mảnh đất đó được dùng thế nào. Nó còn mang cả kiến trúc cảnh quan, bộ mặt cho TP HCM.
"Chính sách phải khách quan để các doanh nghiệp không "nản". Cần thiết hoàn thiện khung pháp lý nhưng đừng đặt mục tiêu quá hẹp mà cần nghiên cứu mở rộng quan điểm, mục tiêu, tìm ra công cụ đấu giá quyền sử dụng đất đất hợp lý nhằm tăng giá trị đấu giá chứ không chỉ chăm chăm vào tiền. Phải hết sức cân nhắc tính khả thi của dự án, đồng thời hạn chế can thiệp quá sâu ở khâu đầu vào mà cần hậu kiểm. Đừng để nhà đầu tư mất cảm xúc ở khâu đầu vào" - ông Hiếu góp ý.
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, ĐH Luật Hà Nội, việc đấu giá đất Thủ Thiêm là câu chuyện của "luật chơi và sân chơi". Xét về luật thì người tham gia đấu giá không vi phạm, không nên vì câu chuyện Thủ thiêm mà siết chặt hoạt động đấu giá. Còn về "luật chơi" thì cần phải điều chỉnh các luật liên quan đấu giá quyền sử dụng đất như: Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản...
Người lao động