MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là bí mật của một địa phương khuất nẻo, thuần nông nhưng nhiều năm liền "vượt mặt" các thành phố lớn trong mắt giới kinh doanh?

Ngày mai (22/3) chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sẽ được công bố với nhiều nội dung được dư luận quan tâm, đặc biệt là các tỉnh xếp hạng cao có còn giữ được vị thứ của mình. Trong đó có Đồng Tháp, địa phương được xem là hiện tượng lạ vì chỉ là một tỉnh nghèo, thuần nông nhưng năm 2017 đã đứng ở vị trí thứ 3, duy trì lần thứ 9 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành. Trong khi đó, TP. HCM đứng thứ 8, Hà Nội thứ 14, Bắc Ninh thứ 17.

Đồng Tháp là một địa phương thuần nông, tài nguyên thiên nhiên không có gì làm nổi bật. Dù vậy, nhiều năm liền địa phương này đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về môi trường đầu tư. Điều này thể hiện rõ qua vị thứ trên bảng xếp hạng PCI nhiều năm trở lại đây.

Là một địa phương nghèo, thuần nông, không có nhiều lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên, thực tế, địa phương này đã có cách làm khác nếu không muốn bị tụt hậu.

Tư duy khác đổi khác của người lãnh đạo...

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư của Tỉnh Đồng Tháp từng khiến cho một doanh nhân bộc bạch, chọn "đất sen" làm nơi khởi nghiệp vì có một ông Bí thư hay cười. Câu nói nổi tiếng của ông là "Tôi không làm chính trị, tôi chỉ là người kết nối".

Và thực tế, ông đã luôn làm đúng vai trò "người kết nối" mà tự ông đặt ra. Ví dụ, khi ra Hà Nội họp, ông Hoan sẽ mang theo một số đặc sản của vùng để giới thiệu. Trên bàn tiệc đãi khách của ông cũng vậy, mời ở đâu ông sẽ hỏi có gì đặc sản để mời khách ăn. Bởi đấy là cách quảng bá, xúc tiến cho địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương lại được biết đến là người phát động thực hiện quán cà phê doanh nhân – điểm sáng được nhiều tỉnh học theo trong thời gian qua. Mô hình này thể hiện sự chân tình, cầu thị, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân và doanh nghiệp, theo nhận xét của ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank tại Việt Nam.

Cũng chính ông Dương, năm 2017 khi chỉ số PCI của Đồng Tháp tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 3 đã viết thư cảm ơn doanh nghiệp. Trong đó, ông cho biết dù PCI vẫn ở vị trí cao nhưng chưa thấy thực sự hài lòng vì vẫn còn nhiều việc phải làm, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ để biến "đất sen" thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Nhờ tư duy đổi mới của người đứng đầu, nhiều ý tưởng đã được nuôi dưỡng, cho ra đời, một trong số đó là việc Đồng Tháp là tỉnh đi đầu trong cách làm truyền thông địa phương.

Giúp thai nghén và cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo 

Tháng 7/2017, trên hệ thống chat của Zalo xuất hiện bộ sticker độc đáo, là hình ảnh bông hoa sen được nhân hoá mang sắc thái vui tươi, ngộ nghĩnh, tên gọi Bé Sen, vốn là linh vật của tỉnh Đồng Tháp. Việc cho ra đời bộ sticker nói trên đã giúp lan toả thương hiệu Đồng Tháp đến những người chưa biết đến địa phương này.

Để phát triển về du lịch, tỉnh cũng đã có một quyết định đặc biệt, biến trụ sở UBND tỉnh thành địa điểm tham quan, chụp hình vào mỗi thức 7 hàng tuần. Bởi lẽ, như ông Dương nói: "Đã là UBND mà người dân không được ra vào tham quan sao gọi là trụ sở của nhân dân được? Cần linh hoạt để chính quyền và người dân gần gũi, gắn kết với nhau hơn".

Tỉnh cũng đã có một bản Đề án Tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 – 2020 và các năm tiếp theo dài 80 trang với các trọng tâm chi tiết cụ thể đã được soạn thảo từ cuối năm 2014 và được chính thức thông qua ngày 26/5/2015. Trong đó, tỉnh tập trung vào 3 mảng chính: nông nghiệp công nghệ cao – du lịch sinh thái – xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, Đề án còn chú trọng xây dựng một chính quyền thân thiện, một trụ cột quan trọng hỗ trợ hết mình cho những trọng điểm kia.

Chính nhờ những điều này, Đồng Tháp giờ đây đã được nhắc đến nhiều hơn như là một địa phương khởi nghiệp về nông nghiệp của cả nước, miệt vườn sinh thái cho du lịch… Nhưng trong đó, nổi bật hơn cả là chính quyền thân thiện, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp làm ăn.

Ngày mai (22/3) tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2017.

Đây là năm thứ 13 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau như: thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng… PCI cũng đánh giá mức độ hỗ trợ của chính quyền như: tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên