Đâu là khu vực "nóng" nhất trên thị trường bất động sản TP.HCM giai đoạn 2018-2020?
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết lâu nay, nhắc đến sự bứt phá về hạ tầng là nhắc nhiều đến khu Đông Sài Gòn. Tuy nhiên, từ năm 2018, khu vực phía Nam cũng sẽ được chú ý nhiều đến với hàng loạt chính sách mới về phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị để trở thành một mạng lưới kết nối của các khu vực.
- 11-12-2017Toàn cảnh hiện trạng hạ tầng giao thông khu Đông Sài Gòn
- 09-11-2017Toàn cảnh hiện trạng hạ tầng giao thông trên "ốc đảo" Cần Giờ - Nơi kỳ vọng sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng của Sài Gòn
- 24-10-2017Kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước cần nhiều nguồn vốn để cải tạo
- 23-10-2017Hệ thống hạ tầng giao thông tại Long An đã thay đổi như thế nào trong 5 năm qua
Báo cáo giải trình của Sở giao thông vận tải TP.HCM cũng cho biết các nút thắt hạ tầng giao thông tại khu Nam sẽ được tháo gỡ trong năm 2018-2019. Cụ thể cầu Thủ Thiêm 4 kết nối quận 4 và quận 2, cầu Kênh Tẻ 2, cầu vượt giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ.... sẽ là những dự án buộc phải triển khai ngay.
Ngoài ra, còn có hàng loạt công trình trọng điểm với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD, kết nối khu Nam với trung tâm thành phố. Nổi bật như dự án tuyến metro số 4, kết nối quận 7, Nhà Bè với các quận trung tâm có kinh phí đầu tư dự kiến đến 97.000 tỷ đồng. Hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ có tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công vào tháng tháng 3/2018.
Đặc biệt nhất, UBND TP.HCM vừa có văn bản giao cho các đơn vị liên quan tiến hành kế hoạch đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến đường Nguyễn Tất Thành từ 14m lên 45m trong năm nay. Đây là con đường huyết mạch nhất tại khu trung tâm thành phố, nối trực tiếp quận 1 với khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Song song đó, TP.HCM cũng có chủ tương di dời các cảng nội thành như cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4), cảng rau quả TP.HCM (quận 7) để dành đất phát triển đô thị, đồng thời mở rộng một số tuyến đường xung quanh các cảng này nối thẳng trực tiếp đến một số quận, huyện thuộc khu Nam.
Còn theo CBRE Việt Nam, sau gần 5 năm, nguồn cung nhà ở các phân khúc của khu Nam Sài Gòn đã chính thức "vượt mặt" khu Đông và sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường trường trong thời gian tới. Cụ thể, trong năm 2017, thị trường địa ốc khu Nam đón nhận nguồn cung mới từ 52 dự án với quy mô hơn 27.000 căn hộ, nhà phố và biệt thự, chiếm 54% tổng lượng cung của toàn thị trường. Với kết quả này, lần đầu tiên sau 4 năm kể từ năm 2014, khu Nam chính thức vượt mặt khu Đông (16.342 căn hộ, nhà phố, biệt thự..) trở thành khu vực nóng nhất tại thị trường bất động sản TP HCM.
CBRE cho rằng thời gian 3 năm trở lại đây, đặc biệt nhất là giai đoạn cuối 2016 đến 2017, không chỉ giới đầu tư trong nước mà các tập đoàn BĐS đến từ nước ngoài cũng nhận ra tiềm năng khu Nam khá nhanh và đã kịp thời có những cái bắt tay với một số đối tác để phát triển nhiều dự án quy mô khá lớn. Mới đây Công ty BĐS Phý Mỹ Hưng mở bán dự án mới ở phân khúc cao cấp, với giá 70 triệu đồng/m2.
Gần đây nữa, Tập đoàn Sanyo Homes – một tên tuổi có 50 năm phát triển các dự án bất động sản nổi tiếng nhất tại Nhật Bản cũng đã bước chân vào khu Nam khi hợp tác cùng Tiến Phát tại dự án căn hộ Ascent Lakeside. Dự án này toạ lạc ở vị trí đắc địa với mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh với quy mô 217 căn với cơ cấu sản phẩm đa dạng bao gồm apartment, garden house, penhouse, officetel… Giá trung bình 38 triệu đồng/m2 (chưa VAT). Dự án do Công ty HBC làm tổng thầu xây dựng và dự kiến sẽ đưa ra thị trường vào đầu 2018.
Ngoài ra, có thể kể đến một số dự án bung hàng khu Nam mới đây như: Công ty cổ phần Nhà Mơ chính thức công bố thông tin dự án Khu cao ốc ven sông Dream Home Riverside; DRH cũng vừa triển khai xây dựng dự án DRH Aurora tại quận 8. Hay Công ty BĐS Hưng Lộc Phát cho biết, ngay đầu năm 2018, đơn vị này sẽ chào bán ra thị trường dự án The Green Star (đường Phạm Hữu Lầu, Phú Mỹ Hưng, quận 7) với 100 căn biệt thự nhà phố và 1.000 căn hộ chung cư thương mại. Công ty Quốc Cường Gia Lai chuẩn bị giới thiệu ra thị trường dòng sản phẩm căn hộ cao cấp Lavida 1, 2 tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).
Tại quận 7, nguồn tin từ Tập đoàn Hưng Thịnh tiết lộ, doanh nghiệp này chuẩn bị mở bán một dự án mới với con số sản phẩm lớn lên tới khoảng 4.000 căn hộ cao cấp ngay tại khu vục đường Đào Trí. Ngoài ra, nhiều ông lớn khác đã đạt mục tiêu thâu tóm quỹ đất tại khu Nam thời gian qua như Kiến Á Group, Phú Long, VinaCapital, Hoàn Cầu, Đức Long Gia Lai… cũng đang triển khai hoặc đẩy nhanh dự án ra thị trường.
Theo quan sát, tại khu Nam nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm qua đã tiến hành thâu tóm khá nhiều dự án có diện tích đất lớn và dự kiến sẽ tung dự án mới ra thị trường trong năm nay. Điển hình như thương vụ tập đoàn Sunny Land đã mua lại một phần dự án Khu dân cư Phước Kiển của QCG; một tập đoàn địa ốc đến từ Malaysia cũng đã mua lại dự án River City; các nhà đầu tư Nhật Bản không muốn chậm chân khi mua lại dự án The EverRich 3 của công ty BĐS Phát Đạt...
Đánh giá về triển vọng khu Nam trong những năm tới ông Châu cho biết, thị trường bất động sản khu Nam TP.HCM sẽ được tháo nút thắt hạ tầng trong năm 2018. Từ góc độ này chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM khẳng định thị trường bất động sản ở khu vực này sẽ tăng trưởng mạnh trong niên độ từ 2018 – 2020.