MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là lý do các quỹ ngoại ồ ạt đăng ký bán cổ phiếu ACB?

Theo phân tích của một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường, việc các quỹ ngoại đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu ACB đến từ việc ACB đang sở hữu 41 triệu cổ phiếu quỹ và lượng cổ phiếu quỹ này không được chia cổ tức khiến cho tỷ lệ sở hữu của nước ngoài vượt quá room cho phép và quỹ ngoại phải bán ra.

Hai tuần vừa qua, một số quỹ ngoại đăng ký bán một số lượng lớn cổ phiếu ACB của Ngân hàng ACB. Cụ thể như một số quỹ của Dragon Capital đăng ký bán số lượng cổ phiếu lên tới gần 2 triệu cổ phiếu hay như Asia Reach Investments Limited đăng ký bán 1,29 triệu cổ phiếu.

Điều đáng nói là, các quỹ ngoại kể trên đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu ACB trong bối cảnh ngân hàng này vừa báo lãi kỷ lục. 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã đạt 3.622 tỷ đồng LNTT, thực hiện gần nửa kế hoạch LNTT cả năm. Tính đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của ACB đạt hơn 350.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng vừa đón tin vui khi được NHNN chấp thuận nâng room tín dụng từ 13% lên 17%. Trong nửa đầu năm, tín dụng của ACB đã tăng ~9%, tương đương tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng.

Cũng phải nói thêm rằng, cổ phiếu ACB trong suốt một thời gian dài đều kín room ngoại. Vậy thì, lý do gì các quỹ ngoại phải bán ra cổ phiếu khi cổ phiếu ACB đã về vùng đáy giá một năm trong những ngày đầu tháng 8 này?

Đâu là lý do các quỹ ngoại ồ ạt đăng ký bán cổ phiếu ACB? - Ảnh 1.

Khối ngoại đăng ký bán cổ phiếu ACB trong bối cảnh cổ phiếu này đã giảm về vùng đáy giá một năm

Trao đổi với chúng tôi, một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường cho biết, thật ra câu chuyện quỹ ngoại bán vốn tại ACB sẽ không có gì quá khó hiểu nếu xem lại quá khứ của cổ phiếu này. Sau những lần ACB chia cổ tức bằng cổ phiếu, các quỹ nước ngoài đều đăng ký bán ra. Việc này đến từ lý do ACB hiện sở hữu  41 triệu cổ phiếu quỹ và số lượng cổ phiếu quỹ này không được chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vì thế, số lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ vượt quá room nước ngoài hiện tại là 30%. Và vì thế, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký bán ra cổ phiếu ACB để đảm bảo giới hạn room ngoại. Nhà đầu tư này cho rằng "tất cả chỉ là lý do kỹ thuật, hoàn toàn không liên quan tới việc có bất cứ lý do gì về nội tại bản thân của ngân hàng để nhà đầu tư nước ngoài phải bán tháo cổ phiếu ACB như thế".

Theo lý luận của nhà đầu tư nói trên thì hiện tại cổ phiếu ACB đã giảm hơn 35% kể từ ngày đạt đỉnh vào tháng 4 năm ngoái trong bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận tốt và đảm bảo chất lượng tài sản.Nhà đầu tư này nhận định cổ phiếu ACB hiện đang được giao dịch ở mức Price to Book năm 2020 là 1.0x và mức Price to Earnings năm 2020 là 5.2x.

Theo thông tin chúng tôi có được, ngân hàng ACB cũng vừa có thông báo giảm room ngoại từ 30% về 29,71% sau khi phát hành thành công cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%.

Hải An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên