Đầu năm Giáp Thìn nên mua vàng SJC hay vàng nhẫn?
Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố rủi ro lớn là giá vàng SJC và vàng nhẫn đều đang chênh lệch cao so với thế giới, nên có thể lao dốc nếu chính sách quản lý vàng có thay đổi.
- 15-02-2024Giá vàng miếng SJC ‘bay màu' 800.000 đồng/lượng sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024
- 15-02-2024Soi danh mục đầu tư của “vua tiền mặt" trên sàn CK: Gửi hơn 112.000 tỷ tại ngân hàng, rót gần 79.500 tỷ vào trái phiếu, lãi cả vạn tỷ từ hoạt động tài chính
- 15-02-2024Nhận cuộc gọi từ nhân viên ngân hàng, tài khoản tiết kiệm của một người phụ nữ bay gần 600 triệu đồng, ngân hàng từ chối trách nhiệm
Ngày 15-2 (mùng 6 tháng Giêng), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mua vào 76 triệu đồng/lượng, bán ra 78,3 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 600.000 đồng/lượng so với trước kỳ nghỉ Tết. Tập đoàn DOJI giao dịch vàng SJC quanh 75,95 triệu đồng/lượng mua vào, 78,25 triệu đồng/lượng bán ra.
Một số tiệm vàng niêm yết giá vàng SJC trong khoảng 77,2 - 77,7 triệu đồng/lượng (mua-bán). Như vậy, sau khi các doanh nghiệp vàng lớn giao dịch trở lại, giá vàng SJC đã thu hẹp đáng kể giữa thị trường tự do với các điểm được cấp phép chính thức mua bán vàng miếng SJC.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại lại ổn định quanh 63,2 triệu đồng/lượng mua vào, 64,4 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong bối cảnh giá vàng trong nước neo cao, nhiều người băn khoăn giá kim loại quý này có còn động lực để tăng tiếp? Nếu nắm giữ vàng thì nên mua vàng nhẫn hay vàng SJC? Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), phân tích thông thường giá vàng dịp trước Tết đến dịp Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) thường tăng cao. Do vậy, mua vào thời điểm này khá rủi ro.
"Bởi giá vàng nhẫn chạy theo giá thế giới và năm 2024 giá kim loại quý trên thị trường quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất. Riêng vàng SJC với mức chênh lệch quá cao so với thế giới là rất rủi ro" - ông Nguyễn Thế Hùng nói.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng yếu tố rủi ro lớn của giá vàng trong nước cách biệt quá lớn với giá thế giới. Nếu vàng nhẫn cao hơn thế giới khoảng 3-4 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC thường xuyên cao hơn thế giới tới 17-19 triệu đồng/lượng. Trường hợp cơ quan quản lý can thiệp để bình ổn thị trường vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và ngoài nước sẽ thu hẹp đáng kể, có thể chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/lượng, tức giá vàng SJC sẽ giảm rất mạnh.
"Với vàng nhẫn 24K các loại, nếu có giảm cũng giảm ít hơn vàng SJC. Đồng thời, giá vàng nhẫn cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng, thấp hơn nhiều mức chênh lệch giữa vàng SJC với thế giới, nên rủi ro sẽ ít hơn" - ông Phương nêu quan điểm.
Riêng tỉ lệ nắm giữ vàng trong danh mục tài sản, chuyên gia của VGB cho rằng trong đầu tư theo nguyên tắc không bỏ trứng vào một giỏ nên có một tỉ lệ vàng như kênh đầu tư an toàn. Có điều, tỉ lệ bao nhiêu và mua vào với giá nào thì tùy khẩu vị rủi ro của từng người.
Kết thúc năm 2023, giá vàng SJC chốt ở mức 76 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 24K các loại chốt ở 63 triệu đồng/lượng, cùng tăng khoảng 9 triệu đồng/lượng. Mức tăng của giá vàng SJC khoảng 13,4% trong khi mức tăng của giá vàng nhẫn khoảng 16,6%, tức tăng khá cao so với tiền gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, trong năm cũng có những thời điểm giá vàng "sóng gió" khi giá vàng SJC có thời điểm tăng một mạch từ 70 triệu đồng lên vượt 80 triệu đồng/lượng rồi lao dốc không phanh hồi đầu tháng 12-2023.
Người lao động