MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tàu kinh tế châu Âu đối mặt câu hỏi sống còn: Ai sẽ nuôi sống 83 triệu dân

03-08-2024 - 13:30 PM | Tài chính quốc tế

Khi những lão nông không còn khả năng lao động, nền kinh tế Đức đối mặt câu hỏi: Ai sẽ làm việc để cung cấp thực phẩm cho hơn 83 triệu dân?

Đầu tàu kinh tế châu Âu đối mặt câu hỏi sống còn: Ai sẽ nuôi sống 83 triệu dân- Ảnh 1.

Ở Zullighöven, một ngôi làng nhỏ tại bang North Rhine-Westphalia (Đức), bà Dorothee Hochgürtel vẫn hàng ngày chăm sóc nông trại có 30 con dê, 60 con cừu, một vài con ngựa. Ngoài ra, bà còn có 1 vườn cây ăn quả, trồng hơn 130 loại táo khác nhau. Đó là cuộc sống của bà kể từ năm 2001 tới nay.

Từng là một dược sĩ, bà Hochgürtel có quyết định quan trọng vào 2 thập kỷ trước khi trở thành một nông dân bán thời gian. Bà luôn duy trì các loại cây lâu năm và canh tác đất theo phương pháp hữu cơ – không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.

Ở tuổi 65, dù không còn phải lo cơm ăn, áo mặc nhưng có một điều đang dần trở thành ám ảnh lớn nhất với bà Hochgürtel: Ai sẽ kế thừa nông trại này.

Bà Hochgürtel có 2 người con nhưng đều đang theo đuổi công việc họ yêu thích. Dù rất tự hào với điều đó nhưng trong thâm tâm, bà Hochgürtel vẫn mong các con quan tâm đến việc kế nghiệp mình dù điều đó ngày càng trở nên "bất khả thi".

Ngay cả khi chấp nhận trao lại cơ ngơi cho người ngoài, bà Hochgürtel cũng không biết có người nào sẵn sàng kế nghiệp mình hay không.

Bà Hochgürtel không phải là nông dân Đức duy nhất đang vật lộn để tìm người kế nhiệm nông trại. Một người bạn của bà đã giao lại nông trại của mình cho người con trai 30 tuổi. Nhưng không lâu sau đó, người thanh niên này gặp khó khăn về kinh tế khi vận hành nông trang.

Đầu tàu kinh tế châu Âu đối mặt câu hỏi sống còn: Ai sẽ nuôi sống 83 triệu dân- Ảnh 2.

Ngành nông nghiệp Đức đóng góp chưa đến 1% vào GDP và ít quan trọng đối với nền kinh tế hơn so với các nước láng giềng là Pháp và Ba Lan. Thế nhưng, đây vẫn là lĩnh vực quan trọng, góp phần nuôi sống 83 triệu người.

Reinhard Jung, cố vấn chính sách tại Freie Bauern (tạm dịch: Hội Nông dân Tự do – một nhóm vận động hành lang của nông dân) cho biết ngành nông nghiệp Đức hiện đang chịu tác động nặng nề từ một yếu tố không thể đảo ngược: Thay đổi nhân khẩu học.

“Tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề xảy ra ở mọi lĩnh vực”, ông nói với tờ DW (Đức). Trong đó, nông nghiệp là ngành đặc biệt bất lợi trong cuộc đua thu hút lao động trẻ.

Ông Jung cho biết, vì giới trẻ ngày nay “muốn có sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống”, nên làm việc nhiều giờ liền mà không có ngày nghỉ lễ – điều đã trở thành thông lệ của thế hệ nông dân Đức lớn tuổi – “không phải là lựa chọn” dành cho thế hệ trẻ.

Hơn nữa, những người nông dân trẻ mà gia đình không sở hữu trang trại ở đây ngày càng gặp khó trong việc mua hoặc thuê đất nông nghiệp do giá tăng cao trong thập kỷ qua. Đầu cơ đất đai sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 và sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty thực phẩm đa quốc gia đối với đất canh tác khiến giá đất không thể giảm trở lại.

Đầu tàu kinh tế châu Âu đối mặt câu hỏi sống còn: Ai sẽ nuôi sống 83 triệu dân- Ảnh 3.

Theo số liệu của chính phủ công bố vào tháng 4, giá thuê đất nông nghiệp ở Đức đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, đạt mức trung bình cho 357 euro (9,7 triệu VND)/ha vào năm 2023 và tăng 9% so với năm 2020.

Tính đến cuối năm 2023, khoảng 85% trang trại ở Đức được vận hành bởi các hộ gia đình. Hơn một nửa trong số đó được canh tác như một nghề tay trái của nông dân đang có công việc toàn thời gian. Những trang trại này thường có quy mô nhỏ, rộng trung bình 46 ha.

Đầu tàu kinh tế châu Âu đối mặt câu hỏi sống còn: Ai sẽ nuôi sống 83 triệu dân- Ảnh 4.

Điều khiến bà Hochgürtel ngày càng lo lắng là tần suất xảy ra thời tiết khắc nghiệt ngày càng tăng.

Bà cho rằng biến đổi khí hậu gây ra thời tiết bất lợi, khiến việc canh tác trở nên khó lường hơn. Những đợt nắng nóng gay gắt vào mùa hè và mưa dài ngày trong năm nay đã ảnh hưởng đến vụ táo của bà. “Những tổn thất do biến đổi khí hậu khiến việc quản lý một nông trại tốn kém hơn nhiều”, bà nói.

Tuy nhiên, ông Jung không cho rằng có mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sự thờ ơ của những người trẻ tuổi đối với làm nông. Ông cho rằng điều làm nản lòng nông dân chính là thủ tục hành chính nặng nề do Liên minh châu Âu (EU) ban hành nhằm hướng tới một nền nông nghiệp vững hơn.

“Tôi thấy rất nhiều người trẻ muốn và thích làm nông nghiệp. Nhưng các quy định về bền vững trong nông nghiệp lại được đưa ra bởi các chính trị gia – những người cho rằng nông nghiệp sẽ gây ô nhiễm môi trường”.

Đầu tàu kinh tế châu Âu đối mặt câu hỏi sống còn: Ai sẽ nuôi sống 83 triệu dân- Ảnh 5.

Christina Vogel từ Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) cho biết làm nông là 1 thách thức.

Bà nói với DW rằng: “Hiện nay có rất nhiều quy định pháp lý liên quan đến tiêu dùng, biến đổi khí hậu, giá cả đầu vào, và nông sản”.

Vogel nhận định bộ máy quan liêu nặng nề của EU là một trở ngại. “Để biến làm nông thành một lựa chọn nghề nghiệp tiềm năng, cần đem lại triển vọng ổn định lâu dài cho những người nông dân tương lai. Một yếu tố quan trọng khác là giảm bớt thủ tục hành chính và quan liêu vốn đang cản trở công việc kinh doanh trong ngành”.

Đầu tàu kinh tế châu Âu đối mặt câu hỏi sống còn: Ai sẽ nuôi sống 83 triệu dân- Ảnh 6.

Theo nhà kinh tế học Panu Poutvaara thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz thuộc Đại học Munich, điều kiện làm việc cũng như thu nhập là hai yếu tố chính khiến những người trẻ thờ ơ với việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Không có gì ngạc nhiên khi những người trẻ lựa chọn nghề có mức lương cao hơn. Nhưng tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp sẽ ít tác động lên kinh tế chung vì ngành này đóng góp không nhiều vào tổng sản lượng kinh tế của Đức”.

Tuy vậy, những vấn đề mà nông dân Đức đang gặp phải đã thu hút sự chú ý của công chúng vào mùa đông năm nay. Hàng ngàn nông dân đã chặn đường phố ở thủ đô Berlin bằng máy kéo để phản đối kế hoạch xóa bỏ trợ cấp cho dầu diesel nông nghiệp của chính phủ.

Các cuộc biểu tình chỉ thành công phần nào do chính phủ chỉ đồng ý cắt giảm trợ cấp trong một thời gian thay vì hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch như yêu cầu của nông dân.

Vì vậy, đối với hầu hết những người Đức trẻ tuổi, làm việc ở nông trại có lẽ là điều không tưởng, ông Panu Poutvaara nói.

Chuyên gia kinh tế cho biết một thanh niên người Đức nói với ông rằng tất cả những gì anh ấy biết về nghề này là nó không ổn định và “có vẻ rất lắm việc”.

Đầu tàu kinh tế châu Âu đối mặt câu hỏi sống còn: Ai sẽ nuôi sống 83 triệu dân- Ảnh 7.

Một người trẻ khác nói với tôi rằng ở một “quốc gia phát triển”, “mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống” là chính đáng. “Ngoài ra, chúng ta đã trải qua cuộc cách mạng công nghiệp, vì vậy tôi không nghĩ sẽ coi làm nông là một nghề tiềm năng”, ông Poutvaara nói.

Trong khi đó, bà Hochgürtel quyết tâm tiếp tục sống với ước mơ miễn là bà còn có thể đi trên mảnh đất mà mình sở hữu. Bà thậm chí còn lên kế hoạch cho tương lai, bao gồm việc cho những người có thể đã quên nghề nông thấy những đôi bàn tay đang nuôi sống họ.

“Tôi hy vọng mình có thể làm điều này trong nhiều năm tới. Tôi cũng đang tổ chức các chuyến tham quan cho các trường học, các sự kiện nhóm và một lễ hội nông trại lớn vào mùa thu. Tôi chỉ muốn duy trì ý niệm về nghề nông theo những cách khác nhau”, bà nói.

Y Vân

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên