Đầu tư công: Có tình trạng 'xếp hàng nhận chỗ'
Theo đại biểu Quốc hội, cần xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm thay vì 5 năm, đưa ra các tiêu chí xếp hạng dự án, có chấm điểm rõ ràng, minh bạch để tránh tình trạng “xin-cho”, "xếp hàng nhận chỗ".
- 11-08-2022Chậm giải ngân vốn đầu tư công: "Trên nóng, dưới lạnh"?
- 09-08-2022Quảng Nam dự kiến chi gần 8.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm 2023
- 05-08-2022Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Nguy cơ tái diễn đầu tư dàn trải, lãng phí
Ngày 12/8, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016- 2021 làm việc với Bộ KH&ĐT. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ đã chủ động sắp xếp, tổ chức lại, giảm đầu mối cấp phòng, qua đó giảm 15 phòng, tương ứng với giảm 27 lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Trong giai đoạn này, Bộ cũng thực hiện 52 cuộc thanh tra, kiểm tra có nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tổng số tiền 1.826 tỷ đồng.
Đại diện Tổ công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ KH&ĐT đã có nhiều cố gắng, đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, Tổ công tác cũng cho rằng, Luật Đầu tư công 2019 sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ hạn chế nhất định; việc phân cấp mạnh cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư, trong giao kế hoạch trung hạn theo danh mục… dẫn đến có lúc, có nơi thể hiện tư duy nhiệm kỳ, nguy cơ tái diễn đầu tư dàn trải, lãng phí. Trong đó, việc chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư dẫn tới giao kế hoạch vốn trung hạn và dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, phải giao nhiều lần. Việc thực hiện tại một số dự án còn nhiều hạn chế, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự…
Về đầu tư công trung hạn 5 năm, Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, đến năm 2021 có 1.921 dự án chậm tiến độ. Về số dự án thất thoát, lãng phí, năm 2016 có 590 dự án, năm 2017 có 840 dự án, năm 2018 có 422 dự án, năm 2019 có 125 dự án, năm 2020 có 923 dự án, năm 2021 có 342 dự án….
Liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, đang có tình trạng có tiền nhưng không dùng đến. Tổng số chuyển nguồn (cả đầu tư công và chi thường xuyên) năm 2021 lớn hơn 2 lần so với năm trước. Đáng nói là vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được nêu ra rất nhiều lần, gây ra lãng phí nguồn tiền, lãng phí cơ hội, đặc biệt là lãng phí cơ hội đối với dự án đang cần triển khai nhưng không triển khai được do không nằm trong danh mục dự án đầu tư công. Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, đặc biệt có tình trạng “xếp hàng nhận chỗ” trong danh mục đầu tư công trung hạn…
Trách nhiệm người đứng đầu
Để vốn đầu tư công được sử dụng hiệu quả, ông Hoàng Văn Cường đề nghị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm thay vì 5 năm và để tránh tình trạng “xin- cho”, cần nêu cụ thể các tiêu chí xếp hạng dự án, có chấm điểm rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, cần phân cấp mạnh cho các địa phương, như vậy sẽ không còn lo ngại tình trạng tư duy nhiệm kỳ, nguy cơ đầu tư dàn trải, lãng phí. Bởi khi đó, Bộ sẽ có vai trò độc lập, có thời gian để giám sát, kiểm tra việc triển khai ở các địa phương.
Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, một trong nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ ở Hà Nội. Ảnh: Duy Phạm
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng, lĩnh vực đầu tư công thời gian qua “nhìn ở đâu cũng thấy thất thoát, lãng phí”. Đại biểu đặt câu hỏi, việc hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra xử lý trách nhiệm của những sai phạm, lãng phí đã được Bộ KH&ĐT làm hết trách nhiệm hay chưa?
Kết quả thanh tra tại các địa phương đã ban hành 47 kết luận, kiến nghị xử lý 762 tỷ đồng, liệu đã đúng với lĩnh vực quản lý so với số tiền đầu tư lên tới hàng triệu tỷ đồng trong 5 năm qua? Trách nhiệm quản lý nhà nước, việc hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra xử lý sai phạm được thực hiện như thế nào?... Ông Lâm đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, bởi đây là vấn đề đang ngày càng nóng, càng bức xúc.
Kết luận phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, đề nghị làm rõ hơn ưu điểm nổi bật như triển khai kế hoạch và đầu tư công trung hạn, tháo gỡ vướng mắc để giảm vốn đầu tư của ngân sách nhà nước... Đối với khuyết điểm tồn tại cần nêu dẫn chứng, đồng thời làm rõ nguyên nhân chủ quan và chỉ ra trách nhiệm, trong đó gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Tiền phong