Đầu tư công: Giải ngân tốc độ rùa
Giải ngân vốn đầu tư công (yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế phục hồi sau COVID) hiện rất thấp. Hầu hết các bộ, ngành trung ương giải ngân dưới 15% trong 5 tháng đầu năm. Tình trạng chậm này khiến các bộ, ngành, địa phương được ví như những “ông rùa”.
- 12-06-2021Lo đầu tư công “vỡ trận” vì giá vật liệu xây dựng tăng phi mã
- 11-06-20218/13 bộ, ngành vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài
- 11-06-2021Hàng tỷ USD đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo: Khởi đầu làn sóng đầu tư mới
Dẫn đầu cũng... chật vật
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là một trong những đơn vị được giao vốn đầu tư công năm 2021 nhiều nhất cả nước và tới nay, bộ này cũng trong nhóm dẫn đầu về giải ngân vốn. Dù vậy, tiến độ giải ngân bộ này vẫn thấp hơn kế hoạch. Điều đó cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm đang rất “chật vật”.
Một số đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công đối mặt nguy cơ chậm tiến độ (thi công đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn trên tuyến Bắc - Nam). Ảnh minh họa
Bộ GTVT cho biết, được giao gần 43.000 tỷ đồng để thực hiện 61 dự án, trong đó có 20 dự án khởi công mới. Tới hết tháng 5, bộ giải ngân được 13.516 tỷ đồng vốn đầu tư công (đạt 32,1% kế hoạch năm). Dù là cơ quan thuộc nhóm đứng đầu về giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tiến độ này vẫn chậm so với kế hoạch. Điển hình như Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, hiện giải ngân được hơn 3.600/15.000 tỷ của năm nay, mới đạt 24,6% kế hoạch năm năm. Đáng chú ý, tiến độ dự án này đang gặp một số vướng mắc liên quan tới giải phóng mặt bằng (mới đạt trên 97% mặt bằng sạch), thiếu vật liệu, đất đắp nền đường.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, tiến độ giải ngân 5 tháng đầu năm của bộ tuy cao hơn mặt bằng chung cả nước, nhưng vẫn chưa đạt theo kế hoạch. Điều này do những tháng đầu năm lo thủ tục để triển khai dự án, nửa cuối năm sẽ bắt đầu vào thời điểm chính để giải ngân.
Bên cạnh đó, có một số lượng vốn thực hiện các dự án trong phạm vi cấp tỉnh, bộ phân bổ về cho sở GTVT các địa phương thực hiện. Khi địa phương chậm triển khai kéo theo kế hoạch giải ngân của bộ cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, một số dự án sử dụng vốn ODA, việc điều chỉnh hợp đồng, hiệp định mất nhiều thời gian về thủ tục. Điển hình như vốn phân bổ về Sở GTVT Kon Tum, tới hết tháng 5 mới giải ngân đạt 9% kế hoạch; Sở GTVT Gia Lai giải ngân mới đạt 21% kế hoạch. “Tới nay bộ chưa điều chuyển vốn giữa các chủ đầu tư, dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, vì số liệu giải ngân thời điểm này chưa phản ánh hết năng lực của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài tới nửa cuối năm, bộ sẽ điều chuyển vốn”, 1 lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Nhiều bộ ngành, địa phương giải ngân thấp
Bộ Tài chính cho biết, trong 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư công đã thanh toán đạt hơn 102.000 tỷ đồng (bằng 22% vốn kế hoạch Thủ tướng giao, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, vốn nước ngoài mới thanh toán được 2,9% (thấp hơn gần 10% so với cùng kỳ). Chỉ có 7 bộ, ngành và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 25% kế hoạch. Hầu hết các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. 39/50 bộ và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%. Trong đó, có tới 13 bộ, ngành chưa giải ngân; 8 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 1%, như: Tổng liên đoàn Lao động, Liên minh Hợp tác xã, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ngân hàng Phát triển... Có 22 bộ, ngành giải ngân 1 - 10%, như các bộ: Nội vụ, TT&TT, KH&CN, Ngoại giao, Y tế, VH-TT&DL, GD&ĐT, Công Thương, Hội Nông dân, Viện Khoa học công nghệ…
Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên 594.240 tỷ đồng. Trong đó, có 526.378 tỷ đồng vốn ngân sách năm nay, 67.861 tỷ đồng vốn năm trước chuyển sang.
Đáng chú ý, trong danh sách này có cả 2 bộ cầm trịch, giám sát về đầu tư công là Bộ KH&ĐT (mới giải ngân được 4,7%) và Bộ Tài chính (8,1%).
Các địa phương giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp như: Bắc Cạn, Cần Thơ, Cao Bằng, Quảng Bình… Đáng chú ý, trong danh sách này có Hà Nội và TPHCM, với số vốn được bố trí lần lượt là 51 và 46 nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ giải ngân được lần lượt 12,6% và 13,2%.
“Các bộ, ngành, địa phương này giải thích, việc chưa phân bổ vốn do các đơn vị mới giao kế hoạch vốn đợt 1, một số dự án chưa đủ điều kiện phân bổ vốn do chưa nằm trong danh sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Một số dự án quá thời gian thực hiện nên phải trình Thủ tướng cho ý kiến…”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đánh giá.
Cũng theo ông Tuấn, việc triển khai các dự án đầu tư công cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bùng phát, giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, một số dự án thiếu đất đắp nền; chậm giải phòng mặt bằng… Đặc biệt, một số nơi chưa minh bạch trong đấu thầu dự án, có trường hợp chọn nhà thầu không đủ năng lực nên ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Trong khi đó, với dự án sử dụng vốn vay ODA, các bước thủ tục gặp nhiều vướng mắc nên mất nhiều thời gian xử lý.
Phải xử nghiêm đơn vị “ngâm vốn”
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, giải ngân vốn đầu tư công đang còn tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng. Đầu tư công là quá trình, dự án xây dựng trải qua thời gian dài để có khối lượng hoàn thành hạng mục, mới có thể có giá trị khối lượng thanh toán và thời gian hoàn thành, thanh toán thường rơi vào cuối năm.
“Khối lượng đầu tư công để thanh quyết toán khá lớn và nhiều thủ tục nên nhà thầu, chủ đầu tư thường có tâm lý để dành, đợi khối lượng đầu tư công khá lớn mới làm thủ tục, hồ sơ thanh toán. Để thúc giải ngân đều ngày từ thời điểm đầu và giữa năm, bộ ngành phải để làm quen với cơ chế mới. Việc chuẩn bị dự án đầu tư cần làm tốt, khi duyệt xong kế hoạch, dự án thực hiện và giải ngân được ngay”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.
Đánh giá về thực trạng trên, ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được nói đến từ nhiều năm nay nhưng thực trạng không được cải thiện. Trong khi đó, đầu tư công rất quan trọng trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục vực dậy kinh tế trong đại dịch. “Ở đâu có vốn thì ở đó phải triển khai thật nhanh, thật đúng tiến độ và giải ngân hết, bởi vì mỗi một đồng vốn đầu tư công được giải ngân là tạo ra lợi ích rất nhiều cho nền kinh tế, chính lợi ích của địa phương, của ngành đó”, ông Cung nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đầu tư công giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, năm 2021 một trong những lý do khiến dự án đầu tư công chậm do giá thép và giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng khác tăng cao. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không có chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đặt ra.
Bên cạnh yếu tố khách quan nhiều nguyên vật liệu tăng giá, ông Long cho rằng, cũng cần nhìn nhận rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, cần quy trách nhiệm cụ thể cho các bên. Đầu tiên là chính bộ, ngành khi lập dự án, dự toán để xin tiền. Tiếp đến là bên thẩm định dự án và bên phê duyệt dự án. Rõ ràng khi một dự án được chấp thuận rót vốn, thì nó đã được các bên tính toán hết các phương án thực hiện, tính khả thi.
“Vốn đầu tư công không phải cứ thích xin thì xin rồi “ngâm”. Lãng phí nguồn vốn này không những gây ảnh hưởng đến tiến độ của đầu tư công mà còn trực tiếp gây thiệt hại ngân sách và xã hội. Ngoài ra, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công phản ánh năng lực yếu kém của bộ, ngành cho đến khâu thẩm định phê duyệt. Chúng ta cần có cơ chế xử lý nghiêm, truy trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn, gây lãng phí”, ông Long kiến nghị.
Sắp có tổ công tác gỡ vướng
Trước thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, cuối tháng 5/2021, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT tổ chức cuộc họp về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, rà soát ở địa phương cho thấy, một số dự án đã được chấp nhận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không được triển khai thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ đăng ký. Nhiều dự án bị chậm tiến độ hàng chục năm, gây lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo nguồn tin từ Bộ KH&ĐT, dự thảo về việc thành lập Tổ Công tác đặc biệt này đã được Bộ KH&ĐT trình và đang chờ Thủ tướng phê duyệt.
Tiền phong