MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là cách tôi trở thành CEO của công ty hàng triệu đô mà chẳng cần tới tấm bằng đại học!

21-03-2018 - 20:53 PM | Sống

Doanh nhân người Ấn Độ - Suresh Sambandam - khẳng định, giá trị nằm ở con người bạn chứ không phải ở bằng cấp.

Suresh Sambandam là Founder&CEO của OrangeScape, iSPIRT Foundation. Câu chuyện doanh nhân Ấn Độ này chia sẻ trên tờ Enterpreneur về "Cách tôi trở thành CEO của công ty hàng triệu đô mà chẳng cần tới tấm bằng đại học" khiến nhiều người phải suy ngẫm: 

 "Nhìn vào danh sách các doanh nhân thành công, khá dễ dàng để phát hiện ra xuất thân và gia cảnh của họ. Phần lớn gia đình của những doanh nhân này đều từ tầng lớp thượng lưu của xã hội, họ có thế mạnh về tiền bạc và thường được học trong các trường đại học danh tiếng.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Các nhà nghiên cứu dự án mang tên "CEO Genome Project" (Dự án bộ gen CEO: tổng hợp thông tin sinh học cũng như kết quả hoạt động của 17.000 nhà lãnh đạo, trong đó có 2.000 CEO) cho biết, khi khảo sát hàng nghìn CEO thì có 8% chưa từng tốt nghiệp đại học. Những người này sau đó đã trở thành nhà lãnh đạo được đánh giá cao. Thực tế chứng minh: 89% CEO chưa tốt nghiệp đại học đã xây dựng sự nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, có tầm hiểu biết sâu rộng cùng những mối quan hệ hợp tác quan trọng.

Theo kinh nghiệm của tôi, bạn không nhất thiết phải tuân theo con đường xây dựng doanh nghiệp "truyền thống". Thay vào đó, hãy cân nhắc đến con đường mà tôi sắp chia sẻ. Bản thân tôi đã xây dựng một công ty tạo ra doanh thu hàng triệu đô dù chỉ xuất thân từ một gia đình "bình dân" tại Ấn Độ và chưa từng được đi học đại học – điều này gần như không hề có ở quốc gia của tôi.

Khi tôi 17 tuổi, bố cho rằng tôi nên giúp ông quản lý công việc kinh doanh thay vì học lấy bằng kỹ sư. Nhìn lại chặng đường này, tôi nhận ra việc nhận lời đề nghị đó thực sự đưa tôi đến một môi trường tốt hơn để trở thành doanh nhân thành công. Con đường đó đã dạy tôi những kiến thức mà tôi chẳng thể nào học được ở trường.

Đây là cách tôi trở thành CEO của công ty hàng triệu đô mà chẳng cần tới tấm bằng đại học! - Ảnh 1.

Doanh nhân Suresh Sambandam đã xây dựng được một công ty hàng triệu đô mặc dù xuất thân trong một gia đình "bình dân" và không được đi học đại học.

Giá trị nằm ở con người của bạn 

Sau khi quyết định bỏ đại học, tôi bắt đầu đăng ký một khóa học lập trình máy tính vào các buổi tối tại một trung tâm nhỏ. Ngay lập tức tôi đã yêu thích công việc này. Thậm chí, tôi còn bỏ ra 20 đô để mua một cuốn sách dạy lập trình - một cái giá không thể tưởng tượng được ở vùng nông thôn Ấn Độ vào thời điểm đó. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi quyết định bắt đầu xây dựng một trung tâm đào tạo tin học của riêng mình với 4 người bạn hợp tác.

Đại học sẽ chỉ tạo ra môi trường "nhân tạo" mà sinh viên không thể tiếp cận được với những kiến thức cũng như trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, trong trung tâm đào tạo tin học của tôi, tôi không giới hạn phương pháp lập trình và giải quyết mọi vấn đề thực tế. Đổi lại, nếu nghiên cứu khoa học máy tính tại một trường đại học thì tôi sẽ bị giới hạn trong các bài học và không thể nhận ra hết khả năng của mình.

Ngoài việc lấy chứng chỉ nghề thì kiếm việc làm trong giới công nghệ cũng là một thách thức lớn, nhưng cuối cùng tôi cũng có một vị trí trong công ty HP. Tại đó, tôi nhận ra bản thân có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn. Bởi tôi không bị bó hẹp trong kiến thức của trường đại học nên có thể đi sâu nghiên cứu nhiều vấn đề tương tư như vậy và tích lũy kiến thức cho mình. Một số kiến thức này đã trở thành nền tảng cho công việc kinh doanh của tôi sau này.

Làm thế nào để thành công mà không cần bằng đại học

Trong suốt hành trình trở thành một nhà kinh doanh, tôi tin rằng bản thân đã học được rất nhiều điều từ kinh nghiệm làm việc thực tế trong lĩnh vực này hơn là những gì tôi có thể học được từ trong sách vở. Nếu bạn muốn tự mình kinh doanh mà bỏ qua quá trình học đại học, hãy làm theo những bước mà tôi đã thực hiện để xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai của bạn:

1. Đừng học vì kiểm tra, thay vào đó, hãy nghiên cứu thật sâu

Ở hầu hết các trường đại học, sinh viên có hệ thống tính điểm riêng: Bạn sẽ qua môn nếu bạn đạt bài kiểm tra. Vì vậy, với những kiến thức không có trong thi cử, bạn sẽ chẳng quan tâm đến chúng. Nhiều đồng nghiệp ban đầu của tôi cũng có những cách làm tương tự, chỉ nỗ lực rất ít (mang tính đối phó) để có thể được thăng chức hoặc đơn giản là không bị sa thải. Tuy nhiên trong kinh doanh, bạn cần phải tích cực nghiên cứu những kiến thức cần thiết để có thể giải quyết mọi vấn đề khi chúng phát sinh.

Doanh nhân - nhà đầu tư James Altucher - đã chia sẻ với phóng viên CNBC rằng ông nhận được bằng tốt nghiệp từ Đại học Cornell danh tiếng nhưng khi đi làm, ông phải theo học các lớp lập trình về kỹ thuật sửa chữa bởi chưa từng được học những kỹ năng cần thiết.

Altucher cho biết việc dành 4 năm để theo đuổi những kỹ năng liên quan đến công việc của bạn có giá trị hơn là nhận được sự đào tạo "chính thống" nhưng hời hợt ở trường đại học. Thay vì dành tiền học đại học, mua giáo trình hay học trực tuyến, ông gợi ý rằng các nhà kinh doanh sẽ mời chuyên viên dày dạn kinh nghiệm dạy cho họ những kiến thức sâu sắc trong lĩnh vực của mình. Họ sẽ tập trung đi sâu vào những chủ đề mà họ cần để trở thành một chuyên gia.

2. Tạo ra giá trị cá nhân nhưng tin tưởng vào đồng đội

Nói chung, đại học chỉ là nỗ lực của một cá nhân. Bạn sẽ nhận được tấm bằng tốt nghiệp sau khi hoàn thành chương trình của mình. Tuy nhiên trong kinh doanh, hầu như không có tiêu chí nào để đánh giá thành công của riêng cá nhân trong một đội nhóm. Khi bắt đầu thành lập công ty, tôi ưu tiên việc xây dựng các mối quan hệ với những người đồng nghiệp tài giỏi và đáng tin cậy.

Đây là cách tôi trở thành CEO của công ty hàng triệu đô mà chẳng cần tới tấm bằng đại học! - Ảnh 2.

Khi đã học được những kỹ năng cần thiết thì hãy tập trung vào việc xây dựng một đội nhóm đáng tin cậy để cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn và hỗ trợ nhau thành công. Hãy giúp các thành viên trong nhóm bạn hiểu rõ được mỗi cá nhân đều có một giá trị riêng để đóng góp và phát triển nhóm tốt hơn.

Theo một cuộc khảo sát của Tạp chí kinh doanh Harvard, 82% người tham gia đều đánh giá khả năng lãnh đạo là một kỹ năng kinh doanh quan trọng, vì vậy, hãy làm theo lời khuyên này: Hãy đảm bảo bạn lãnh đạo nhóm một cách vững chắc. Lập kế hoạch quản lý nhân viên, duy trì nền nếp công ty, giải quyết các mâu thuẫn và nêu ra quan điểm của bạn.

3. Hãy theo đuổi và giải quyết những vấn đề khó khăn nhất

Khi còn là một lập trình viên, tôi nhận thấy lĩnh vực mà tôi thực sự am hiểu là rule-based computing (tạm dịch: tính toán dựa trên nguyên tắc) – một vấn đề lớn và vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, tính toán dựa trên nguyên tắc đã trở thành một ưu thế của tôi và cuối cùng là nền tảng vững chắc cho công ty.

Tôi có thể sẽ chẳng thể nào học được những kiến thức sâu sắc về lĩnh vực này qua một khóa học tin học. Tôi đã học được chúng qua những lần giải quyết khó khăn và khám phá ra giới hạn của những phương pháp giải quyết khác.

Giải quyết những vấn đề khó khăn đã trở thành "tâm điểm" trong hành trình kinh doanh của tôi. Nếu bạn giải quyết những vấn đề khó khăn theo cách mà tôi đã học được, bạn sẽ không còn phải đuổi theo khách hàng hay kêu gọi vốn mạo hiểm mà họ sẽ tự đến với bạn. Đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu đã giảm trong những năm gần đây, vì vậy, sẽ tốt hơn nếu bạn đầu tư thời gian và tiền bạc của mình vào việc giải quyết những vấn đề khó khăn. Hãy nỗ lực hết mình để cải tiến quy trình và phát triển sản phẩm – dịch vụ của bạn. Cuối cùng, công ty bạn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư cũng như khách hàng hơn.

Do đó, lời khuyên của tôi là Hoàn cảnh và xuất thân của bạn không phải là chướng ngại vật trên con đường trở thành một doanh nhân thành công. Đừng để "nơi bạn bắt đầu" trở thành điểm kết thúc.

Hãy sử dụng phương pháp và kinh nghiệm mà tôi đã chia sẻ để tạo ra con đường thành công cho chính mình.

Nguyễn Nguyễn

Entrepreneur

Trở lên trên