MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là lý do khiến Việt Nam từng bị Mỹ đưa vào "tầm ngắm" về vấn đề thao túng tiền tệ

Hành động đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ hồi tháng 5 được cho là hệ luỵ trực tiếp của không ít kiến nghị chính sách phá giá đồng VNĐ trong những năm qua, phía Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm.

Nhận định được đưa trong báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm do CIEM thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

CIEM cho biết cán cân thanh toán tổng thể đạt thặng dư ở mức 6,0 tỷ USD trong năm 2018, dù chịu thâm hụt hơn 1,9 tỷ USD trong quý IV. Kết quả này có đóng góp không nhỏ từ thặng dư thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia của viện khẳng định thặng dư thương mại hàng hóa không phải là hiện tượng của riêng năm 2018 nói chung hay trong thời kỳ chiến tranh thương mại nói riêng, mà đã thể hiện sự cải thiện liên tục kể từ khi Việt Nam tập trung hơn vào ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế từ năm 2011.

Tỷ giá trung tâm chủ yếu giữ xu hướng tăng trong quý II. Theo đó, tỷ giá này thời điểm cuối quý II tăng 0,17% so với cuối quý I, tăng 1,06% so với cuối năm 2018 và 1,84% so với cùng kỳ 2018. Động thái tăng ngay cả khi thị trường ngoại hối tương đối ổn định trong quý II được các chuyên gia nhận định có thể là do NHNN muốn tạo thêm dư địa cho tỷ giá biến động trong bối cảnh thị trường có những yếu tố khá bất định.

Tỷ giá VNĐ/USD của Ngân hàng thương mại (NHTM) giữ xu hướng tăng và biến động khá mạnh trong tháng 5 và tuần đầu tháng 6, tuy nhiên CIEM ghi nhận mức chênh lệch tối đa của tỷ giá NHTM và tỷ giá trung tâm trong giai đoạn này chỉ là 1,83%.

Theo CIEM, điểm đáng lưu ý là tỷ giá NHTM cao hơn và không chênh lệch nhiều so với tỷ giá thị trường tự do trong suốt quý II. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ hiệu quả điều hành tỷ giá của NHNN, tỷ giá của các đồng tiền chủ chốt chưa có nhiều diễn biến phức tạp và kỳ vọng gia tăng nhiều hơn của thị trường về việc hạ lãi suất ở Mỹ.

CIEM cho biết tỷ giá hữu hiệu thực trong Quý II giảm 1% so với Quý I và 3% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này cho thấy hàng hóa Việt Nam có xu hướng tăng giá đối với hàng hóa các nước đối tác. Nguyên nhân chủ yếu là do lạm phát trong nước tăng nhanh hơn so với mức lạm phát của các nước đối tác. Cùng với việc giữ ổn định tỷ giá, kết quả này cũng khẳng định Việt Nam không sử dụng chính sách tỷ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu.

Điểm đáng lư ý khác trong quý II là vào tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước theo dõi khả năng thao túng tiền tệ. Báo cáo này không khẳng định Việt Nam có thao túng tiền tệ tuy nhiên động thái này của Mỹ dường như khiến không ít cơ quan của Việt Nam bất ngờ, đặt trong bối cảnh: Mỹ dường như lưu tâm hơn đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; Việt Nam và Mỹ thường xuyên tiếp xúc, trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại hai bên cùng quan tâm; và Việt Nam được cho là có quy mô khá nhỏ trong các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Dù dựa trên các tiêu chí được công khai và giải trình (gồm 3 tiêu chí: thặng dư thương mại với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư tài khoản vãng lai bằng 2% GDP; can thiệp mua ngoại tệ một chiều liên tiếp trong 6 tháng ở mức 2% GDP. 2tiêu chí đầu tiên được cho là xảy ra đối với trường hợp của Việt Nam), hành động này của Mỹ có thể cũng cho thấy hệ lụy trực tiếp của không ít kiến nghị chính sách về phá giá đồng VNĐ trong những năm qua.

Bên cạnh việc giải trình với phía Mỹ, CIEM cũng đánh giá NHNN đã có những động thái truyền thông khá tích cực, trong đó nhìn nhận thẳng thắn về báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời khẳng định không chủ trương phá giá để hỗ trợ xuất khẩu.

Hà Thư

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên