Đây là mối lo lớn nhất kéo ngành thép đi xuống trong năm nay
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đã bùng nổ trong năm nay, nhấn chìm các nhà phát triển bất động sản và gây thiệt hại cho nhiều ngân hàng. Goldman Sachs nhận định nhu cầu thép sẽ giảm 5% trong năm nay.
- 03-08-2022Đà rơi chưa có dấu hiệu dừng lại: giá thép giảm lần thứ 12 liên tiếp
- 01-08-2022Những động lực nào ảnh hưởng đến thị trường thép?
- 28-07-2022Giá thép với 'điệp khúc' giảm lần thứ 11, thị trường thép cuối năm sẽ tiếp tục giảm?
Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc đang bước vào một kỷ nguyên mới đầy bấp bênh khi cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng kéo theo nhu cầu và mô hình tăng trưởng do xây dựng dẫn đầu của Bắc Kinh ngày càng trở nên bất khả thi.
Tâm lý thị trường trở nên lung lay sau khi giá quặng sắt vừa tăng mạnh vào tuần trước nhưng bước sang tuần này lại giảm nhiều phiên liên tiếp. Một báo cáo khảo sát cho thấy giá và doanh số bán nhà ở mới của Trung Quốc trong tháng 7 vẫn đang trong xu hướng giảm.
Li Ganpo, người sáng lập và chủ tịch của Tập đoàn thép Hebei Jingye cảnh báo rằng, gần một phần ba các nhà máy thép của Trung Quốc có thể phá sản trong tình trạng siết chặt.
"Toàn bộ lĩnh vực này đang thua lỗ và tôi không thể thấy bước ngoặt đáng chú ý nào vào lúc này", ông cho biết.
Cuộc khủng hoảng bất động sản đã bùng nổ trong năm nay, nhấn chìm các nhà phát triển bất động sản và gây thiệt hại cho nhiều ngân hàng. Các nhà máy thép đã sản xuất hơn một tỷ tấn vào năm ngoái, chiếm khoảng một nửa sản lượng toàn cầu, đang rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm. Điều này cũng ảnh hưởng đến giá quặng sắt và các nhà khai thác quặng sắt từ Úc đến Brazil.
Sau hơn một năm đau đầu về lĩnh vực bất động sản, triển vọng đang trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ cố gắng đưa ra các gói cứu trợ lớn và áp dụng các quy định nghiêm ngặt về quản lý nợ. Chỉ số nhà quản lý thu mua thép trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 và Goldman Sachs nhận thấy nhu cầu thép sẽ giảm 5% trong năm nay. Lĩnh vực bất động sản chiếm ít nhất một phần ba nhu cầu thép của Trung Quốc.
Ngoài cuộc khủng hoảng hiện tại, lĩnh vực bất động sản đang phải đối mặt với những thách thức sâu sắc khi mô hình tăng trưởng mà nền kinh tế Trung Quốc duy trì trong nhiều thập kỷ có dấu hiệu căng thẳng. Trung Quốc đang miễn cưỡng triển khai các mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và kích thích tài chính nhằm vực dậy lĩnh vực này sau cuộc khủng hoảng tài chính lớn và suy thoái thị trường bất động sản năm 2015 - 2016.
Leland Miller, Giám đốc điều hành của China Beige Book International, chuyên giám sát ngành thép cho biết: "Lần này thực sự khác. Với việc bất động sản đã mất đi lớp vỏ là động lực tăng trưởng ưu việt, các mặt hàng quan trọng như thép không còn được hưởng lợi từ khả năng tiếp cận tín dụng không giới hạn".
Trong ngắn hạn, trở ngại lớn đối với thép là lượng lớn các dự án chưa hoàn thành, nổi bật là làn sóng tẩy chay thanh toán thế chấp gần đây. Giá thép xây dựng cũng giảm mạnh, trong đó thép cây - loại thép xoắn gia cố bê tông - giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tuần trước.
Quãng thời gian khó khăn phía trước
Chen Shaohui, Phó chủ tịch Jiangsu Shagang Group cho biết, thị trường sẽ vẫn phức tạp và khó khăn trong nửa cuối năm và các biện pháp kích thích cần thời gian để có hiệu lực.
Nhu cầu yếu đã chuyển sang quặng sắt, nguyên liệu chính để sản xuất thép. Hợp đồng tương lai quặng sắt ở Singapore đã giảm ngày thứ ba liên tiếp vào thứ Ba (2/8) và giảm khoảng 36% so với mức đỉnh vào đầu tháng 3.
Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc đang trong tình trạng "suy giảm mạnh trên mọi mặt", Liberum Capital cho biết, trong đó họ duy trì khuyến nghị bán cho các công ty khai thác quặng sắt BHP Group Ltd., Rio Tinto Plc và Antofagasta Plc.
Trong khi đó, các nhà sản xuất thép có thể ít đề cập đến việc cắt giảm sản lượng. Các chính quyền địa phương đang gây áp lực lên các nhà máy để duy trì hoạt động nhằm ngăn chặn sự yếu kém về dữ liệu kinh tế.
Theo SMM, công ty chuyên cung cấp thông tin, dữ liệu ngành sản xuất kim loại, tổng cộng 23 lò cao của Trung Quốc bắt đầu sản xuất trở lại trong khoảng thời gian từ ngày 21/7 đến ngày 1/8. Trong khi đó, nhiều nhà máy thép khác dự kiến sẽ tạm dừng hoạt động trong tháng 8 vì thua lỗ hoặc bảo trì máy móc.
Một nhà máy ở Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, cho biết họ tiếp tục giảm sản lượng thép cây, thép cuộn và HRC do lợi nhuận thấp. Nguồn tin từ nhà máy tiết lộ nhà máy có thể không tăng sản lượng trừ khi tỷ suất lợi nhuận chuyển sang dương.
Một nhà máy ở miền Đông Trung Quốc nói sẽ cố gắng duy trì tất cả các dây chuyền sản xuất thép thành phẩm cho đến ngày 6/8. Hai nhà máy còn lại cắt giảm sản lượng do bảo trì nhà máy ngoài kế hoạch.
Các nhà máy thép từng được xem là nhà vô địch trong quá trình mở rộng kinh tế của Trung Quốc, với một số nhà máy đang phát triển từ các xưởng đúc nông thôn đến các tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la. Mặc dù hoạt động bất động sản sẽ ngừng thu hẹp vào một thời điểm nào đó, nhưng cơ hội để hoạt động này mang lại sự bùng nổ đã từng thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Á trong vài thập kỷ qua dường như rất mỏng manh.
"Quý III sẽ là thời điểm khó khăn nhất đối với ngành thép. Chúng ta nên từ bỏ mọi ảo tưởng về thị trường và tập trung vào những gì có thể tự giải quyết", Zhu Guosen, Phó giám đốc tại viện nghiên cứu công nghệ của Tập đoàn Shougang cho biết.